Lụa Khaisilk đang chuẩn bị bán hàng trở lại sau 2 năm lặng tiếng?
(VietnamDaily) - Rất nhiều cửa hàng, cơ sở ở Hà Nội của Khaisilk đang được tu sửa, "thay áo mới" khiến nhiều người đoán rằng phải chăng hệ thống Khaisilk đang chuẩn bị mở bán trở lại, sau 2 năm vắng bóng?
Chuỗi cửa hàng Khaisilk mở bán trở lại?
Sau "sacandal" Khaisilk lừa dối người tiêu dùng bán lụa Trung Quốc nhưng gắn mác lụa Việt Nam, ông Hoàng Khải, Chủ tịch Công ty TNHH Khải Đức (thương hiệu Khaisilk) cúi đầu xin lỗi và đóng cửa toàn bộ hệ thống cửa hàng Khaisilk tại Hà Nội và trên toàn quốc để phục vụ công tác điều tra.
Kể từ đó đến nay đã 2 năm trôi qua, thương hiệu lụa Khaisilk vắng bóng trên thị trường. Các hệ thống cửa hàng của Khaisilk cũng đóng cửa im ỉm.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người dân Thủ đô khi đi qua cửa hàng số 113 Hàng Gai (cửa hàng bán lụa Khaisilk trước đây) thấy ngôi nhà này được trang hoàng, sửa chữa "thay áo mới".
Nhiều người cho rằng, có lẽ chuỗi cửa hàng lụa Khaisilk sắp bán hàng trở lại sau 2 năm dừng hoạt động.
|
Cửa hàng Khaisilk số 113 Hàng Gai được sửa chữa, thay "áo mới". |
Ghi nhận của PV Kiến Thức, toàn bộ mặt ngoài của ngôi nhà 113 Hàng Gai đã được chát lại tường, cửa sổ và các chi tiết phía ngoài cũng được làm mới, sơn mới toàn bộ.
Người dân xung quanh khu vực cửa hàng cũng cho biết, không chỉ riêng mặt ngoài, nội thất ngôi nhà cũng được tu sửa, làm mới. Cửa hàng vẫn đóng cửa suốt 2 năm qua, thi thoảng có người đến mở cửa ra vào.
Trao đổi với PV chị Nguyễn Ngọc Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: "Trước đây cửa hàng lụa Khaisilk rất nổi tiếng, nhưng sau khi bị dính ồn ào bán lụa Trung Quốc gắn mác lụa Việt Nam sản xuất thì thấy cửa hàng đóng cửa. Dạo gần đây thấy cửa hàng sửa chữa, tu bổ lại chắc là chuẩn bị mở bán trở lại, vì cửa hàng nghỉ bán cũng đã lâu. Nhưng không biết có ai còn tới mua lụa Khaisilk sau khi bị lộ bán lụa đểu nữa không?"
|
Một cửa hàng khác của Khaisilk trước đây trên phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội. |
Ghi nhận tại một cơ sở khác của Khaisilk trước đây ở số 26 phố Nguyễn Thái Học (Hoàn Kiếm, Hà Nội), toàn bộ ngoại thất của cửa hàng này cũng đã được sơn mới, sửa chữa. Tuy nhiên, chủ cửa hàng hiện tại cho biết nó đã không còn thuộc sở hữu của Công ty TNHH Khải Đức (thương hiệu Khaisilk).
Có lẽ, việc thương hiệu lụa Khaisilk mở bán trở lại chỉ là nghi ngờ thiếu căn cứ của người dân khi thấy 1 số cơ sở bán hàng trước đây của ông Hoàng Khải được sửa chữa. Bởi lẽ, vụ việc Công ty TNHH Khải Đức (thương hiệu Khaisilk) do ông Hoàng Khải làm Chủ tịch lừa dối người tiêu dùng, tính đến nay đã là gần 2 năm trôi qua nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa công bố kết luận điều tra cuối cùng và hình thức xử lý ra sao.
Có thể nói, sau 2 năm dính vào "scandal" lừa dối khách hàng, sự việc của Khaisilk đã có dấu hiệu "chìm xuồng".
Vụ việc chuyển cơ quan điều tra rồi "chìm xuồng"?
Trước đó, ngày 17/10/2017, khi Công ty V. (Hà Nội) đặt mua 60 khăn lụa tơ tằm của Khaisilk tại cửa hàng 113 Hàng Gai (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) để làm quà tặng cho đối tác thì phát hiện lụa Khaisilk vừa gắn mác "made in Vietnam" vừa gắn mác "made in China".
Ngày 19/10/2017, trong thư phản hồi cho Công ty V., cửa hàng 113 Hàng Gai (Hà Nội) cho rằng tất cả 60 khăn mà Công ty V. mua đều thuộc thương hiệu Khaisilk, đồng thời khẳng định chất liệu làm khăn là "100% lụa tơ tằm".
Sau khi báo chí vào cuộc, ngày 25/10, ông Hoàng Khải – ông chủ của Khaisilk đã thừa nhận bán khăn “made in China”.
Ngày 26/10, Bộ Công thương chính thức yêu cầu Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin.
Ngày 11/12/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Kết luận kiểm tra đối với Công ty TNHH Khải Đức, thành viên của Tập đoàn Khaisilk.
Theo Bộ Công Thương, công ty này đã có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật hình sự đối với tội buôn bán hàng giả về chất lượng. Kết quả giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của Công ty cho thấy cho kết quả kiểm tra khác (không có thành phần silk) so với các thông tin công bố (trên nhãn hàng hóa) về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm (“100% silk”).
Ngoài ra, công ty Khải Đức đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý thuế và quản lý hóa đơn. Cụ thể: (i) một số hóa đơn do công ty xuất trình không hợp lệ (hóa đơn không phải do Chi cục Thuế phát hành, quản lý), một số hóa đơn kê khai không đúng tên hàng hóa; (ii) một số lượng lớn sản phẩm chênh lệch giữa số liệu chứng từ kế toán và số liệu kiểm tra thực tế tại một chi nhánh công ty. Công ty không giải trình được nguyên nhân hoặc xuất trình đầy đủ hóa đơn cho số sản phẩm này.
Công ty đã có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa. Cụ thể, quá trình kiểm tra phát hiện một số sản phẩm không gắn nhãn hàng hóa theo quy định; một số sản phẩm còn lại có gắn nhãn hàng hóa nhưng ghi không đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 và Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.
Khải Đức có dấu hiệu che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng. Công ty cung cấp thông tin tới người tiêu dùng thông qua website với một số nội dung không chính xác. Đồng thời, công ty đã bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ cùng với các sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam trong cùng cửa hàng nhưng đã không giới thiệu hoặc thông tin không đầy đủ cho người tiêu dùng về xuất xứ và thành phần của các sản phẩm này.
Căn cứ kết luận kiểm tra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chuyển hồ sơ, vật chứng cho Cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Mời quý vị độc giả xem video: Ông chủ Khaisilk thừa nhận bán hàng Trung Quốc, lừa dối người tiêu dùng
Đầu năm 2018, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý các vi phạm pháp luật của Công ty TNHH Khải Đức (thương hiệu Khaisilk).
Theo đó, trên cơ sở báo cáo của Bộ Công thương về việc xử lý các vi phạm pháp luật của Công ty TNHH Khải Đức, Phó Thủ tướng giao Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các lực lượng chức năng xử lý nghiêm minh các vi phạm của Công ty TNHH Khải Đức theo đúng quy định của pháp luật.
Thời điểm cuối năm 2017, khẳng định với một số cơ quan báo chí, ông Chu Xuân Kiên, Phó giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, khẳng định đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ Khaisilk đến PC46 Công an TP Hà Nội để làm rõ theo quy định.
Bẵng đi hơn 2 năm, vụ việc Khaislik bán lụa Trung Quốc, lừa dối người tiêu dùng và có hàng loạt dấu hiệu vi phạm quy định nhà nước dường như có dấu hiệu "chìm xuồng".