Mãnh tướng Đại Việt nào được tôn là “thánh” ngay khi còn sống?
Người này vừa là hoàng tử, vừa là mãnh tướng nổi tiếng đương thời, được nhân dân Đại Việt tôn làm "thánh" từ khi còn sống.
Theo Nguyễn Thanh Điệp/ Zing
Xem toàn bộ ảnh
Lý Nhật Quang (?-1057) có tên huý là Lý Hoảng. Ông là hoàng tử triều Lý, đồng thời cũng là danh tướng nổi tiếng trong lịch sử. Sinh thời ông được nhân dân vùng Nghệ Tĩnh tôn làm "thánh" ngay khi còn sống.
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, Lý Nhật Quang là hoàng tử thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, thân mẫu là hoàng hậu Trinh Minh. Theo các nhà nghiên cứu, ông cũng chính là cháu ngoại của vua Lê Đại Hành.
Năm 1044, thái tử Lý Nhật Quang được anh trai - vua Lý Thái Tông - phong làm Uy Minh Vương, giao trấn giữ vùng đất Nghệ An, Hà Tĩnh. Tại đây, nhờ những chính sách chăm lo cho đời sống nhân dân, giữ yên lãnh thổ, ông được nhân dân rất tôn kính.
Trong thời gian trấn giữ vùng đất Nghệ An, Hà Tĩnh, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đã có công đánh bại quân Chiêm Thành, giữ yên cương giới cho Đại Việt.
Trong thời gian làm tri châu ở Nghệ An, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đã có công tổ chức cho nhân dân khai hoang nhiều vùng để mở rộng diện tích trồng trọt, đắp đê sông Lam để phát triển nông nghiệp, mở 2 con đường thượng đạo từ Đô Lương ra Thanh Hoá rồi Thăng Long và từ Đô Lương lên Kỳ Sơn.
Lý Nhật Quang coi trọng việc phát triển kinh tế, khuyến khích, hướng dẫn nhân dân mở mang nghề nghiệp. Cùng việc chiêu dân, khai hoang, lập ấp, ông còn dạy cho dân chúng trồng trọt, dệt lụa, dệt vải... trở thành tổ sư của nhiều ngành nghề thủ công nghiệp ở Nghệ Tĩnh.
Theo Thần phả ở đền Quả Sơn (Đô Lương), trong trận cuối cùng tử chiến với giặc Lão Qua bảo vệ biên cương phía Nam Đại Việt, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đã hy sinh trên chiến trường năm 1057 (sách Việt điện u linh ghi ông chết khi về già, không bệnh tật).
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có 36 ngôi đền được nhân dân xây dựng để tôn thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang. Trong đó, các ngôi đền tại huyện Nghi Lộc và huyện Quỳnh Lưu đã được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh, cấp quốc gia.