Mô hình tên lửa siêu thanh của Trung Quốc đang được thử nghiệm trong hầm gió. Ảnh: SCMP. |
Trong ngân sách dự kiến 9,9 tỷ USD cho năm 2019, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) yêu cầu 120 triệu USD để phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa siêu thanh, tăng 75 triệu USD với năm 2018. Giám đốc phụ trách hoạt động của MDA Gary Pennett nói với các phóng viên rằng việc triển khai tiềm năng các vũ khí siêu thanh của đối phương có thể phóng từ tàu ngầm, máy bay hoặc tàu chiến sẽ tạo ra khoảng trống đáng kể trong khả năng đánh chặn.
“Thách thức chính đối với an ninh của Mỹ và các đồng minh, đối tác là sự xuất hiện của các vũ khí mới được thiết kế để đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại”, ông Pennett nói. Theo tạp chí Diplomat của Nhật, năm ngoái Trung Quốc đã phát triển và thử nghiệm loại tên lửa siêu thanh mới được gọi là DF-17.
Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ cũng vừa tuyên bố Trung Quốc đã thử nghiệm “tàu lượn siêu thanh” vào năm 2017. Nga cũng đang phát triển tên lửa siêu thanh Zircon. Theo hãng tin TASS, tên lửa này sẽ được sản xuất loạt trong năm nay.
Mỹ cũng phát triển công nghệ tên lửa siêu thanh trong nhiều năm qua. Không quân Mỹ đã tiến hành thử nghiệm tên lửa siêu thanh X-51A Waverider vào năm 2012. Nó có thể bay với tốc độ Mach 6 (khoảng 5.800 km/h) và tương lai sẽ bay nhanh hơn.
Các nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ phát triển chương trình tên lửa siêu thanh vì họ không bị ràng buộc bởi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo tầm trung (INF) được ký kết giữa Mỹ và Liên Xô vào năm 1987.
Đô đốc Harris cho biết hơn 90% tên lửa đạn đạo trên đất liền của Trung Quốc sẽ bị INF loại trừ nếu họ là một phần của hiệp ước. Trong khi Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển vũ khí siêu thanh, phần lớn ngân sách của MDA vẫn tiếp tục hướng tới việc cải thiện hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có.