Là loại cây được trồng chủ yếu để làm cảnh trong vườn nhà hoặc ngõ xóm, đã từ lâu cây cau đã trở nên quen thuộc với hầu hết người Việt Nam. Quả cau cùng với lá trầu và vôi tạo thành món “quà vặt” của các cụ.
Quả cau trước kia chỉ dùng để ăn trầu và sử dụng trong việc thờ cúng hoặc cưới hỏi. Vì vậy, giá của nó cũng rất rẻ. Nhiều gia đình còn để cau chín rụng khắp vườn nhà mà không thu hoạch vì quá cao không thể trèo và hái được.
Những năm gần đây, quả cau bắt đầu có giá và được thương lái khắp nơi lùng mua với giá từ 20-50.000 đồng/kg, thời điểm cao nhất lên đến 90.000 đồng/kg. Bán mỗi cây cau được cả triệu đồng.
|
Quả cau thường dùng để ăn trầu hoặc dùng trong cưới hỏi, cúng lễ... |
Thế nhưng, ít ai biết được quả sau khi được thu hoạch, sơ chế và xuất bán sang nước ngoài lại được dùng để sản xuất một loại kẹo có giá bán vô cùng đắt đỏ.
Ông Nguyễn Văn Long, chủ lò sấy cau tại xã Hải Đường, huyện Hải Hậu (Nam Định) cho biết, mỗi năm gia đình ông sấy khoảng 400-500 tấn cau tươi để xuất sang Hồ Nam (Trung Quốc) để cung cấp cho các nhà máy chế biến kẹo cau. Bản thân ông cũng từng nhiều lần được ăn loại kẹo này.
“Trước thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện, mỗi tuần tôi sang Trung Quốc 2 lần, bán cả trăm tấn cau cho họ nhưng không dám bỏ tiền ra mua cả cân kẹo cau để ăn. Họ đóng thành túi, mỗi túi 10 chiếc kẹo cau, mỗi chiếc là ½ quả. Tức là chỉ có 5 quả cau, cả túi nặng 15gr thôi mà có giá hơn 100.000 đồng”, ông Long nói.
|
Kẹo cau có giá từ vài triệu đến cả chục triệu đồng/kg. |
Theo tính toán của ông Long, mỗi cân kẹo cau tính tại thời điểm đó là khoảng 7 triệu đồng. Tuy nhiên, lúc đó cau tươi chỉ có giá khoảng 20.000 đồng/kg. Năm nay, giá cau có lúc lên đến 110.000 đồng/kg mua tại Việt Nam nên ông Long cho rằng, chắc chắn kẹo cau phải đắt hơn nhiều lần.
Ông Long cho biết, kẹo cau được Trung Quốc sản xuất để xuất khẩu sang các nước Đông Âu là chủ yếu. Bên ngoài hộp thường ghi dòng chữ “nhất khẩu vương”, tức là ngon nhất thiên hạ sẽ có giá lên đến 13 triệu đồng/kg. Còn loại đóng bằng túi nilon thông thường chỉ có giá từ 6-7 triệu đồng/kg.
“Ăn kẹo cau có vị rất đặc biệt, họ tẩm rất nhiều loại gia vị và nguyên liệu và phân chia thành loại nhẹ và loại nặng. Có vị thuốc bắc lại có cả vị bạc hà. Ở giữa mỗi miếng kẹo còn có quả kỷ tử nữa. Khi thời tiết xuống khoảng 10 độ mà ăn một chiếc kẹo cau thôi là thấy nóng hết người”, ông Long chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thùy, người Việt Nam lấy chồng và sinh sống tại Hồ Bắc (Trung Quốc) cho biết, hầu hết các hãng sản xuất kẹo cau đều ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) mặc dù ở tỉnh này không trồng cau.
Chỉ vào hộp kẹo cau đựng trong hộp thiếc, chị Thùy cho biết, mỗi hộp kẹo cau nặng 120g này có giá khoảng 1,3 triệu đồng. Họ có bán cả hộp to hoặc tách ra bán hộp nhỏ, mỗi hộp 20gr có giá 318 tệ. Vì vậy, mỗi kg kẹo cau loại hộp thiếc này có giá lên đến hơn 10 triệu đồng.
“Có rất nhiều doanh nghiệp và thương hiệu lớn sản xuất kẹo cau và có nhiều quy cách đóng gói, trọng lượng từ 15-50gr/gói và có giá từ vài triệu đến vài chục triệu/kg. Người dân ở đây họ ăn kẹo cau nhiều lắm, nhất là mùa đông. Kẹo cau được sử dụng như một món quà vặt”, chị Thùy cho hay.
Tại Việt Nam, trên các sàn thương mại điện tử cũng xuất hiện một số người bán kẹo cau có xuất xứ từ Trung Quốc. Theo quan sát, mỗi gói kẹo cau nặng 20gr đang được bán với giá 80.000 đồng/gói. Tính ra, mỗi cân kẹo cau cũng có khoảng 4 triệu đồng.