Tưởng sốt thông thường, đi khám phát hiện... vi khuẩn gây viêm màng não
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Medlatec, nam bệnh nhân N.H.N 33 tuổi, (Hà Nội), đến viện khám trong tình trạng sốt theo cơn, sốt nóng và sốt rét xen lẫn, đau mỏi người. Được biết, đây là ngày thứ 4 bệnh nhân xuất hiện triệu chứng trên. Ban đầu anh N. tưởng ốm sốt thông thường nên tự ý điều trị tại nhà.
Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết, trước đó 10 ngày có lội nước mương bắt ốc khi về quê. Thời điểm đó, bắp chân anh N. có một vài vết xước nhỏ.
Tại đây, bệnh nhân N. được chỉ định thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cần thiết. Kết quả xét nghiệm phát hiện chỉ số CRP tăng cao, biểu hiện phản ứng viêm của cơ thể do vi khuẩn tấn công. Kết quả chẩn đoán hình ảnh chưa phát hiện bất thường.
Ảnh minh họa. |
Để làm rõ tình trạng nhiễm khuẩn, bệnh nhân được chỉ định thực hiện cấy máu, cấy dịch não tủy, xét nghiệm PCR đa mồi. Kết quả dịch não tủy có phát hiện bất thường nhưng chưa rõ căn nguyên. Bằng kinh nghiệm chuyên môn của đội ngũ bác sĩ, đồng thời dựa vào dịch tễ và biểu hiện lâm sàng, bệnh nhân được bác sĩ chỉ định thực hiện thêm xét nghiệm Leptospira IgM, kết quả ghi nhận dương tính. Như vậy, xoắn khuẩn Leptospira đã xâm nhập dẫn đến tình trạng viêm màng não ở bệnh nhân.
Nhận định tính chất nguy hiểm, bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị nội trú. Sau 7 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân N. tiến triển tốt, hết sốt, hết đau đầu.
ThS.BS Nguyễn Thị Ngọc, Chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây nhiễm khuẩn huyết, sốc, suy gan, suy thận, biến chứng thần kinh nguy hiểm... Do đó, với những biểu hiện sốt kéo dài không có dấu hiệu thuyên giảm, người dân cần được thăm khám và theo dõi y tế sát sao.
Xoắn khuẩn Leptospira - bệnh nhiễm trùng cấp tính toàn thân nguy hiểm tính mạng
Leptospira là xoắn khuẩn thuộc họ Leptospiraceae. Loại khuẩn này lây truyền từ các loài động vật gặm nhấm và xâm nhập ngẫu nhiên vào cơ thể con người qua những vết xước ở da, niêm mạc, kết mạc mắt khi tiếp xúc với nước bị nhiễm khuẩn (đồng ruộng, ao, hồ, mương, vũng nước đọng...). Nếu tiếp xúc lâu với môi trường nhiễm khuẩn, vi khuẩn có thể xâm nhập trực tiếp qua da, niêm mạc lành. Nhiễm khuẩn cũng có thể xảy ra qua đường ăn uống khi ăn phải thịt động vật bị bệnh không được nấu chín.
Ảnh minh họa. |
Bệnh do Leptospira thường gặp ở các quốc gia có vùng khí hậu nhiệt đới với nền nông nghiệp và chăn nuôi phát triển - điều kiện thuận lợi để xoắn khuẩn trú ngụ tại ao hồ, mương, bùn lầy... Bệnh có thể phát triển thành dịch do nước bị nhiễm xoắn khuẩn Leptospira và xoắn khuẩn này được đào thải qua nước tiểu ra môi trường.
Bệnh biểu hiện ở nhiều thể khác nhau, từ nhiễm trùng không triệu chứng lâm sàng đến bệnh biểu hiện tối cấp toàn thân gây tử vong. Các triệu chứng có thể kể đến như sốt cao, nôn, tiêu chảy, đỏ mắt, đau mỏi cơ, phát ban, đau đầu, vàng da và mắt...
Bác sĩ cảnh báo, nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, Leptospira có thể gây rối loạn chức năng các cơ quan:
Gan: Đau hạ sườn phải, gan to, vàng da có thể có biểu hiện của hoại tử gan nặng và tử vong do suy chức năng gan.
Thận: Suy chức năng thận, thường trong tuần thứ 2 của bệnh, giảm thể tích máu và giảm lượng máu đến thận dẫn đến hoại tử ống thận cấp, thiểu niệu, hoặc vô niệu.
Phổi: Ho, khó thở, đau ngực và đờm có máu, đôi khi ho ra máu, hoặc nặng hơn là suy hô hấp.
Biểu hiện xuất huyết: Chảy máu mũi, có ban xuất huyết và tụ máu, thậm chí có xuất huyết tiêu hóa, tuyến thượng thận và khoang dưới nhện.
Các biểu hiện khác như tiêu cơ vân, tán huyết, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, suy tim sung huyết, sốc tim, hội chứng trụy hô hấp cấp tính nặng và suy đa cơ quan.
Bác sĩ khuyến cáo nếu thấy xuất hiện bất kỳ biểu hiện bất thường, người dân nên tới cơ sở y tế thăm khám và thực hiện các thăm dò chuyên sâu để tìm ra chính xác nguyên nhân gây bệnh, điều trị kịp thời, phòng tránh biến chứng nguy hiểm.