Luôn được 'đảm bảo' lãi 300 đồng/lít, xăng dầu lại kêu lỗ nặng

Nhiều doanh nghiệp xăng dầu đang kêu lỗ nặng. Vì sao Nhà nước luôn cho doanh nghiệp có lợi nhuận 300 đồng/lít mà doanh nghiệp vẫn kêu lỗ?

“Từ đầu năm đến nay sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong hệ thống giảm mạnh do nhu cầu xuống thấp vì dịch bệnh Covid-19. Tình thế này khiến chúng tôi không tránh khỏi thua lỗ”, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở miền Trung chia sẻ.

Không chỉ các doanh nghiệp đầu mối nhỏ thua lỗ, đó còn là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp xăng dầu, trong đó có các ông lớn.

Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), trong báo cáo tài chính quý I công bố lỗ hơn 530 tỷ đồng. Báo cáo với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng dự kiến lỗ 500 tỷ đồng trong quý I.

Luon duoc 'dam bao' lai 300 dong/lit, xang dau lai keu lo nang
 Giá xăng dầu xuống thấp liên tục, nhu cầu giảm khiến doanh nghiệp xăng dầu thua lỗ.
Nhu cầu xuống thấp kỷ lục vì đại dịch Covid-19 và lệnh giãn cách xã hội là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp xăng dầu lâm cảnh khó khăn chưa từng có.

Theo quy định của Nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam luôn phải có một lượng hàng tối thiểu đảm bảo tồn kho, phục vụ nhu cầu thị trường. Trong xu hướng giá giảm liên tục và sâu như hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ bị ảnh hưởng do hàng tồn kho đã mua ở mức giá cao trước đó. Mức giá xăng dầu liên tục xuống thấp khiến các doanh nghiệp bị lỗ.

Tại công thức tính giá cơ sở xăng dầu, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu luôn được “cho” mức lợi nhuận là 300 đồng/lít. Vậy tại sao doanh nghiệp vẫn kêu lỗ?

Câu trả lời là: Thực tế vận hành của thị trường không giống như công thức tính giá được Nhà nước áp đặt.

Lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu ở miền Trung giải thích: "Nhà nước cho chi phí định mức và lợi nhuận định mức là 1.300 đồng/lít, song thời điểm này để đẩy hàng tồn kho có lúc chúng tôi phải tăng chiết khấu cao hơn nhiều lần. Vậy mà cũng có lúc không có tổng đại lý nào mua vì nếu họ biết kỳ điều hành tới giá xăng dầu sẽ giảm, vì không thể mua để rồi chịu lỗ".

Các doanh nghiệp tham gia kinh doanh xăng dầu gồm 3 cấp: Cấp 1 là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối; cấp hai là tổng đại lý và cấp ba là các đại lý.

Trong đó, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối là nhiều quyền hành nhất và phải đảm bảo nhiều điều kiện. Quyền lớn nhất của DN đầu mối là được nhập khẩu hay mua trực tiếp từ nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn. Theo số liệu của Bộ Công Thương, cả nước có 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu (không tính 4 doanh nghiệp chỉ kinh doanh nhiên liệu bay).

Sau khi nhập khẩu hoặc mua của nhà máy lọc dầu trong nước, các doanh nghiệp đầu mối sẽ bán lại cho các tổng đại lý. Hiện nay, số lượng tổng đại lý trên cả nước là khoảng 200. Số doanh nghiệp này có quyền mua xăng dầu của 1 trong 33 doanh nghiệp đầu mối. Mức độ cạnh tranh ở cấp này có thời điểm diễn ra khốc liệt.

Trong nhiều trường hợp, để đẩy được hàng tồn kho, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phải chiết khấu cho tổng đại lý dao động trong khoảng 1.000 đồng/lít, cá biệt trong dịch bệnh vừa rồi mức chiết khấu cao hơn do áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp đầu mối khác. Trong khi đó, Nhà nước chỉ cho chi phí định mức là hơn 1.000 đồng/lít và lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít. Điều đó khiến các doanh nghiệp phải chịu thua lỗ.

Luon duoc 'dam bao' lai 300 dong/lit, xang dau lai keu lo nang-Hinh-2

Công thức tính giá xăng dầu còn chưa sát thực tế, tỷ lệ thuế rất cao. 

Một số doanh nghiệp lớn như PVOil tỷ lệ bán lẻ trực tiếp là 25-26%, bán cho khách hàng công nghiệp là 20-30%, còn lại khoảng 50% bán cho các tổng đại lý. Cho nên, việc chạy đua chiết khấu cũng có lúc khiến doanh nghiệp này chịu lỗ. Thời điểm trước khi Thuế bảo vệ môi trường tăng từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít cũng từng đẩy doanh nghiệp này vào cuộc chạy đua tăng chiết khấu cho tổng đại lý.

Vì sao chi phí và lợi nhuận định mức được “đóng khung” là 1.300 đồng/lít? Theo tìm hiểu, 2 năm 1 lần cơ quan nhà nước gồm Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính đi đến doanh nghiệp để kiểm toán chi phí. Trên cơ sở đó, nhà nước sẽ điều chỉnh công thức giá cho phù hợp điều kiện thực tế thị trường. Song thực tế, mấy năm nay chi phí gần như được giữ nguyên, không thay đổi nhiều.

Trên thực tế, xăng dầu Việt Nam không còn là lĩnh vực độc quyền. Song hai doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có vốn nhà nước chi phối là Petrolimex và PVoil chiếm thị phần lớn nhất, khoảng 70% thị phần. Nếu tính thêm các doanh nghiệp có vốn nhà nước khác, tỷ lệ này sẽ cao hơn đáng kể. Cùng với sự kiểm soát giá của nhà nước thông qua Quỹ bình ổn và chi phí, lợi nhuận định mức, thị trường xăng dầu rõ ràng vẫn chưa thực sự vận hành theo cơ chế thị trường.

Về quy mô doanh nghiệp, trong lĩnh vực này, các doanh nghiệp đầu mối tư nhân nhìn chung còn khá khiêm tốn so với quy mô của các doanh nghiệp nhà nước. Sự hiện diện mạnh mẽ của các doanh nghiệp tư nhân chỉ thể hiện ở số lượng các cây xăng. Petrolimex và PVOil chiếm 70% nguồn xăng dầu cho thị trường, song số lượng các cửa hàng hai doanh nghiệp này trực tiếp sở hữu lại nhỏ hơn nhiều, chưa đến 1/4 trong tổng số hơn 14.600 cây xăng trên cả nước (số liệu của Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại đến 2018).

Nhìn chung, thị trường xăng dầu Việt Nam chưa phải vận hành theo cơ chế thị trường đầy đủ như nhiều mặt hàng khác. Việc áp giá trần kể trên là một ví dụ. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc quản lý giá xăng dầu cần phải được thay đổi để tiệm cận hơn với thị trường. Khi đó, người dùng sẽ có ngày được thấy cảnh hai cây xăng gần nhau nhưng lại có mức giá khác nhau. Doanh nghiệp nào quản lý tốt chi phí doanh nghiệp đó sống được và ngược lại.

Sau nhiều lần tăng giá khủng, đợt này giá xăng giảm bao nhiêu 1 lít?

(VietnamDaily) - Liên Bộ Công thương - Tài chính vừa phát đi thông báo quyết định điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ tính giá 15 ngày, kể từ 15 giờ hôm nay 17/6.

Theo cơ quan điều hành, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 17/6/2019 là 64,283 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 9,007 USD/thùng so với kỳ trước); 66,017 USD/thùng xăng RON95 (giảm 9,141 USD/thùng so với kỳ trước).
72,713 USD/thùng dầu diesel 0.05S (giảm 8,589 USD/thùng so với kỳ trước); 72,874 USD/thùng dầu hỏa (giảm 7,857 USD/thùng so với kỳ trước); 381,093 USD/tấn dầu mazút 180CST 3.5S (giảm 33,301 USD/tấn so với kỳ trước).

Xăng dầu giảm giá ngày làm việc đầu tiên của năm Canh Tý

(Vietnamdaily) - Xăng giảm từ 577-791 đồng/lít, còn các mặt hàng dầu cũng hạ 265-473 đồng từ 15h ngày 30/1 hôm nay. 

Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa quyết định điều chỉnh giảm các mặt hàng xăng dầu sau kỳ nghỉ Tết Canh Tý.

Theo đó, mỗi lít xăng E5 RON 92 hạ 577 đồng, xăng RON 95 giảm 791 đồng. Còn các mặt hàng dầu cũng giảm 265-473 đồng một lít, kg tùy loại.