Kỷ niệm 120 năm thành lập Viện Viễn Đông Bác Cổ của Pháp (EFEO), NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM và Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Việt Nam thực hiện cuốn “Ký ức Đông Dương: Việt Nam - Campuchia - Lào”, ấn hành vào đầu tháng 7. Cuốn sách giới thiệu lịch sử hình thành và phát triển của Viện Viễn Đông Bác Cổ qua các giai đoạn lịch sử, và những tư liệu, hình ảnh quý phản ánh tự nhiên, xã hội, di sản văn hóa, con người… của Đông Dương, trong đó có nhiều bức ảnh quý hiếm về Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20.
Hình ảnh Bến Đục (khuyết niên đại, khuyết danh). Chùa Hương được xây dựng vào cuối thế kỷ 17, nằm trên ngọn núi đá vôi cách Hà Nội 70 km về phía Nam, thuộc xã Hương Sơn. Đây là một trong những điểm hành hương nổi tiếng nhất mà phật tử tìm đến, thể hiện lòng sùng kính Phật.
Đền Bạch Mã ở Hà Nội, tháng 4/1936. Đền thờ thần Bạch Mã (Ngựa trắng) và thờ thần Long Đỗ. Ngôi đền này cũng là nơi thường diễn ra các nghi lễ uống máu ăn thề. Trong ảnh, người chủ nợ đang ngồi đợi trong vòng vôi.
Tháp Chàm Po Nagar (khuyết niên đại, khuyết danh), tên gọi của thần nữ được thờ phượng, nằm trên một quả đồi nhỏ ở Nha Trang. Nơi đây được nhiều lần gia cố, trùng tu ngay từ đầu thế kỷ 20.
Hoàng đế Bảo Đại ngồi kiệu có người khiêng. Đây vốn là quà tặng của vua Louis XVI dành cho Nguyễn Ánh, nay trở thành kiệu hoàng gia trong lễ tế Nam Giao. (Tháng 4/1939, khuyết danh).
Quan chủ lễ trong lễ tế ở đàn Nam Giao, Huế, (tháng 4/1939, khuyết danh). Trong lễ tế ở đàn Nam Giao, còn gọi là lễ tế Trời Đất, hoàng đế cũng là thiên tử, ban đầu mỗi năm tiến hành tế một lần theo chỉ dụ (về sau ba năm mới tổ chức một lần). Nhà vua là chủ tế duy nhất trong nghi lễ diễn ra ở đàn Nam Giao, nằm ở phía Nam kinh thành, được vua Gia Long cho xây dựng năm 1806.
Đám đông trước chợ Đồng Xuân Hà Nội, (tháng Giêng năm 1955, khuyết danh).
Sản xuất giấy dó là hoạt động chính của làng Yên Thái (hoặc làng Bưởi) ven bờ Hồ Tây và các vùng lân cận Hà Nội; trong ảnh là cảnh rửa giấy (khuyết niên đại, khuyết danh).
Bìa sách “Ký ức Đông Dương: Việt Nam - Campuchia - Lào”.