Măng tây có tên khoa học là Asparagus officinalis, có nguồn gốc từ Âu Châu, Bắc Phi và Tây Á. Măng tây khác với các loại măng "ta" ở chỗ nó không phải là củ mà là ngọn. Măng tây khi ăn có vị thơm, cắn vào có cảm giác giòn, ngọt ngọt, chát chát.
Trước đây, măng tây chủ yếu nhập khẩu nên có giá đắt đỏ. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, nhiều nông dân Việt đã nghiên cứu và trồng thành công giống măng tây xanh, vừa đưa loại thực phẩm sạch tiếp cận rộng rãi đến người tiêu dùng Việt, lại vừa thu về hiệu quả kinh tế cao.
Cây măng tây xanh phát triển chủ yếu vào ban đêm, nhiều người ví loài rau này lớn như thổi vào ban đêm. Mỗi đêm, 1 mầm măng tây xanh có thể dài từ 15 - 20cm.
Nhiều hộ dân còn làm nhà màng, nhà lưới, trồng măng tây theo hướng công nghệ cao, đảm bảo các tiêu chuẩn của VietGap. Bởi vậy, măng tây có giá thành cao hơn các loại rau thông thường, từ 55.000 - 60.000 đồng/kg.
Măng tây có thể được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như măng tây cuốn thịt ba chỉ rán, măng tây luộc chấm mắm tỏi, măng tây rưới sốt nấm kem tươi, măng tây nấu xốt cá, măng tây xào thịt bò sốt mù tạt, salad măng tây, soup măng tây, măng tây áp trứng,…
Tuy nhiên món phổ biến, dễ chế biến mà để cảm nhận được vị ngon của măng tây nhất là măng tây xào tỏi hay măng tây xào thịt bò.
Những người có kinh nghiệm cho biết măng tây có quanh năm nhưng khoảng ra xuân và mùa hè từ tháng 3 đến tháng đến tháng 7 dương lịch là thời điểm chính vụ thu hoạch. Lúc này người tiêu dùng sẽ dễ dàng mua được những bó măng tây non to, mập, giòn và có giá thành tốt hơn.
Theo các nghiên cứu, 90g măng tây nấu chín chứa 20 calo, 2,2g chất đạm, 0,2g chất béo, 1,8g chất xơ, vitamin A, C, K, E… và các loại folate, kali, phốt pho.
Những tác dụng của măng tây đối với sức khoẻ:
Ngăn ngừa ung thư
Hoạt chất glutathione trong măng tây là một chất chống oxy hoá có thể giải độc. Theo Viện Ung thư quốc gia Mỹ, măng tây cung cấp hàm lượng glutathione dồi dào, có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của các gốc tự do gây bệnh ung thư trong cơ thể. Bên cạnh đó, măng tây cũng rất giàu vitamin B và folate. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho thấy, vitamin B6 kết hợp với folate và methionine có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi.
Ngăn ngừa lão hóa
Măng tây có chứa một số chất chống oxy hóa gọi là glutathione. Chất này có tác dụng bảo vệ da trước tác hại gây ra từ ánh nắng mặt trời, ngăn chặn quá trình lão hóa da ở phụ nữ trung niên. Do đó, nó là lựa chọn tốt dành cho chị em phụ nữ.
Tốt cho tim mạch
Măng tây có tác dụng rất tốt trong việc điều hòa huyết áp nhờ chứa lượng potassium và folate cao, giúp tim khỏe mạnh. Bên cạnh đó chất xơ trong măng tây cũng giúp giải tán cholesterol gây phiền nhiễu trong máu. Trong khi đó chất saponin lại có khả năng gắn kết cholesterol ở đường tiêu hóa.
Giàu axit folic
Măng tây chứa nhiều axit folic - tên khác của vitamin B9 - một loại vitamin quan trọng với con người, giúp cơ thể tạo ra tế bào mới. Đây cũng là dưỡng chất cực kỳ quan trọng cho sức khỏe phụ nữ có thai cũng như sự phát triển toàn diện của thai nhi, giúp ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến thai kỳ như sinh non, dị tật bẩm sinh.
Thúc đẩy quá trình giảm cân
Măng tây chứa rất ít chất béo và calo nhưng lại có hàm lượng chất xơ cao, bao gồm cả chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Do quá trình tiêu hóa chất xơ của cơ thể diễn ra rất chậm, việc tiêu thụ măng tây có thể tạo cảm giác no lâu giữa các bữa ăn, từ đó làm giảm cảm giác thèm ăn và mang lại hiệu quả tốt trong việc giảm cân.
Ngoài ra, để tối đa hóa khả năng đốt cháy calo của loại thực phẩm này, bạn nên ăn kèm măng tây với một quả trứng luộc. Sự kết hợp giữa măng tây giàu chất xơ và hàm lượng protein trong trứng sẽ mang lại một bữa ăn giàu dinh dưỡng.
Giảm nguy cơ đột quỵ
Theo nghiên cứu của Văn phòng Bổ sung Chế độ ăn uống (ODS), sử dụng folate để kiểm soát mức homocysteine có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ. Bằng chứng đến từ các nghiên cứu trong đó mọi người bổ sung folate. Vì vậy, bổ sung măng tây vào chế độ ăn thường xuyên có lợi trong việc phòng chống và giảm nguy cơ đột quỵ.