Loạt 'vũ khí thần kỳ' Mỹ bị vô hiệu hóa bởi tác chiến điện tử Nga?
Những hệ thống tác chiến điện tử Nga theo nhận xét đã phát huy tác dụng rất tốt trước các loại đạn dẫn đường do Mỹ sản xuất.
Theo Việt Dũng/An ninh Thủ đô
Xem toàn bộ ảnh
"Hiệu quả của đạn pháo chính xác M982 Excalibur dẫn đường bằng GPS của Mỹ đã giảm từ 70% xuống 6% do chịu ảnh hưởng từ việc tác chiến điện tử (EW) Nga gây nhiễu tín hiệu định vị vệ tinh GPS".
Thống kê này đã được đưa ra bởi hai chuyên gia nghiên cứu Dan Patt và Brian Clark tại Viện Hudson. Theo những nhà khoa học nói trên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đề cập là do hoạt động mạnh mẽ của hệ thống EW Nga.
Mức độ hiệu quả cao của các tổ hợp EW do Nga chế tạo đã gây ra sự thất bại không chỉ đối với loại đạn pháo dẫn đường Excalibur được quảng cáo của Mỹ, mà còn cả tên lửa GMLRS và bom JDAM có bộ dẫn đường GPS.
Ngoài ra nhiều sĩ quan cấp cao của Quân đội Mỹ phàn nàn rằng cách đây một thời gian, EW Nga đã ngăn cản vũ khí chính xác do các nhà sản xuất nước này bắn trúng mục tiêu, cụ thể đó là một quả bom lượn GLSDB đã được sửa đổi.
Khi nổ ra cuộc chiến Ukraine, những loại đạn dẫn đường như Excalibur được giới thiệu như một loại vũ khí "thay đổi cuộc chơi", sẽ giúp Lực lượng vũ trang Ukraine đánh bại Quân đội Nga.
"Nhưng bây giờ, hiệu quả của các hệ thống EW Nga trước vũ khí chính xác của Mỹ đã trở thành một vấn đề lớn đối với Lực lượng vũ trang Ukraine", Tướng Mỹ Antonio Aguto thừa nhận.
Nga được đánh giá đã học cách thích ứng rất nhanh và đưa ra những thay đổi kịp thời trên các thiết bị tác chiến điện tử của mình, từ đó mang lại hiệu quả trên chiến trường như hiện nay.
Chưa dừng lại đây, chuyên gia quân sự, cựu sĩ quan tình báo Mỹ - ông Scott Ritter đã bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề Ukraine đã nhận được hàng loạt tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS phiên bản mới nhất.
Ông Ritter cho rằng các hệ thống EW của Nga sẽ dễ dàng đối phó với những tên lửa này, tương tự như cách chúng vô hiệu hóa những loại vũ khí khác trong cuộc xung đột.
Nhà phân tích lập luận rằng điều tương tự sẽ xảy ra với tên lửa ATACMS cũng như máy bay chiến đấu F-16 nếu chúng được các đồng minh phương Tây chuyển giao cho Ukraine.
Tuyên bố của ông Ritter đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về hiệu quả thực sự của việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine và mức độ mà họ có thể thay đổi cục diện cuộc xung đột.
Cựu sĩ quan tình báo Mỹ kêu gọi các nhà phân tích quân sự phương Tây suy nghĩ lại quan điểm của họ về ưu thế của các đồng minh Kyiv, điều mà ông tin rằng chỉ là không có thực.
Ý kiến này của ông Ritter được xác nhận trên các ấn phẩm truyền thông phương Tây. Ví dụ, tờ báo Mỹ The New York Times đã viết về việc Lực lượng Vũ trang Nga trấn áp thành công máy bay không người lái của Ukraine bằng EW.
Điều này cho thấy các hệ thống tác chiến điện tử của Nga là một yếu tố quan trọng mà tất cả các bên tham gia cuộc xung đột sẽ phải tính đến.
Nhìn chung, tuyên bố của ông Ritter làm dấy lên những nghi ngờ về tính hiệu quả của việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân tích khách quan tình hình. Trong bối cảnh của cuộc xung đột này, điều quan trọng cần nhớ là các tổ chức phương Tây chưa thể chứng tỏ được bản thân một cách thành công, mặc dù nguồn cung của họ dành cho Kyiv là khổng lồ.