Hôm nay, sau 5 ngày nhà hàng, quán ăn, cà phê, cắt tóc... ở Hà Nội được phép hoạt động trở lại, trong đó được cho phép phục vụ ăn uống tại chỗ, việc kinh doanh của nhiều chủ hàng quán đã khởi sắc hơn.
Các quán ăn có vách ngăn. |
Theo ghi nhận, các cửa hàng ăn, quán cà phê đều không quá đông.
Chủ quán phở trên phố Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Quán đã trang bị đủ tấm chắn. Thời gian qua, tuy giảm doanh thu nhưng quán vẫn duy trì được công việc cho 3 nhân viên. Theo quy định, khách vào quán phải giữ khoảng cách. Nếu lượng khách đông, chúng tôi sẽ không nhận và bán mang về cho những khách không được nhận này".
Lực lượng công an thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định của TP Hà Nội tại các quán ăn. |
Về quy định chỉ cho phép bán đến 21h, nhiều chủ cửa hàng bán cà phê, quán lẩu bày tỏ, khách đến nhiều trong khoảng thời gian từ 18-23h do đó, việc đóng cửa trước 21h sẽ mất đi lượng khách khá lớn.
Ngồi giãn cách trong quán ăn. |
“Mất nhiều khách nhưng quy định thì phải chấp hành. Hơn ai hết, những người kinh doanh ăn uống chúng tôi mong hết dịch để hoạt động kinh doanh trở lạI bình thường”, chủ quán lẩu tại Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) giãi bày.
Nhiều hộ bán cơm, quán ăn bình dân cho biết, việc đóng cửa trước 21h không ảnh hưởng lớn bởi khách hàng của họ tập trung đông nhất vào khoảng 18-20h.
Anh Phạm Văn Hoàng, chủ quán ăn trên đường Tô Hiệu cho hay: "Cửa hàng tôi thường mở từ 8h sáng đến 22h đêm. Việc TP yêu cầu đóng cửa từ 21h khiến cửa hàng mất một số lượng khách. Tuy nhiên để đảm bảo an trong công tác phòng chống dịch, cửa hàng tôi vẫn nghiêm túc chấp hành".
Chia sẻ với phóng viên, một chủ quán bia hơi trên đường Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, theo quy định các quán bia, bia hơi vẫn chưa được phép đón khách (chỉ bán mang về) nên việc kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn.
“Tiền thuê mặt bằng của tôi là 60 triệu/tháng, do vậy, chỉ bán cho khách mang về thì quán đang lỗ rất nhiều”, chủ quán này nói.
Một số chủ quán hàng ăn uống cũng bày tỏ, nếu việc kinh doanh không bị giới hạn trước 21h, được kinh doanh muộn hơn, quán sẽ có thêm khách, cửa hàng sẽ bớt khó khăn.
"An toàn tới đâu nới tới đó"
Trước những băn khoăn của nhiều chủ hàng quán về việc vì sao Hà Nội chỉ cho mở cửa đến trước 21h, ngày 25/6, trao đổi với VietNamNet, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho hay, quy định đóng cửa trước 21h với các dịch vụ ăn, uống trong nhà trên địa bàn là để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Thứ nhất, Hà Nội hiện yêu cầu hàng quán không được đón khách quá đông, đảm bảo khoảng cách và vách ngăn giữa người với người,… Khi cho kinh doanh muộn, lực lượng công an, chính quyền, tổ COVID-19 cộng đồng sẽ khó khăn hơn trong vấn đề kiểm soát, kiểm tra việc thực hiện các quy định này.
Quan trọng nhất, theo ông Tuấn, bây giờ là mùa bóng đá và đêm là thời điểm bắt đầu các trận đấu. “Nếu để hàng quán mở muộn, việc tụ tập xem bóng đá, hò hét rất dễ xảy ra, không đảm bảo an toàn cho vấn đề phòng chống dịch”, ông Tuấn nói.
Về ý kiến nới lỏng thêm quy định, cho đón khách muộn hơn của một số cửa hàng, Phó Giám đốc CDC Hà Nội nhấn mạnh, quan điểm của Hà Nội là “an toàn đến đâu, nới đến đó”, tùy theo tình hình dịch bệnh trên địa bàn chứ không thể vội vàng.
Tới đây, nếu Hà Nội giảm dần các nguy cơ về dịch COVID-19, việc nới lỏng có thể được xem xét thêm.
Kiên quyết từ chối khách nếu không đảm bảo phòng dịch
Anh Đoàn Trung Hải Long chủ cửa hàng bán phở ở Hoàng Mai cho biết, khách dù mua mang về hay ăn tại quán nếu không đeo khẩu trang hay không có ý thức phòng dịch thì quán sẵn sàng từ chối phục vụ.
Ông Nguyễn Tiến Thanh, chủ quán cà phê trên đường Hồ Đền Lừ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết thêm quán hạn chế nhận khách, chỉ kê 50% số ghế để tạo khoảng cách an toàn cho khách. "Nếu quán đông người rất có nguy cơ lây truyền bệnh, nguy hiểm cho khách cũng như quán”, ông Thanh chia sẻ.