Lực lượng chức năng nỗ lực khắc phục sự cố. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN) |
Sự cố cầu An Thái Hải Dương bắc qua sông Kinh Môn khiến các phương tiện qua lại trên các bến đò, phà qua sông vì đó mà tăng đột biến, tăng áp lực đối với các dịch vụ phục vụ vận chuyển hành khách của các bến đò, phà.
Dọc tuyến sông Kinh Môn có 7 đò, phà; trong đó, Đò Phủ và Phà Mây là hai bến có lưu lượng người và phương tiện qua lại lớn nhất.
Có mặt tại bến Phà Mây khoảng 10 giờ 30 phút ngày 8/3, chúng tôi chứng kiến một dãy dài gần 1km các loại xe ôtô tải, xe con, xe taxi đang nối đuôi chờ mua vé qua phà.
Lái xe Phạm Văn Hoành chuyên chở ximăng từ Nhà máy ximăng Phúc Sơn thường chạy tuyến đường tỉnh 388 qua cầu An Thái cho biết trước đây không chở hàng theo lối Phà Mây nhưng từ ngày 7/3, do cầu An Thái bị hỏng nên buộc phải đi lối này.
“Phải chờ lâu lắm. Tôi đi từ 9 giờ mà 10 giờ 30 vẫn còn phải xếp hàng. Từ giờ chỉ còn duy nhất lối này để đến nhà máy lấy hàng,” anh Hoành nói.
Thông thường với mỗi chuyến hàng, anh Hoành chạy ôtô mất 3-4 tiếng nhưng ngày 8/3, riêng việc phải chờ phà chặng đi đã mất 2 tiếng. Với thực tế này, mỗi ngày thay vì chở được 2 chuyến hàng nếu đi theo lối cầu An Thái, giờ chỉ chở được 1 chuyến hàng.
Giá vé qua bến Phà Mây vẫn như ngày thường nhưng với tổng phí cả lượt đi và lượt về mất khoảng 180.000 đồng, cao gấp đôi so với đi theo đường qua cầu An Thái.
Phản ánh về tình hình người và phương tiện qua lại bến Phà Mây từ khi xảy ra vụ tai nạn gây hư hỏng cầu An Thái, ông Huỳnh Tuấn Long, Bến trưởng bến Phà Mây cho biết: "So với ngày thường, hiện lượng xe đổ về bến phà Mây tăng lên gấp 5-6 lần. Sau khi cầu An Thái hư hỏng, được lệnh của Sở Giao thông Vận tải Hải Dương, bến phà đã phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông để đảm bảo cho các phương tiện lưu thông an toàn, hạn chế ùn tắc. Bến phà cũng chuẩn bị lực lượng, phương tiện đảm bảo về chất lượng, thiết bị máy móc vận hành tốt, thời gian phục vụ tăng từ 2 ca lên 3 ca/ngày."
Hiện tượng ùn tắc tại Phà Mây ngày 7/3 xảy ra nghiêm trọng nhưng sang ngày 8/3 đã giảm bớt. Hiện mỗi ngày có khoảng 300 lượt ôtô qua Phà Mây.
Theo phản ánh của các nhân viên, cũng có hiện tượng xe tranh chấp, vượt lên chen lấn nhưng có lực lượng thanh tra giao thông và cảnh sát đường bộ nên các xe đã đi vào nền nếp, xe đến trước đi trước, đến sau đi sau.
Một chuyến phà quay vòng mất khoảng 15-20 phút. Nhân viên bến phà phải đảm bảo xếp đúng số xe và tải trọng cho phép. Giá vé vẫn không khác ngày thường, thu theo đúng quy định.
Hiện nay, Phà Mây hoạt động liên tục 24/24 và nhân lực cũng tăng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Trước tình trạng lưu lượng phương tiện qua lại các bến đò, phà tăng cao những ngày qua, nhằm góp phần đảm bảo an toàn giao thông những khu vực này, Đại úy Nguyễn Việt Đức, cán bộ Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh Hải Dương) cho biết lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy Hải Dương tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, tuyên truyền Luật giao thông đường thủy đến các chủ phương tiện vận chuyển tại bến đò, phà và người qua lại trên sông; tăng cường các tổ tuần tra đến các bến khách dọc tuyến sông Kinh Môn để đảm bảo cho người và phương tiện lưu thông an toàn.
Trước đó, tối 6/3, tàu thủy HP3016 có tải trọng trên 3.000 tấn khi di chuyển qua gầm cầu An Thái đã va quệt và mắc kẹt dưới gầm cầu làm hư hỏng 1 dầm cầu.
Để đảm bảo an toàn, người dân và các phương tiện hiện bị cấm lưu thông qua đây.
Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, tối thiểu mất khoảng 2 tháng mới khắc phục xong sự cố này.
Mời độc giả xem clip Tai nạn kinh hoàng trên cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc (Nguồn VOV):