Lo mất rừng bởi dự án sân golf

Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu kiểm tra năng lực thực hiện, thời gian triển khai dự án sân golf của một công ty do chậm thực hiện.

Ngày 7-2, ông Hồ Phước Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Gia Lai, cho biết sở này đã có văn bản gửi đến Công ty CP Đầu tư Hội Phú đề nghị làm rõ việc tham gia đầu tư dự án sân golf, khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng tại huyện Đắk Đoa. Tuy nhiên, công ty xin "khất" qua Tết nguyên đán vì đây là vấn đề lớn, chưa thể quyết định.
"Không lợi ích gì cho dân"
Dự án sân golf nằm trên diện tích hơn 197 ha rừng thông tại 2 xã Glar, Tân Bình (huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai). Khu rừng rộng lớn với hàng ngàn cây thông hàng chục năm tuổi này do Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Đoa quản lý. Vị trí dự kiến xây dựng sân golf nằm cách trung tâm thị trấn Đắk Đoa chưa đến 4 km và TP Pleiku 20 km.
Ông Nguyễn Hữu Long, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Đoa, cho hay khu vực rừng thông hình dáng bonsai là một trong những rừng thông đẹp nhất của tỉnh. Vừa qua, UBND huyện Đắk Đoa đã giao cho ông nghiên cứu văn bản, xem việc chuyển đổi rừng này có phù hợp hay không. "Ở huyện, quan điểm là không nên phá" - ông Long nói. Cá nhân ông Long cho rằng việc làm sân golf chỉ là học đòi và không mang lại lợi ích gì cho người dân ở đây.
Rừng thông tuyệt đẹp ở Gia Lai sắp chuyển sang làm sân golf.
Rừng thông tuyệt đẹp ở Gia Lai sắp chuyển sang làm sân golf. 
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Bí thư Huyện ủy Đắk Đoa, cũng hy vọng việc làm sân golf kết hợp du lịch sinh thái sẽ không ảnh hưởng nhiều và cũng muốn giữ cây thông để làm du lịch sinh thái vì cây thông rất đẹp. Diện tích đất này vẫn đang là đất lâm nghiệp do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Phía địa phương cho rằng phá bao nhiêu diện tích thì phải trồng lại bấy nhiêu.
Theo ông Thọ, sân golf chỉ phục vụ cho người có tiền. "Thậm chí như bọn tôi đừng có mơ để vào sân golf mà cầm gậy chứ đừng nói dân. Điều này thì ai cũng biết" - ông Thọ nói.
Nhiều nhà đầu tư đến rồi đi
Sau khi được phép khảo sát, lập dự án, Công ty Hội Phú đã đưa ra lộ trình triển khai dự án là năm 2015 hoàn thành các thủ tục thu hồi đất, giao đất, năm 2016 tổ chức thi công và năm 2020 hoàn tất đưa vào sử dụng. Thế nhưng, đến nay, đây vẫn là đất lâm nghiệp, chưa được chuyển đổi.
Chính quyền địa phương đang rất quan tâm đến việc nhà đầu tư triển khai dự án như thế nào, hiệu quả ra sao. Nguyên nhân là từ năm 2009, cũng trên diện tích dự án này, đã có nhiều nhà đầu tư đến khảo sát, thuê cả chuyên gia nước ngoài đánh giá nhưng đều chưa thực hiện. "Mình chỉ lo bây giờ nhà đầu tư có làm được không vì đã nhiều nhà đầu tư đến rồi lại ra đi" - ông Thọ băn khoăn.
Ông Phạm Tấn Nghĩa, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Doanh nghiệp - Kinh tế tập thể và tư nhân, Sở KH-ĐT tỉnh Gia Lai, cho biết đầu năm 2017, Sở KH-ĐT đã trình UBND tỉnh, UBND tỉnh đã trình Bộ KH-ĐT thẩm định rồi mới trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận, Bộ KH-ĐT yêu cầu phải triển khai các thủ tục và thăm dò xem ở dưới khu vực thực hiện dự án sân golf có khoáng sản không. Bên cạnh đó, phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất lâm nghiệp sang đất thương mại - dịch vụ. Sở KH-ĐT phải trực tiếp gửi các bộ, ngành liên quan, sau đó tổng hợp lại gửi Bộ KH-ĐT thẩm định lần cuối rồi trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
GS Bảo Huy, Trưởng Bộ môn Quản lý tài nguyên rừng và môi trường (Khoa Nông - Lâm nghiệp Trường ĐH Tây Nguyên), cho rằng: "Quan điểm chung về môi trường mà nói, làm sân golf người ta không ủng hộ lắm vì các sân golf dùng lượng nước thải, hóa chất nhiều và rất nhiều thứ nữa ảnh hưởng đến môi trường. Cần phải cân nhắc kỹ khi triển khai".