Ở Việt Nam, nhiều loại động vật đặc hữu, cực kỳ quý hiếm đang được bảo tồn nghiêm ngặt trước nguy cơ tuyệt chủng.
Trong đó, Voọc bạc Đông Dương, có tên khoa học là Trachypithecus germaini được xếp vào động vật “Cực kỳ nguy cấp” trong Sách đỏ Việt Nam, lẫn sách đỏ thế giới.
Voọc bạc Đông Dương cũng là một trong số 25 loài linh trưởng nguy cấp toàn cầu.
Loại động vật này cũng là loài đặc hữu, chỉ có ở Việt Nam, hiện đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Theo số liệu từ năm 2019, đây là linh trưởng quý hiếm với số lượng suy giảm hơn 50% trong vòng 36 năm (ba thế hệ, mỗi một thế hệ kéo dài 12 năm).
Lý do khiến loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam đứng trước nguy cơ tuyệt chủng một cách nghiêm trọng là tác động của việc săn bắn và mất nơi cư trú!
Voọc bạc Đông Dương có tên gọi khác là voọc bạc Trường Sơn, voọc bạc hay voọc mào. Loài linh trưởng này được ghi nhận ở các vùng Đông Bắc Việt Nam, vùng rừng Trường Sơn cũng như một số khu vực ở Nam Bộ.
Qua việc nghiên cứu các cá thể tại vườn thú Hà Nội, phân loài đầu tiên của loài voọc này đã được ghi nhận. Ngoài ra, voọc còn là loài vật bị nhiều đối tượng săn bắt để nấu cao, buôn bán và xuất khẩu.
Mới đây, vào tháng 5/2023, Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang đã giải cứu 1 chú voọc non thoát khỏi việc bán trái phép động vật hoang dã trên địa bàn. Cá thể voọc bạc Đông Dương sơ sinh được xác định là con đực.
Chú voọc bạc non sau khi được chăm sóc một thời gian đã được chuyển về Vườn quốc gia Cát Tiên. Cán bộ Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển Sinh vật (gọi tắt là Trung tâm Cứu hộ) của Vườn quốc gia Cát Tiên đã vượt hơn 900km từ Đồng Nai đến Khu cứu hộ động vật hoang dã Hòn Me (tỉnh Kiên Giang) để tiếp nhận cá thể này trong sự mừng rỡ.