Loài rắn bơi lội như thần, đẻ trứng thông minh: Có đầy ở Việt Nam!
Loài rắn ráo có một chiến lược sinh sản khá đặc biệt: Chúng thường đẻ trứng trong các tổ mối. Vì sao loài rắn này lại làm vậy?
Thanh Bình (TH)
Xem toàn bộ ảnh
Rắn ráo (Ptyas korros) là một loài rắn rất thường gặp ở Việt Nam. Xung quanh loài rắn này có nhiều điều thú vị mà không phải ai cũng biết.
Đây là một loài rắn không có nọc độc, màu sắc khá đơn giản với phần bụng trắng và phần lưng màu nâu. Rắn trưởng thành dài khoảng 1,7 mét.
Rắn ráo sống trong rừng, trảng cỏ, bụi ven đường ven nương rẫy và đôi khi cả trong nhà của con người. Chúng leo trèo, bơi lặn giỏi, thường chủ động bò đi tìm mồi là động vật nhỏ vào ban ngày.
Mùa sinh sản của rắn ráo kéo dài từ tháng 4 tới tháng 8. Sau khi giao phối, tinh trùng có thể nằm trong ống dẫn trứng của rắn cái trong nhiều tháng đến vài năm. Mỗi lứa rắn đẻ từ 10-12 trứng.
Loài rắn này có một chiến lược sinh sản khá đặc biệt: Chúng thường đẻ trứng trong các tổ mối nhằm đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm ổn định, như một lò ấp trứng tự nhiên.
Khi mới nở ra, rắn con có ngay nguồn thức ăn dồi dào dinh dưỡng là mối và ấu trùng, giúp chúng có tỷ lệ sống sót cao hơn nhiều loài rắn khác.
Trên thế giới, rắn ráo phân bố rộng khắp trong khu vực Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á. Tại Việt Nam, chúng được bắt gặp ở hầu khắp các địa phương, và có thể được coi là loài rắn phổ biến nhất.
Ở Việt Nam và một số nước trong khu vực, rắn ráo thường được bắt hoặc nuôi sinh sản để làm nguyên liệu chế biến món ăn vì thịt loài rắn này có vị ngọt, xương khá mềm.
Trong Đông y, rắn ráo cũng được dùng như một vị thuốc. Người ta thường dùng rằn ráo để ngâm rượu cùng một số loài rắn như hổ mang, rắn lục, cạp nong, cạp nia hay các vị thuốc khác trong các loại rượu tam xà, ngũ xà.
Do số lượng còn rất dồi dào nên rắn ráo không phải là một loài động vật đang bị đe dọa. Dù vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường có thể khiến loài này dễ bị tổn thương hơn trong một tương lai gần.
Mời quý độc giả xem video: Bướm nghệ sĩ hóa trang | VTV7.