“Bị cáo chỉ mong muốn làm sao chấp hành án, trước khi chết thì được ra tù để được chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân. Bị cáo cũng mong muốn, nếu có chết thì là ma tự do, chứ không phải ma tù” – là câu nói chứa đầy cảm xúc, sự day dứt của ông Đinh La Thăng trong phần tự bào chữa trong phiên tòa xét xử đại án xảy ra tại PVN và PVC.
Bị cáo Đinh La Thăng cũng đã gửi lời xin lỗi đến Đảng, nhân dân cùng với các thế hệ người lao động tại Tập đoàn dầu khí (PVN) vì những sai phạm của bản thân bị cáo.
Ông Đinh La Thăng. Ảnh: TTXVN |
Trong bản cáo trạng truy tố ông Đinh La thăng cũng có nhắc đến những thành tích trong quá trình công tác là tình tiết để xem xét khi quyết định hình phạt. Tuy nhiên, những sai phạm mà trong quá trình nắm giữ chức vụ, ông Đinh La Thăng phạm phải là quá lớn.
Cụ thể, ông Đinh La Thăng đang bị xét xử trong đại án PVN, Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC) mà ông bị cáo buộc phạm tội “Cố ý làm trái” và vụ án khác mà ông bị truy tố cùng tội danh khi PVN góp vốn vào Oceanbank sẽ được xét xử trong thời gian tới.
Theo bản luận tội của VKSND TP Hà Nội trong đại án PVC, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Hậu quả số tiền thiệt hại 119 tỷ đồng. Ngoài ra kéo theo nhiều hệ luy khác như các bị cáo đã làm dự án kéo dài gấp đôi, làm đội vốn đầu tư gần chục ngàn tỷ đồng, số tiền nếu phạt theo tiến độ của hợp đồng đã lên tới hàng trăm triệu USD.
Đây cũng là sai phạm điển hình của PVN trong thời điểm mà bị cáo Đinh La Thăng giữ trọng trách cao nhất của Tập đoàn. Không những bị cáo Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm hình sự trong vụ án này mà còn kéo theo hàng loạt cán bộ, lãnh đạo chủ chốt từ Tập đoàn tới các đơn vị thành viên của PVN bị xử lý.
Tội danh của ông Đinh La Thăng đang được phiên tòa xét xử làm rõ. Và việc ông Đinh La Thăng phải trả giá cho những sai lầm, hành vi phạm tội ấy là điều đương nhiên. Bởi luật pháp là công bằng, nghiêm minh, bất kể người phạm tội là ai đi chăng nữa.
Thực tế, không chỉ bị cáo Đinh La Thăng, nhiều bị cáo từng giữ những chức vụ quan trọng khi ra tòa xét xử cũng hối hận về hành vi của mình. Những hình ảnh đau xót đó cũng là bài học cho nhiều cán bộ đang giữ những chức vụ cao trong các tập đoàn, các cơ quan nhà nước, khi đề xuất, đưa ra quyết định và thực hiện những quyết định ấy phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy định của pháp luật, công - tư phân minh để sau này không phải hối hận khi đứng trước tòa như ông Đinh La Thăng.
Hiện nay đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã thành phong trào, thành một xu thế, làm có bài bản như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được”. Những hành vi sai phạm, hành vi tiêu cực trước sau cũng sẽ bị “lộ” và bị xử lý nghiêm khắc.