Lộ chân dung những người đặc biệt xoay vần bánh xe lịch sử
(Kiến Thức) - Gavrilo Princip ám sát Thái tử Áo - Hung là Franz Ferdinand đã châm ngòi cho Chiến tranh thế giới 1 và góp phần xoay vần bánh xe lịch sử.
Tâm Anh (theo TTZ)
Xem toàn bộ ảnh
Gavrilo Princip là một trong số những người đặc biệt góp phần xoay vần bánh xe lịch sử. Y là sinh viên người Serbia thuộc tổ chức Bàn Tay Đen. Vào ngày 28/6/1914, Thái tử Áo - Hung là Franz Ferdinand (trong ảnh) bị Princip ám sát.
Sau vụ ám sát gây chấn động thế giới trên, đế quốc Áo - Hung đổ lỗi cho Serbia đứng đằng sau vụ việc và tuyên chiến với quốc gia này. Sự kiện này châm ngòi cho Chiến tranh thế giới 1 nổ ra.
Gavrilo Princip (trong ảnh) - kẻ gây ra vụ ám sát trên - đã khơi mào cho cuộc chiến phi nghĩa và đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại với khoảng 15 triệu người thiệt mạng. Vụ ám sát này đã làm thay đổi lịch sử thế giới hồi thế kỷ 20.
Tiến sĩ Norman Borlaug được ca ngợi là cha đẻ của “Cuộc cách mạng xanh”. Ông là nhà nông học và tiến sĩ di truyền tài năng. Đặc biệt, ông là người tiên phong phong trong lĩnh vực nghiên cứu nông nghiệp vì lợi ích của những người nông dân ở các nước đang phát triển và nghèo tài nguyên.
Một trong những phát minh quan trọng nhất của tiến sĩ Borlaug là nghiên cứu chọn giống lúa mì tại Mexico. Về sau, ông đã giới thiệu ra thế giới nhiều giống lúa mì thấp cây, năng suất cao, kháng sâu bệnh nổi tiếng khắp thế giới.
Với những đóng góp to lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Borlaug trở thành nhà nông học duy nhất trong lịch sử thế giới cho đến nay được trao tặng Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1970. Vị tiến sĩ này còn từng được tạp chí Time danh tiếng của Mỹ ghi tên vào danh sách 100 nhà trí tuệ lớn nhất thế kỷ 20.
Rosalind Franklin là nhà hóa học nữ người Anh đi tiên phong trong việc khám phá cấu trúc của Axit Deoxyribonucleic (hay còn được gọi là ADN), mang thông tin di truyền mã hóa cho các hoạt động bình thường của tế bào.
Tuy nhiên, những đóng góp to lớn của bà Franklin không được lịch sử ghi nhận. Nguyên nhân là vì bà không may qua đời do căn bệnh ung thư vào năm 1958.
Vào thời điểm ấy, giải Nobel không được trao cho những người đã khuất. Chính vì vậy, Francis Crick và James Watson được trao giải Nobel cho việc tìm ra cấu trúc của ADN năm 1962.
Mohamed Bouazizi là một nhân vật ít tên tuổi nhưng đã góp phần xoay chuyển bánh xe lịch sử. Cụ thể, Cuộc cách mạng ở Tunisia được khơi mào bởi vụ việc Mohamed Bouazizi - thanh niên trẻ bán rau quả rong ở tỉnh lẻ, tự thiêu trước tòa thị chính của thành phố ngày 17/12/2010.
Anh Bouazizi đã có hành động như vậy sau khi bị cảnh sát tịch thu hàng hóa, mất kế sinh nhai. 2 tuần sau sau khi tự thiêu, anh Bouazizi chết vì bị thương nặng.
6 tháng sau cái chết của Bouazizi, thống kê cho thấy có ít nhất 107 người Tunisia đã cố gắng tìm đến cái chết bằng cách tự châm lửa đốt mình. Vụ việc của Bouazizi đã gây ra làn sóng biểu tình rộng khắp Tunisia đồng thời châm ngòi cho phong trào “mùa xuân Ả Rập” trên khắp thế giới.