Việc anh Th. đưa mẹ - bà Đ.T.T (SN 1947) - đến thăm khám kiểm tra khối u ở bụng tại (phường Phúc La, quận Hà Đông, TP Hà Nội), bác sĩ chỉ định bà Đ.T.T đi siêu âm ổ bụng và chụp CT. Scanner nhưng hai bác sĩ chỉ định hai kết quả khác nhau. Sau đó, bác sĩ tự điều chỉnh kết quả cho giống nhau mà không cần siêu âm lại làm cho người nhà rất bức xúc.
Bệnh viện Đa khoa 16A Hà Đông (phường Phúc La, quận Hà Đông, TP Hà Nội) |
Nhưng điều khiến cho người ta kinh ngạc là phát biểu của ông Giám đốc bệnh viện: Một bệnh nhân, hai kết quả… bình thường thôi. Kinh hoảng hơn là ông còn nói: Thương bệnh nhân phải leo tầng vất vả, nên bác sĩ tự làm lại phiếu chẩn đoán kết quả mà không cần phải siêu âm.
Thật, tôi đang hồ nghi không biết vị giám đốc này mắc bệnh hồn nhiên, hay là ông không phải là… bác sĩ. Đồng ý rằng, phản xạ thường chối bỏ trách nhiệm khi sai sót là thói quen của người Việt. Thế nhưng, đây là bệnh viện, một lĩnh vực rất đặc thù mà việc phân định đúng, sai không quá khó. Như trong trường cụ thể này chỉ có hai nguyên nhân: lỗi do máy móc hoặc do trình độ chuyên môn bác sĩ kém.
Xin hỏi ông Tổng giám đốc bệnh viện Đa khoa 16A Hà Đông, bình thường thôi là bình thường như thế nào. Ở đây chưa nói câu chuyện đúng – sai. Tôi chỉ đặt vấn đề, nếu ông đi khám ở một bệnh viện X, Y nào đó, lúc cho kết quả xét nghiệm, hai bác sĩ cùng bệnh viện đọc hai kết quả khác nhau, cho hai chỉ định điều trị khác nhau, dùng hai loại thuốc khác nhau trong khi ông chỉ bị một chứng bệnh. Lúc này, bản thân ông có bức xúc không. Ông có cảm thấy rằng bệnh viện làm việc tắc trách không? Ông có cần bệnh viện có tinh thần cầu thị giải thích rõ ràng và có lời xin lỗi đúng mực không?
Kết quả siêu âm 4 chiều lần 1, bác sĩ không kết luận bệnh nhân có "u" (trái). Tuy nhiên, sau khi thấy người nhà bệnh nhân phàn nàn và đối chiếu với kết quả chụp CT. Scanner thì bác sĩ làm lại phiếu kết quả lần 2 mà không cần cho bệnh nhân siêu âm lại (phải). |
Dù biết rằng sai sót trong khám chữa bệnh là câu chuyện thỉnh thoảng vẫn có. Nhưng không có nghĩa là người bệnh luôn phải “đồng cảm” với sự sai sót đó của bệnh viện. Đây là vấn đề trách nhiệm.
Tôi đoán chắc rằng, một ngày mỗi bác sĩ ở một bệnh viện Đa khoa khám ít nhất không dưới 50 bệnh nhân và có lẽ bệnh viện Đa khoa 16A Hà Đông cũng thế. Và nếu trình độ chuyên môn của vị bác sĩ ấy không đạt tiêu chuẩn, đọc sai kết quả ít nhất 50 bệnh nhân trong một ngày thì hậu quả sẽ như thế nào. Đó là sức khỏe và tính mạng của ít nhất 50 con người và trên thực tế còn nhiều hơn thế.
Không ai không biết rằng, nghề y luôn luôn là một nghề được đề cao nhiều nhất việc rèn luyện và giáo dục đạo đức nghề nghiệp hay còn gọi là y đức. Nội dung bất di bất dịch của y đức là sự hy sinh của người thầy thuốc trong việc phụng sự sức khỏe của người bệnh. Bởi đơn giản trong nhiều trường hợp y đức quyết định đến sự sống còn của một con người. Thế nhưng, thân là giám đốc, ông liền có thể làm ngơ trước kết quả gian lận của bác sĩ. Đáng buồn hơn, sự gian lận này lại được ông cổ vũ một cách trắng trợn vì lý do… nực cười.
Bệnh viện Đa khoa 16A Hà Đông là một nơi khám chữa bệnh dịch vụ. Vì thế, ông Tổng giám đốc bệnh viện 16A Đa khoa Hà Đông nên có thái độ cầu thị và đặt vị trí của ông vào bệnh nhân để thấu hiểu, chia sẻ thay vì dẫn lời nói để xem chuyện nhỏ như con thỏ. Khi xảy ra sự số, lập tức nhận trách nhiệm về mình, nhìn ra thiếu sót thì mới có cơ hội sửa sai, khắc phục.
Thiết nghĩ, một bệnh viện có thể phát triển bền vững, trường tồn hay không là phụ thuộc rất lớn vào chính những bác sĩ đang xây dựng nên mô hình kiểm tra và giám sát công tác khám, chữa bệnh. Vậy nên, muốn phát triển bền vững, việc Bệnh viện Đa khoa 16A Hà Đông cần làm luôn và ngay đó là: phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ bệnh nhân như một khách hàng…