Loài này được phát hiện trong quá trình thực hiện nghiên cứu điều tra về đa dạng các loài côn trùng ở Vườn quốc gia Kon Ka Kinh của các nhà nghiên cứu côn trùng Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) và Viện Sinh thái học miền Nam (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
Đó là loài thuộc nhóm chuồn chuồn đặc hữu của Tây Nguyên bao gồm các loài mà con đực có đốm phấn màu trắng đục ở phần ngực.
Hình ảnh con cái Coeliccia schorri. (Ảnh: Phan Quốc Toản). |
Chuồn chuồn có thân hình màu đen với các vạch màu xanh dương ở phần đầu, vạch màu vàng ở phần ngực; đặc biệt các đốt bụng cuối của con đực có màu xanh dương rất đẹp, phần ngực trước của con cái có một cái gai lớn.
Đây là những đặc điểm cấu tạo đặc trưng giúp phân biệt loài Coeliccia schorri với tất cả các loài khác trong nhóm chuồn chuồn kim có phấn trắng ở ngực ở khu vực Tây Nguyên.
Hình ảnh con đực Coeliccia schorri. (Ảnh: Phan Quốc Toản). |
Là một trong 4 Vườn quốc gia ở Việt Nam được công nhận là “Vườn di sản Asean”, nơi đây là ngôi nhà của hàng trăm nghìn loài động thực vật quý hiếm, có giá trị kinh tế và bảo tồn cao.