Lý do xe tăng Anh lép vế trong Chiến tranh Thế giới 2
Là một trong những quốc gia sản xuất xe tăng đầu tiên trên thế giới, nhưng xe tăng Anh chưa bao giờ được đánh giá cao trong chiến tranh.
Lê Quang (tổng hợp)
Xem toàn bộ ảnh
Xe tăng Anh Quốc thời Thế chiến 2 được nhiều chuyên gia đánh giá ở mức độ trung bình (không tệ như Pháp nhưng cũng không tốt được như Đức). Mặc dù xe có khả năng tác chiến tốt nhưng lại bị giới hạn bởi thiết kế của nó dựa trên học thuyết quân sự thời bấy giờ.
Nước Anh vốn được coi là quốc gia tiên phong trong việc sử dụng xe tăng, mặc dù đã có nhiều thiết kế của các quốc gia khác ra đời trước đó, với đại diện tiêu biểu như xe tăng FT-17 của Pháp. Nhưng quân đội Anh mới là lực lượng đầu tiên trang bị súng đạn cho xe tăng có thể tấn công.
Sau Thế chiến 1 nước Anh đẩy mạnh việc nghiên cứu để tăng khả năng chiến đấu cho những chiếc xe tăng. Tuy nhiên vào thời điểm đó chiến tranh đã kết thúc, điều này khiến quân đội Anh không thể thử nghiệm những mẫu xe tăng mới của mình. Nhưng họ vẫn giữ theo quan niệm trong thiết kế xe tăng đó là sẽ có 2 loại tăng cùng hỗ trợ nhau trên chiến trường.
Thứ nhất là loại xe tăng bộ binh, được thiết kế có giáp tốt và có tốc độ di chuyển chậm hơn để tấn công tiền tuyến của kẻ địch, đồng thời là tấm áo giáp che chắn cho bộ binh cơ động tấn công vị trí phòng thủ của đối phương.
Loại thứ hai là xe tăng hành trình với tốc độ tốt, nhưng lớp giáp mỏng hơn, chuyên dùng để đi vượt qua phòng tuyến của đối phương một cách nhanh chóng và gây hỗn loạn ở hậu phương của kẻ địch.
Trong suốt những năm 20 của thế kỉ XX, người Anh đã thử nghiệm và chọn đi theo học thuyết này. Và trong khoảng thời gian đó nước Anh đã thiết kế ra nhiều loại tăng như Vicker 6 ton, nhưng loại tăng này không được biên chế vào quân đội Hoàng gia Anh, nên đa số toàn được đem bán cho các quốc gia khác.
Dòng xe tăng bộ binh được xem là dòng tăng điển hình trong mắt nhiều người khi nói về xe tăng của Anh. Trong những năm đầu chiến tranh thế giới thứ 2 ở mặt trận Châu Phi, xe tăng Churchill và Matilda cực kì hiệu quả khi đối đầu với xe tăng Đức khi có giáp dày, hỏa lực tốt cùng với sự sắp xếp kíp lái hiệu quả.
Trên chiến trường Pháp năm 1940, những chiếc Matilda 2 này đã phản công hiệu quả khi đối đầu với đội quân thiết giáp của tướng Rommel, binh lính Đức đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm cách phá hủy những chiếc xe tăng này.
Cùng với những thành công trong mặt trận Châu Phi đã tạo nên biệt danh “Nữ hoàng sa mạc” cho xe tăng Anh. Xe tăng Matilda cùng với dòng Sherman được sử dụng rộng rãi ở cả 3 mặt trận. Xe tăng Churchill cũng có những điểm tương tự và trở thành xe tăng có khả năng sống sót tốt do giáp dày cùng với việc nâng cấp pháo 75mm và 95mm.
Dòng tăng hành trình cho dù không có được nhiều thành công so với các dòng xe tăng bộ binh và hay gặp vấn đề, nhưng được các kíp lái xe tăng rất yêu thích bởi xe tăng có tốc độ cao.
Vì vậy theo quan điểm của nhiều người thì thiết giáp Anh cũng không phải là tệ, nhưng vấn đề ở đây là ngành công nghiệp chế tạo thiết giáp của Anh trở nên khác biệt khi mà chiến tranh nổ ra. Chỉ huy quân đội Anh vẫn chưa hề thích nghi với chiến tranh vũ trang kết hợp.
Quân Anh bị mất đi lượng lớn thiết giáp ở Châu Phi bởi dàn pháo chống tăng (điển hình là pháo 88mm của Đức), vì lực lượng xe tăng của Anh dường như toàn tiến công một mình và không có hỗ trợ từ bộ binh.
Càng về sau thì người Anh cũng cải tạo những chiếc xe tăng của họ và cho ra đời dòng xe tăng cải tiến Sherman Firefly được trang bị pháo 76,2mm. Sau đó thì người Anh cũng bổ sung thêm vào học thuyết quân sự của họ, sử dụng xe tăng Sherman làm tăng hành trình và dòng tăng Stuart làm trinh sát hỗ trợ tấn công.
Sau một thời gian, người Anh mới nghĩ đến việc tiêu chuẩn hóa xe tăng của họ như là Sherman của Mỹ và T-34 của Liên Xô. Tuy muộn màng nhưng họ lại là quốc giá dẫn đầu về ý tưởng sản xuất MBT (xe tăng chiến đầu chủ lực).
Xe tăng A34 "Comet" ra đời được trang bị pháo chính 76,2mm được đánh giá có sức công phá tốt hơn cả khẩu 75mm của xe tăng Panther và người Anh kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2 khi cho ra đời dòng tăng Centurion. Mặc dù bỏ lỡ Thế chiến 2 nhưng mà chiếc xe tăng này được sử dụng rộng rãi trong nhiều cuộc chiến tranh sau này.
Tóm lại các dòng xe tăng của nước Anh chưa bao giờ bị đánh giá thấp. Chúng thực hiện tốt vai trò theo đúng ý tưởng thiết kế và học thuyết quân sự của Anh. Vấn đề chỉ là Thế chiến 2 lại không như những gì nước Anh dự tính như ban đầu cho nên những chiếc xe tăng của họ chỉ được coi là tạm ổn.