Loạt dự án nào khiến cựu Chủ tịch HĐTV VRG dính vòng lao lý?

(Kiến Thức) - Những dự án, sai phạm khiến Cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su VN dính vòng lao lý đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trong Kết luận thanh tra số 2341/KL-TTCP.

Cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam - Lê Quang Thung; nguyên Giám đốc Công ty Cao su Đồng Nai - Nguyễn Thành Châu; nguyên Kế toán trưởng Công ty Cao su Đồng Nai – Nguyễn Văn Minh; nguyên Giám đốc Công ty Cao su Phú Riềng – Nguyễn Hồng Phú và Kế toán trưởng Công ty Cao su Phú Riềng - Hoàng Văn Sơn vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Những dự án, sai phạm khiến Cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam Lê Quang Thung dính vòng lao lý đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trong Kết luận thanh tra số 2341/KL-TTCP từ năm 2014 về việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Tập đoàn công nghiệp cao su VN (thời kỳ thanh tra 2006 - 2011). Theo đó:
TTCP chỉ nhiều sai phạm của Tập đoàn công nghiệp cao su VN thời kỳ 2006 - 2011. Ảnh minh họa.
 TTCP chỉ nhiều sai phạm của Tập đoàn công nghiệp cao su VN thời kỳ 2006 - 2011. Ảnh minh họa.
Đầu tư vốn vào nhiều dự án ngoài ngành
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã đầu tư bên ngoài doanh nghiệp vượt so với vốn điều lệ theo quy định là 2.591 tỷ đồng; Công ty CP Cao su Phước Hòa vượt 113,3 tỷ đồng; chuyển nhượng cổ phần đã đầu tư không đúng quy định tại Công ty CP Cao su Tây Ninh, Công ty CP Cao su Phước Hòa...
Việc quản lý thực hiện đầu tư các dự án trồng mới cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng bị buông lỏng cả về cơ chế và công tác quản lý điều hành, dẫn đến nhiều sai phạm từ khâu khảo sát, lập trình duyệt và thực hiện dự án gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Trong đó, việc phê duyệt đơn giá tối đa 520 USD/ha làm cơ sở cho các đơn vị thành viên căn cứ thực hiện sang nhượng đất cho các dự án phát triển cao su thiếu căn cứ pháp lý và thực tiễn. Nhiều đơn vị dự án đã ký hợp đồng sang nhượng với nhiều đơn giá khác nhau làm tăng chi phí đầu tư.
Đáng chú ý, Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh nhận chuyển nhượng đất dự án sau đó tính toán, thanh toán cho Công ty VKETI.,Ltd 20,3 tỷ đồng không đúng quy định của hợp đồng, không đẩy đủ chứng từ hợp lệ. Bốn dự án chưa được Bộ Kế hoạch Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài nhưng đã thực hiện đầu tư 652,2 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay các dự án khác sai quy định; hai dự án chưa được ký hợp đồng giao đất nhưng đã đầu tư 147,8 tỷ đồng…
Nghiêm trọng hơn, việc đầu tư góp vốn thành lập Công ty CP Cao su Phú Riềng – Kratie để đầu tư trồng mới cao su đã xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng từ khâu lập, thẩm định, trình duyệt dự án cho đến công tác khảo sát, điều tra thổ nhưỡng sai trình tự, không đúng thực tế dẫn đến chất lượng vườn cây thấp, chết nhiều. Khả năng thiệt hại lên đến 483,3 tỷ đồng.
VRG và chủ đầu tư còn thực hiện việc vay vốn, bảo lãnh vay vốn ngân hàng, sử dụng vốn sai mục đích 1.894.737 USD chưa thu hồi được, dẫn đến mất khả năng trả nợ.
Ông Lê Quang Thung dù nghỉ hưu 6 năm, vẫn không thoát vòng lao lý do có nhiều dấu hiệu sai phạm.
 Ông Lê Quang Thung dù nghỉ hưu 6 năm, vẫn không thoát vòng lao lý do có nhiều dấu hiệu sai phạm.
Đầu tư vốn ngoài ngành, đa số… thua lỗ
VRG cũng như các đơn vị thành viên đã đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính với giá trị rất lớn, tỷ suất lợi nhuận đạt được lại rất thấp, lỗ, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn giá trị lớn.
Đáng chú ý, việc đầu tư góp vốn và hoạt động kinh doanh của Công ty CP Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy hải sản Đồng Tháp có nhiều sai phạm gây thiệt hại lớn cho nhà nước và doanh nghiệp. Hoạt động kinh doanh của công ty liên tục lỗ, mất hết vốn điều lệ (ở thời điểm thanh tra – PV) khoảng 144 tỷ đồng và dư nợ không có khả năng thanh toán 253,4 tỷ đồng.
Nhiều khoản vay đã được Công ty CP Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy hải sản Đồng Tháp sử dụng sai mục đích, chiếm dụng vốn của Công ty CP CN và XNK CN Cao su bằng việc không thực hiện.
Việc đầu tư góp vốn vào Công ty RUTRATOCO chủ yếu là để đầu tư khách sạn tại Móng Cái (Quảng Ninh) có nhiều vi phạm dẫn đến việc công ty hoạt động liên tục lỗ, mất vốn hàng trăm tỷ đồng, không còn khả năng trả nợ vay.
Tại Công ty tài chính TNHH một thành viên Cao su Việt Nam (RFC), năm 2011 các cơ quan chức năng đã kiểm tra, kết luận và kiến nghị xử lý nhiều nội dung sai phạm. Sau đó, Bộ Công an đã khởi tố điều tra 9 đối tượng.
Ở thời điểm thanh tra, đơn vị này không được cơ quan có thẩm quyền cho phép kinh doanh mua bán kỳ hạn chứng khoán nhưng vẫn có 43 hợp đồng trị giá gần 24 tỷ đồng thực hiện trước khi Hội đồng quản trị của RFC cho phép. Tính đến hết năm 2013, RFC có tổng dư nợ lên đến hơn 3.500 tỷ đồng, trong đó hơn 1.900 tỷ có khả năng mất vốn, hơn 246 tỷ có nghi ngờ mất vốn. Thanh tra chính phủ đề nghị Bộ Công an tiếp tục mở rộng điều tra đối với các sai phạm tại RFC.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ nhiều sai phạm của VRG và các công ty thành viên trong quản lý doanh thu và chi phí, dự án đầu tư quy hoạch tổng thể không đúng quy định và những vi phạm nghiêm trọng trong quản lý sử dụng đất đai.
Nghỉ hưu 6 năm, vẫn không thoát vòng lao lý
Ông Lê Quang Thung - cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam  vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các đơn vị có liên quan.
Trước đó, theo Quyết định số 1885/QĐ-TTG do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 26/10/2011, ông Lê Quang Thung Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 01/01/2012. Như vậy, ông Thung bị khởi tố sau 6 năm nghỉ hưu.
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, sau khi nghỉ hưu, ngày 5/5/2012 đến 3/8/2015, ông Lê Quang Thung chức vụ thành viên Hội đồng quản trị độc lập một ngân hàng TMCP tư nhân. Sau đó, ông có đơn xin nghỉ để tập trung chữa bệnh theo nguyện vọng cá nhân. Ngoài ra, ông Thung cũng đảm nhiệm một số vị trí ở các doanh nghiệp, đơn vị khác.