Liên tiếp thua lỗ, nợ phải trả Điện gió Trung Nam gấp 4,7 lần vốn chủ sở hữu

Kết thúc nửa đầu năm 2023, Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 tiếp tục lỗ hơn 390 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, doanh nghiệp này cũng lỗ gần 433 tỷ đồng.

Liên tiếp thua lỗ, nợ phải trả Điện gió Trung Nam gấp 4,7 lần vốn chủ sở hữu
Đây là thông tin mới được Công ty CP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 công bố trong báo cáo tình hình tài chính định kỳ 6 tháng đầu năm 2023 vừa gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Kinh doanh bết bát, nguồn vốn thế nào?
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2023, Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 báo lỗ sau thuế 390 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022, doanh nghiệp này cũng báo lỗ 433 tỷ đồng. Do liên tiếp thua lỗ, tính đến cuối tháng 6/2023, vốn chủ sở hữu của Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 bị “ăn mòn” về còn 2.552 tỷ đồng, giảm hơn 800 tỷ đồng, tương ứng giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2022 (ghi nhận ở mức 3.369 tỷ đồng).
Cùng đó, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng lên 4,72 lần (so với đầu năm 4,12 lần), tương ứng nợ phải trả hơn 12.045 tỷ đồng, tăng khoảng 660 tỷ đồng so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 3,74 lần, tương ứng nợ trái phiếu còn hơn 9.544 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 trong nửa đầu năm 2023 âm 15%, cùng kỳ năm 2022 cũng âm 13%.
Được biết, trước đó năm 2022, Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 ghi nhận khoản lỗ sau thuế lên tới 859 tỷ đồng, so với năm 2021 lãi 1,4 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2022 là 2.942 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) âm 29%. Nợ phải trả doanh nghiệp còn hơn 12.100 tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu còn gần 9.800 tỷ đồng.
Theo công bố tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu 6 tháng đầu năm 2023, Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 đang lưu hành 8 lô trái phiếu có tổng giá trị phát hành 9.940 tỷ đồng. Các lô trái phiếu này đều phát hành trong năm 2021, có kỳ hạn ngắn nhất là 5 năm. Sau nhiều lần mua lại trước hạn, giá trị trái phiếu lưu hành còn 9.538 tỷ đồng.
Với số nợ trái phiếu lớn trên, Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 đã phải trả 496 tỷ đồng tiền lãi trong 6 tháng đầu năm 2023. Công ty thường xuyên chậm trả lãi với lý do nguồn thu tiền điện về chậm hơn kế hoạch.
Đáng chú ý, hồi cuối tháng 2/2023, Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 là một trong 3 doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Trung Nam Group bị HNX điểm tên trong danh sách 54 doanh nghiệp chậm trả nợ gốc, lãi trái phiếu. Hai doanh nghiệp còn lại là Công ty CP Điện mặt trời Trung Nam và Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam.
Lien tiep thua lo, no phai tra Dien gio Trung Nam gap 4,7 lan von chu so huu
Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam do Công ty CP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 làm chủ đầu tư (ảnh: Internet).
Tìm hiểu được biết, Công ty CP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 được thành lập ngày 18/4/2018, với tên gọi ban đầu là Công ty CP Năng lượng tái tạo Phước Minh. Theo giới thiệu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Doanh nghiệp có trụ sở chính tại buôn Druh A, xã Ea Nam, huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk. Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật công ty là ông Hoàng Văn Hợp.
Với vốn điều lệ ban đầu 10 tỷ đồng, các cổ đông sáng lập gồm: Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) nắm 92%, Công ty CP Thuỷ điện Trung Nam nắm 5%, ông Đỗ Hải Nam 3%. Ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch Trungnam Group làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật.
Tháng 6/2020, công ty đổi thành tên gọi như hiện nay, trụ sở chuyển đến TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Tiếp sau đó, tháng 7/2020, vị trí chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật được chuyển sang cho ông Hoàng Văn Hợp.
Đến tháng 2/2021, công ty tăng vốn điều lệ lên hơn 2.497 tỷ đồng và đến tháng 4/2021 tiếp tục nâng vốn lên 3.800 tỷ đồng. Lúc này, các cổ đông sáng lập giảm đáng kể tỷ lệ sở hữu vốn, với Trungnam Group còn 0,242%, Công ty CP Thuỷ điện Trung Nam còn 0,013%, ông Đỗ Hải Nam còn 0,008%.
Tháng 7/2023, doanh nghiệp chuyển trụ sở chính đến huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk. Đây cũng là nơi xây dựng Nhà máy điện gió Ea Nam do Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 làm chủ đầu tư. Dự án nằm trên diện tích 600ha thuộc các xã Ea Nam, Ea Khal và Dliê Yang (huyện Ea H’leo), có tổng mức đầu tư trên 16.500 tỷ đồng, sản lượng điện ước tính đạt 1,1 tỷ kWh/năm, đã hoàn thành trong năm 2021.
Liên tục cầm cố tài sản
Mặt khác, ngoài huy động vốn từ trái phiếu, trong năm 2021, Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 còn có nhiều giao dịch đảm bảo khác để vay vốn tại các ngân hàng.
Theo đó, ngày 4/6/2021, Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 đã thế chấp toàn bộ máy móc, thiết bị thuộc dự án Nhà máy điện gió Ea Nam tại xã Ea Nam, xã Ea Khal, xã Dlie Yang, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk tại Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Hoàng Mai, TP Hà Nội.
Cùng ngày 4/6/2021, Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 và Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) tiếp tục thế chấp tài sản tại Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Hoàng Mai.
Tài sản đảm bảo là Quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán điện của dự án Nhà máy Điện Gió Ea Nam giữa Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bao gồm quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán, quyền thụ hưởng lợi ích hình thành từ hợp đồng. Tiếp đó là Quyền được nhận số tiền bảo hiểm từ tất cả các hợp đồng bảo hiểm của dự án; quyền khai thác, quản lý dự án; quyền tài sản bao gồm quyền thụ hưởng lợi ích hình thành từ hợp đồng, quyền được bồi thường thiệt hại theo hợp đồng; quyền được bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh từ các hợp đồng.
Ngoài ra là, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng giữa Điện Gió Trung Nam Đắk Lắk 1 và Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam bao gồm quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán, quyền thụ hưởng lợi ích hình thành từ hợp đồng, quyền được bồi thường thiệt hại theo hợp đồng hoặc quyền tài sản khác trị giá được bằng tiền phát sinh từ hợp đồng (trừ quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, quyền sở hữu hoặc quyền khác phải đăng ký đối với tàu bay, tàu biển theo quy định của pháp luật về hàng không, hàng hải); quyền được bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng…

Đắk Lắk: Cháy tuabin của dự án điện gió Ea Nam

Một tuabin trụ điện gió ở dự án điện gió Ea Nam, xã Ea Nam, huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) đã bốc cháy dữ dội. Nguyên nhân ban đầu được cho là chập điện.

Đắk Lắk: Cháy tuabin của dự án điện gió Ea Nam

Tối 19/4, một lãnh đạo UBND huyện Ea H'leo xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra sự cố cháy tuabin trụ điện gió của dự án điện gió Ea Nam do Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Công ty Trung Nam) đầu tư xây dựng.

Trụ điện gió có chiều cao 130m với 3 cánh quạt, có tổng trọng lượng 75 tấn. Hiện đám cháy đã tắt hoàn toàn. Nguyên nhân dẫn đến vụ cháy nhiều khả năng do chập điện.

Trụ điện gió ở Gia Lai bị gãy cánh: Chủ đầu tư là ai?

Sở Công thương tỉnh Gia Lai vừa xác nhận đã nắm thông tin về việc 1 trong số 22 trụ điện gió tại Nhà máy điện gió Ia Pết - Đăk Đoa 2 ngừng hoạt động do cánh quạt có hiện tượng bị nứt, gãy.

Trụ điện gió ở Gia Lai bị gãy cánh: Chủ đầu tư là ai?

Đại diện Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho biết, theo báo cáo sơ bộ, trong quá trình bảo trì cánh và turbine, có sai sót quên không khóa đảo cánh nên đã gây ra sự cố do gió giật, khép cánh không kịp ở trụ 30 thuộc Nhà máy điện gió Ia Pết - Đăk Đoa 2 (H.Đăk Đoa, Gia Lai). Cánh quạt có hiện tượng bị nứt, gãy cánh.

Hiện Công an xã Ia Pết, H.Đăk Đoa đang phối hợp với công ty điện gió bảo vệ hiện trường, chờ lực lượng chức năng tới khám nghiệm, điều tra nguyên nhân.

Lâm Đồng: Vì sao CĐT điện gió Cầu Đất bị phạt 1,4 tỷ?

Công ty CP Năng lượng tái tạo Đại Dương bị xử phạt, truy thu gần 1,4 tỷ đồng vì sử dụng đất khi chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất; lấn chiếm đất rừng phòng hộ để xây dự án điện gió.

Lâm Đồng: Vì sao CĐT điện gió Cầu Đất bị phạt 1,4 tỷ?
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty CP Năng lượng tái tạo Đại Dương (chủ đầu tư nhà máy điện gió Cầu Đất, tại thôn Trường Thọ, xã Trạm Hành, TP Đà Lạt) số tiền 225 triệu đồng, buộc nộp lại số tiền thu lợi trên 1,1 tỷ đồng do thực hiện nhiều hành vi sai phạm liên quan tới việc thuê đất, sử dụng không đúng mục đích.
Cụ thể, trong quá trình triển khai dự án nhà máy điện gió Cầu Đất tại xã Trạm Hành, TP Đà Lạt, doanh nghiệp này đã có hành vi chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn với tổng diện tích trên 86.000m2.

Tin mới