* Bài viết có sự dụng một số tư liệu trong cuốn Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không - Bản hùng ca thế kỷ XX.
Ít ai biết rằng, trên các máy bay ném bom B-52 – “thần tượng” của Không quân Mỹ, niềm tự nào của công nghiệp quốc phòng Mỹ được trang bị một khẩu pháo đặt ở đuôi (với B-52D) hoặc là trên lưng máy bay (B-52G) – đây là thứ vũ khí được coi là “di huệ” từ chiến tranh Thế giới thứ 2. Thời điểm đó, các máy bay ném bom hạng nặng đều được trang bị rất nhiều tháp pháo bố trí ở 2 hông, lưng, bụng, đuôi, đầu máy bay để chống tiêm kích địch (chủ yếu là máy bay cánh quạt tốc độ chậm).
Khẩu pháo 6 nòng cùng chỗ ngồi cho pháo thủ đặt ở đuôi một chiếc B-52. Ảnh chụp năm 1975. |
Cụ thể, B-52 được thiết kế một tháp pháo nhỏ trang bị khẩu pháo 6 nòng cỡ 20mm M61 Vulcan có khả năng đạt tốc độ bắn tới 6.000 phát/phút, tầm bắn hiệu quả khoảng 1-2km. Dù có tốc độ bắn "khủng khiếp" cho phép tạo mật độ hỏa lực dày đặc thừa sức bắn hạ máy bay tốc độ cao, nhưng thực tế thì với tầm bắn ngắn nó khó có thể làm gì các máy bay mang tên lửa đối không.
Nhưng, “trong thời kỳ buổi kĩ thuật hiện đại, đối phương có tên lửa đất đối không, rồi máy bay tiêm kích phản lực siêu âm trang bị tên lửa không đối không (bắn xa 10km tới hàng chục km), thì khẩu súng máy đó đúng là chẳng có một chút tác dụng trên thực tế nào, ngay cả đóng vai trò trấn an tinh thần suông cũng không đạt”, cuốn Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không – Bản hùng ca thế kỷ XX viết.
Bản thân các phi công Mỹ lái máy bay B-52 cũng thừa nhận điều này, “…Trong những lúc nhàn rỗi tại “Hilton Hà Nội”, các phi công Mỹ đều thắc mắc không biết “cái thằng cha” nào ở Lầu Năm Góc lại đi đặt hàng cái khẩu súng máy 6 nòng ở đuôi chiếc B-52D hay trên lưng B-52G”, trích Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không – Bản hùng ca thế kỷ XX.
Cận cảnh khẩu pháo 6 nòng 20mm có thể xoay đổi hướng bắn. |
Không chỉ vậy, ngay cả các pháo thủ (mang quân hàm thấp nhất, thường là hạ sĩ quan) điều khiển khẩu M61 Vulcan cũng có tỉ lệ sống sót thấp nhất trong phi hành đoàn 6 người điều khiển B-52. Cụ thể, 16 pháo thủ trên 18 chiếc máy bay ném bom B-52 bị tên lửa Việt Nam bắn rơi tại chỗ trong chiến dịch Linebacker II đều không thoát được cái chết.
Một trong 2 hạ sĩ quan điều khiển khẩu pháo trên B-52 bị rơi tại chỗ tại Hà Nội 1972 - Giêm Uây-nơ Gắp nói: “Tôi nguyên là thợ sửa chữa ô tô, bị gọi vào lính theo chế độ quân dịch. Trong các chuyến bay, tôi bị họ đối xử như với một thằng lính hầu. Hết cà phê rồi rót nước ngọt, khui đồ hộp đưa lương khô. Đến khi vào vùng hỏa lực thì phải ngồi co tro trong tháp súng trên lưng B-52G hoặc sau đôi B-52D. Mà đấy là những chỗ dễ ăn đạn nhất. Khi vào không phận Việt Nam, mấy thằng cha sĩ quan điện tử rồi cả hoa tiêu cứ gào lên trong bộ đàm: “có MiG bám đuôi đấy, bắn đi”. Tôi cáu sườn quát lại: “Tôi chẳng nhìn thấy gì cả, bắn vào đâu? Ông có giỏi leo lên đây mà bắn”.
Khi được hỏi về chân gãy, Thượng sĩ Giêm Uây-nơ Gắp thủng thẳng châm biến: “cả cái nước Mỹ có kĩ thuật hiện đại như thế mà chỉ trang bị cho tôi độc một khẩu súng máy với 500 viên đạn. Đến cái chỗ ngồi của tôi cũng là cái ghế sắt không có bộ phận phóng dù. Muốn nhảy dù? Mời anh tự kéo cửa và bò ra nhé. Ngay từ đầu phi vụ, tôi đã cầu Chúa cho tôi được sống để trở về. Thế rồi khi vừa kịp cắt bom, tôi đã nhìn thấy tên lửa của các ông vút lên nổ ngay cánh phải máy bay. Rồi nghe thấy mấy tiếng “bùm, bùm”. Hóa ra các ngài sĩ quan đã nhanh nhảu chuồn trước cả rồi. Trong khi theo quy định thì thứ tự nhảy dù thì tôi trước tiên, sau đó đến sĩ quan tác chiến điện tử, các hoa tiêu, lái phụ rồi cuối cùng là lái chính. Thế là tôi phải leo ra khi máy bay bốc cháy, quay cuồng lộn cổ xuống; thế nên bị cái đuôi quật vào. Ông thấy chúng nó có khốn nạn không? Thế mà vài hôm trước đó, mấy thằng cha ấy còn suốt ngày lải nhải chấn chỉnh tôi về lòng dũng cảm hy sinh vì đồng đội của binh sĩ Mỹ. Toàn láo toét hết!”.
Sau cuộc chiến tranh Việt Nam, có lẽ thấy rõ được sự thất bại của khẩu pháo 6 nòng 20mm khiến Mỹ gỡ bỏ toàn bộ thứ vũ khí này trên các máy bay B-52 đang phục vụ.