Về lợi thế vượt trội này, nhà phân tích Kamal Alam của Royal United Services Institute nói: "Các chiến dịch không kích IS (Nhà nước Hồi giáo IS) của phương Tây đã thất bại vì thiếu thông tin tình báo trên thực địa. Trong khi đó, người Nga có được sự gắn kết với (các lực lượng mặt đất của ) Syria”.
Máy bay ném bom Su-34 của Không quân Nga. |
Việc thiếu lực lượng mặt đất để xác định mục tiêu một cách chính xác đã khiến cho các chiến dịch không kích của liên quân do Mỹ cầm đầu từ giữa năm 2014 trở nên kém hiệu quả. Mặc dù quân đội Mỹ có một loạt các phương tiện để thu thập thông tin tình báo ở Iraq và Syria - trong đó bao gồm các vệ tinh, các máy bay do thám có và không người lái, nhưng việc xác định mục tiêu ở các khu vực đông dân cư gặp rất nhiều khó khăn trong việc phân biệt bạn-thù. Đây quả là một thách thức lớn vì lực lượng tình báo của Mỹ ở khu vực quá ít và quá dàn trải trong những năm gần đây.
Không có lực lượng tình báo trên mặt đất, các nhà phân tích không quân thường dựa vào Đại sứ quán Mỹ ở các nước sở tại để xác định mục tiêu. Tuy nhiên, Mỹ lại không có sự hiện diện ngoại giao ở Syria, trong khi Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad lại cách khá xa những vùng lãnh thổ bị phiến quân IS chiếm đóng.
Trong khi đó, Nga lại có quan hệ chặt chẽ với chính phủ Syria và hợp tác chặt chẽ với các lực lượng tình báo trên mặt đất của nước này. Thông tin tình báo để giúp xác định mục tiêu, phân biệt bạn thù không phải là một vấn đề nghiêm trọng đối với các lực lượng Nga.
Không những thế, theo nhà phân tích Matthew McInnis của Viện doanh nghiệp Mỹ (American Enterprise Institute, Iran lại can thiệp sâu hơn bao giờ hết vào các lực lượng của Tổng thống Assad. Iran can thiệp khá sâu vào các lĩnh vực đề ra chiến lược, chỉ đạo chiến thuật và tình báo trong quân đội Syria, ngay cả khi các tướng lĩnh Iran chỉ ở tuyến sau. Hiện chưa rõ liệu Iran có tham gia vào công tác điều phối các cuộc không kích của Nga ở Syria hay không. Theo nhà phân tích McInnis, sự can thiệp của Nga cũng có thể làm suy yếu ảnh hưởng của Iran đối với chế độ Assad.
Nhà phân tích Paul Saunders – giám đốc điều hành của Center for the National Interest - cho biết hiện không có bằng chứng cho thấy các lực lượng đặc biệt Nga trên mặt đất xác định mục tiêu không kích ở Syria. Thay vào đó, không quân Nga dường như được dựa vào các nguồn tin tình báo trên thực địa của quân đội Syria.
Đối với người Nga, hợp tác với các lực lượng mặt đất của Syria giúp họ xác định được mục tiêu không kích. Nhưng điều này cũng có nghĩa là các chiến dịch không kích của Nga thường bị “lái” vào các mối đe dọa trước mắt đối với quân đội Syria. Nhà phân tích Saunders nói: “Người Nga cho rằng các cuộc không kích của họ hiệu quả hơn vì có sự phối hợp của các lực lượng Syria trên mặt đất”.
Nhà phân tích Saunders nhận định với chiến dịch không kích phiến quân ở Syria, người Nga dường như muốn tác động đến quá trình đàm phán nhằm giải quyết xung đột nhằm đảm bảo quyền lợi của họ ở khu vực. Chính vì vậy mà ông cho rằng Nga “sẽ không dốc toàn lực để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria” bằng biện pháp quân sự.