Như một sự kiện đến hẹn lại lên vào thời điểm đầu năm, từng dòng người, biển người chen chúc, xô đẩy nhau, thậm chí giẫm đạp nhau để vào cho được đền, chùa thắp hương cầu nguyện, cầu an.
Không có bậc Phật, Thánh nào giúp chúng ta để gây bất lợi, trở ngại cho người khác. |
Tâm thành thì Phật chứng
Cầu nguyện, cầu an là một nhu cầu chính đáng, thể hiện sự khát vọng, mong ước có được sự may mắn, tốt lành trong cuộc sống đầy biến động khôn lường như hiện nay. Nhìn ở góc độ nhân văn, cầu nguyện thể hiện vẻ đẹp của đời sống tinh thần, thể hiện sự quan tâm đến bản thân và những người xung quanh. Lời cầu nguyện đầu năm càng có ý nghĩa hơn vì nó mang ước vọng cho cả một năm sau đó.
Đến chùa, đền bày biện lễ phẩm cúng bái các vị Phật, Thánh luôn cần sự trang nghiêm, kính cẩn và thanh tịnh. Ở đó, chúng ta cầu nguyện rất kính cẩn, chí thành. “Tâm thành thì Phật chứng”. Cầu nguyện chính là thành tâm chuyển tải một thông điệp đến chư vị Phật, Thánh mà chúng ta tin cẩn.
Dụng “tâm” cầu nguyện
Việc cầu nguyện có ý nghĩa rất đặc biệt, vì nó khởi phát từ một khát vọng nung nấu mãnh liệt. Dù thế, dù không ai bảo ai, lời cầu nguyện thường khởi phát từ tâm niệm của một cái tôi cá nhân tư lợi mạnh mẽ, từ mong ước những điều có thể hết sức phi lý… Họ cầu nguyện và mong mỏi được đáp ứng. Vì thế nếu không được đáp ứng, không ít người than trách vì sao lời cầu nguyện của mình không được linh ứng? Có người quay trở lại bất tín với niềm tin mà mình đã đặt nhiều hy vọng trước đó.
Nếu dụng tâm cầu nguyện đầy tư lợi như thế, với dòng người, biển người chen lấn cầu nguyện, thì lời cầu nguyện cũng cuồn cuộn như nước biển Đông dâng đầy đến các bậc Phật, Thánh. Linh ứng hay không linh ứng? Đáp ứng những lời cầu nguyện đó chẳng khác nào đeo thêm đá vào lòng tư lợi của chúng ta.
Không cầu nguyện suông
Chúng ta không thể cầu nguyện để đạt được mọi thứ, càng không phải cầu nguyện để ơn trên thỏa mãn tất cả những tham vọng của chúng ta. Không có bậc Phật, Thánh nào giúp chúng ta để gây bất lợi, trở ngại cho người khác.
Chúng ta cũng không thể cứ việc ngồi cầu nguyện thì mọi việc sẽ như ý. Giống như việc đứng trước một con sông mênh mông rộng lớn, mà chỉ chắp tay cầu nguyện ơn trên cho mình sang được bờ bên kia. Phần lớn chúng ta cầu nguyện ơn trên cho qua sông, chứ không cầu nguyện cho một chiếc thuyền. Vì thế chúng ta vẫn cứ mãi ở bên này sông mà trông ngóng.
Vì thế, cầu nguyện phải đi đôi với hành động thiện nguyện. Cầu nguyện được bình an, sức khỏe, hạnh phúc hay giàu có là một khát vọng chính đáng, xuất phát từ động cơ chính đáng và cũng là một cách tư duy tích cực để chúng ta hành động chính đáng. Được như thế, lời nguyện cầu của chúng ta mới trở nên linh ứng.
Lời cầu nguyện bay trong gió
Chuyện kể rằng, người Tây Tạng có một thói quen thường ngày, đó là khắc câu thần chú “Om mani padme hum” lên những lá cờ treo trên đỉnh núi, hay khắc vào vách đá, những tảng đá trên cao… để thần lực của câu thần chú tốt lành này bay theo gió đến tất cả mọi vùng trên thế giới, cùng mình cùng người hưởng được sự an lành đó. Họ không giữ lời cầu nguyện đó cho riêng mình và họ cũng không làm việc này chỉ cho riêng mình.
Từ ngày này qua ngày khác, từ năm này qua năm khác, cho dù cuộc sống khổ cực thiếu thốn, họ vẫn đều đặn dành thời gian miệt mài thành tâm khắc từng nét từng chữ “Om mani padme hum” trên đá, trên núi hay bất cứ nơi đâu mà họ đi đến. Họ âm thầm lặng lẽ, tỉ mẫn làm việc và nhờ cơn gió mang lời cầu nguyện tốt lành đó bay đi, bay đi mãi khắp thế gian.
Có bao giờ, lời cầu nguyện của bạn, của tôi vượt ra khỏi cái vòng tư lợi cá nhân nhỏ hẹp để vươn ra ngoài không gian rộng lớn, để lời cầu nguyện bay đi, bay đi mãi trong gió...