Cổ phiếu JVC của Công ty Thiết bị Y tế Việt Nhật (HoSE: JVC) trong hơn nửa tháng qua bất ngờ nổi sóng tăng từ vùng giá 3.500 đồng lên 5.500 đồng chốt phiên 4/9, tức tăng 57%.
|
Nguồn: VNDirect |
Đi kèm với việc cổ phiếu tăng giá là thay máu cổ đông. Nhóm cổ đông đến từ Nhật Bản gồm DI Asian Industrial Fund, L.P (DIAF), Dream Incubator (DI Inc.) và Orix Corporation rút 28% vốn sau 8 năm đầu tư.
Nhóm cổ đông lớn mới xuất hiện là 4 cá nhân nắm 38,2% vốn công ty, trong đó có lãnh đạo của Công ty Nhựa Đồng Nai (DNP Corp, HNX: DNP) như bà Phan Thị Thu Thảo và ông Nguyễn Văn Hiếu. Ngay cả Tổng giám đốc JVC, bà Vũ Thị Thúy Hằng cũng nhảy vào cuộc đua gom 11,2 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn công ty để đầu tư.
Công nợ khó đòi hơn 1.000 tỷ, mỗi năm thu hồi vài tỷ
Dù vậy, nhìn lại hoạt động kinh doanh của JVC 5 năm sau sự cố liên quan cựu Chủ tịch HĐQT Lê Văn Hướng bị bắt (tháng 6/2015) thì hoạt động kinh doanh Công ty Thiết bị Y tế Việt Nhật (HoSE: JVC) không có nhiều điểm khởi sắc, tình hình thu hồi công nợ vẫn trì trệ.
JVC là nhà phân phối thiết bị y tế, vật tư tiêu hao cho các thương hiệu đến từ Nhật Bản như Hitachi, Fujifilm, Konica, Sakura… tại Việt Nam. Kinh doanh thiết bị y tế và vật tư tiêu hao là nguồn thu chính đóng góp khoảng 70% doanh thu mỗi năm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cung cấp dịch vụ kỹ thuật, phòng khám đa khoa lưu động và đầu tư liên kết.
Giai đoạn 2015-2019 (niên độ 1/4-31/1), công ty ghi nhận doanh thu khoảng 500-600 tỷ đồng và lợi nhuận gộp khoảng 110 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lớn khiến lợi nhuận JVC cực kỳ khiêm tốn, đạt vài tỷ hoặc hơn chục tỷ đồng. Trong cơ cấu chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tiền lương chiếm tỷ trọng 35%; đáng chú ý, các khoản chi phí khác chiếm tỷ trọng đến 50%. Các năm gần đây, doanh nghiệp không phải trích lập thêm nhiều khoản công nợ khó đòi như giai đoạn 2015-2016.
Do vậy, với con số lợi nhuận ghi nhận vài tỷ mỗi năm kể từ sau khi lỗ khủng 1.336 tỷ đồng vào năm 2015 thì tính đến 30/6, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của JVC vẫn âm 1.016 tỷ đồng, cách vốn góp của chủ sở hữu khoảng 100 tỷ đồng.
|
Đơn vị: tỷ đồng |
Không phải hoạt động kinh doanh sa sút mà việc phải trích lập các khoản công nợ phải thu, khoản đầu tư tài chính tại các đối tượng liên quan đến lãnh đạo cũ lên đến hơn 1.000 tỷ đồng mới là nguyên nhân chính dẫn đến khoản lỗ khủng của JVC vào năm 2015 và 2016. Sau 5 năm, các khoản trích lập này vẫn còn treo trên BCTC. Tính đến 30/6, doanh nghiệp thiết bị y tế có khoản dự phòng trích lập phải thu ngắn hạn khó đòi 1.199 tỷ đồng, tăng thêm 72,3 tỷ đồng so với cuối năm tài chính 2015 (1/1/2015-31/3/2016).
|
Đơn vị: tỷ đồng |
Báo cáo của lãnh đạo JVC cho biết tình hình thu hồi công nợ khá khó khăn và nhỏ giọt dù có khởi kiện các đối tượng liên quan, như năm 2018 thu hồi được 3,9 tỷ đồng, năm 2019 thu hồi 1,7 tỷ đồng.
|
Nguồn: BCTC kỳ 1/4/2020-31/3/2020 |
Năm 2020 nhiều thử thách, quý đầu niên độ lỗ 700 triệu đồng
Lãnh đạo JVC đánh giá năm 2020 sẽ là một năm nhiều thử thách khi mà dịch bệnh Covid-19 đã và đang gây ra nhiều thiệt hại kinh tế cho ngân sách nhà nước, bao gồm cả ngân sách đầu tư cho y tế, cho năng lực tài chính của đối tác và bản thân công ty. Do vậy, công ty đang thực hiện rà soát, điều chỉnh, tổ chức lại mô hình kinh doanh, bộ máy tổ chức, nâng cao chất lượng nhân sự cũng như hiệu quả làm việc. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu xử lý dứt điểm các tồn đọng về tài chính, công nợ, pháp lý.
Về hoạt động kinh doanh, ngoài các dòng sản phẩm, hoạt động kinh doanh truyền thống như thiết bị và vật tư tiêu hao chẩn đoán hình ảnh, công ty thực hiện đa dạng hóa sản phẩm phục vụ kiểm soát nhiễm khuẩn, gây mê hồi sức. Báo cáo của JVC cho biết bước đầu đã ký thêm 4 hợp đồng phân phối độc quyền với các hãng thiết bị và vật tư tiêu hao mới cho các khoa phòng chuyên môn khác. Các sản phẩm mới kỳ vọng đóng góp vào doanh thu trong thời gian tới là thiết bị nội soi, chỉ khâu phẫu thuật.
Theo đó, HĐQT đặt ra kế hoạch kinh doanh năm 2020 gồm doanh thu thuần 570 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 10 tỷ đồng; lần lượt tăng 10% và gấp 3,7 lần thực hiện năm trước.
Quý đầu niên độ 2020, JVC ghi nhận doanh thu 90 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Lỗ sau thuế hơn 700 triệu đồng, cùng kỳ năm trước lãi 2,7 tỷ đồng. Doanh thu của doanh nghiệp quý đầu niên độ trong hầu hết các lĩnh vực đều giảm, đặc biệt là kinh doanh vật tư tiêu hao hàng phim chụp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.