Loại nấm này có hình dạng khá đa dạng, tai màu tím nhạt, tròn và béo múp, với nhiều kích thước lớn nhỏ khác nhau đều có thể chế biến được. Một điểm đặc biệt của nấm tràm là có vị đắng ngắt, nếu không biết chế biến sẽ rất khó ăn.
Những cây nấm màu tím nhạt dễ lẫn với màu lá sẫm của cây tràm nên người hái nấm phải tinh mắt mới phát hiện ra.
Nấm tràm chỉ mọc sau những cơn mưa đầu mùa, nấm mọc rất nhanh nhưng cũng chóng tàn. Vì vậy, thời gian thu hoạch nấm tràm chỉ kéo dài khoảng 7 ngày, hàng năm có hai đợt hái nấm vào tháng 4 và tháng 8 âm lịch. Cứ sau vài ba ngày mưa, người dân ở những vùng này lại rủ nhau vào rừng hái nấm tràm, mà đúng hơn là nhặt nấm vì nó la liệt khắp nơi.
Việc thu hoạch nấm tràm tưởng đơn giản nhưng lại đòi hỏi người có kinh nghiệm và nhiều sự tỉ mỉ, chị Nguyễn Thị Thủy (Huế) chia sẻ: “Để thu hoạch nấm phải đi qua gần 10km đường rừng sau mưa, chạy xe vòng qua vài ba khu vực để tìm ra manh mối của nấm tràm. Không phải cứ đến chỗ mình thường hái hôm trước là hôm sau sẽ có. Nghề thu hoạch nấm kiểu như chơi trò trốn tìm vậy, có khi đi cả buổi cũng không tìm ra”.
Gần cả tuần lễ nay, nhiều bà nội trợ xôn xao vì trên mạng, trong các hội nhóm và ở Huế thì dãy hàng chợ cóc, chợ dân sinh đã bắt đầu bày bán đặc sản nấm tràm. Mọi người bắt đầu “đổ xô” nhau đi mua nấm tràm, đặt hàng online vì nếu lỡ vụ này có thể phải chờ đến năm sau mới có thể thưởng thức.
Với mức giá dao động từ 40.000 – 50.000 đồng/kg, nấm tràm trở thành đặc sản giúp nhiều hộ dân có thêm thu nhập mỗi ngày.
Nấm tràm có thể chế biến được nhiều món ăn đặc sản như: nấm tràm kho tiêu, canh tập tàng nấm tràm, cháo nấm tràm, nấm tràm um tôm thịt... Du khách đến Huế không phải ai cũng có dịp thưởng thức đặc sản này.
Theo đó, nấm tràm được bán với giá khoảng 40.000 – 50.000 đồng/kg. Do một vụ nấm rất ngắn ngày nên thường chỉ đủ bán cho người dân địa phương. Chị Ngọc Nguyễn (Châu Long, Huế) một người bán hàng online cho biết: “Ban đầu tôi chỉ gửi nấm cho người thân ở ngoài Bắc sau được nhiều người nhờ mua hộ. Từ đấy mỗi vụ nấm tôi gom khắp các chợ sau đó đóng bao bì, cấp đông bán cho khách ở xa, nhưng thường phải đặt trước mới có hàng”.
Tuy có vị đắng tưởng khó ăn nhưng nấm tràm lại chế biến được nhiều món ăn đặc sản như: nấm tràm kho tiêu, canh tập tàng nấm tràm, cháo nấm tràm, nấm tràm um tôm thịt... Để giảm bớt vị đắng của nấm, người nội trợ sẽ rửa nấm qua nước muối trước khi chế biến.