Trên đường đi tìm lại hậu duệ của những người đẹp vang bóng một thời ở xứ Mường, chúng tôi tình cờ phát hiện ra một điều rất thú vị. Đó là chuyện một á hậu nhan sắc thuộc hàng chim sa cá lặn chỉ vì bộ răng đen mà để rơi mất danh hiệu hoa hậu xứ Mường vào phút cuối. Cô là sơn nữ Hoàng Thị Sáu, một trong hai á hậu của cuộc thi hoa hậu cuối cùng năm 1942 do “mẫu quốc” Pháp tổ chức.
Người đẹp bị lãng quên
Qua những con đường ngoằn ngoèo, hàng chục quả đồi, ngọn núi và mấy con suối, chúng tôi phải căng hết sức điều khiển chiếc xe máy thì mới tránh khỏi bị ngã trên con đường gồ ghề những đá sắc nhọn dưới cơn mưa đầu mùa. Cuối cùng, chúng tôi cũng tìm được nhà ông Vũ - người con thứ 5 của á hậu Hoàng Thị Sáu. Trò chuyện, chúng tôi mới biết ông tên thật là Đinh Công Bính, còn Vũ là tên người con trai đầu của ông (ở đây mọi người có tục lấy tên con trai đầu gọi thay tên bố). Qua lời kể của ông và những tư liệu gia đình còn giữ được, chúng tôi mới vỡ lẽ, bà Hoàng Thị Sáu là người đã đoạt giải nhì trong cuộc thi Hoa hậu xứ Mường năm 1942.
Ông Đinh Công Bính - con của á hậu Hoàng Thị Sáu. |
Á hậu Hoàng Thị Sáu sinh năm 1925 trong một gia đình nông dân có kinh tế tương đối khá giả ở xóm Đầm Đa, Hợp Hòa, Lương Sơn (Hòa Bình). Bà là con thứ 6 và cũng là con út trong gia đình nên mọi người thường gọi là Sáu. Từ thuở nhỏ, Sáu đã là cô bé có vẻ mặt thanh tú nhất nhà. Lớn lên, cô trở thành một sơn nữ đằm thắm, làm cho biết bao trai bản đêm đêm đứng chật dưới cầu thang thổi kèn, hát ghẹo, mong có được nàng.
Năm 1942, khi đó Hoàng Thị Sáu 17 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của thì con gái, cô được lý trưởng giới thiệu và đích thân quan chánh tổng về xem mặt. Sau khi gật gù đồng ý, quan chánh tổng phát lệnh của quan trên đúng ngày ấy, tháng ấy, Hoàng Thị Sáu phải có mặt tại địa điểm quy định để tham gia cuộc thi Hoa hậu xứ Mường. Mọi chi phí đi lại quan chịu. Là một sơn nữ, đến việc đi ra đường cái quan còn chưa dám đi, huống chi là đi thi hoa hậu, nhưng lệnh quan trên đã ra ai dám chống lại, vì vậy, bố mẹ cô đã khuyên con gái tham gia kẻo vạ lây đến gia đình.
Đến dự cuộc thi được tổ chức ở châu Lương Sơn, người đẹp Hoàng Thị Sáu đã xuất sắc vượt qua hàng chục thí sinh đoạt giải hoa khôi, tức giải nhì. “Mế tôi vì răng đen chứ không sẽ là hoa hậu năm đó”, ông Đinh Công Bính tâm sự. Những kỉ vật ngày đi thi hoa hậu của cô Sáu đã bị cháy trong một trận càn của Pháp, gồm tấm lụa và bộ xà tích. Dù đoạt á hậu nhưng thi xong, cô vẫn trở về, lên nương, lên rẫy cùng gia đình, sống cuộc sống bình dị và nhanh chóng quên đi cái danh hiệu không mong muốn ấy. Có lẽ vì lý do đó mà cô á hậu này bị rơi vào quên lãng.
Vẻ đẹp “chim sa cá lặn”
Ngày xưa, “những cô hàng xén răng đen, cười như mùa thu tỏa nắng” - nét đẹp nổi tiếng đã đi vào thơ ca mà cụ thể là trong bài thơ “Bên kia sông Đuống” của nhà thơ Hoàng Cầm - là thời thượng và là nét đẹp của các thiếu nữ. Vào đầu thế kỷ XX, những thiếu nữ ở các vùng quê hay ở cả thành thị cứ bước vào tuổi trăng tròn thì ai cũng có bộ răng đen được nhuộm bằng vỏ cây. Răng càng đen thì càng đẹp. Ông Bính kể: “Mế tôi năm 13 tuổi đã được cha mẹ nhuộm cho một bộ răng đen hạt nhãn rất đẹp, răng của bà nhỏ và đều tăm tắp, vì thế bà cũng nổi tiếng vì bộ răng rất đẹp đó”. Năm 17 tuổi, nhan sắc của bà mặn mà khắp bản trên xóm dưới, không ai sánh kịp, mái tóc dài chấm gót được gội bằng lá cây hay, làn da trắng ngần được tắm gội bằng cây khịa (hay, khịa đều là những loại lá cây mà người Mường dùng để tắm gội).
Trong cuộc thi năm ấy, ban giám khảo và những người xem ngây ngất vì vẻ đẹp của bà Sáu. Bà đã được chọn để nhận ngôi hoa hậu. Tuy nhiên, chủ trì ban giám khảo cuộc thi là người Pháp và vì người Pháp không thích răng đen nên dù bà đẹp nhất nhưng cũng chỉ cho bà đứng thứ hai, tức ngôi á hậu. Ông Bính kể: “Ngày ấy, đi thi chẳng có gì đua tranh nên mế tôi cũng chẳng có gì phải buồn, họ cho thế nào nhận thế ấy”.
Có một điều rất lạ là trong số những người đẹp được nhận là hoa hậu, hoa khôi thì cuộc đời của hai hoa hậu nổi tiếng xinh đẹp là Quách Thị Tẻo và Đinh Thị Nụ đều ứng với câu “hồng nhan bạc mệnh”. Còn hai hoa khôi (á hậu) Hoàng Thị Sáu và Hoàng Thị Liên thì có cuộc sống tương đối bình yên, êm ấm và hạnh phúc.
Từ cuộc thi trở về, dưới sự mai mối, bà Sáu trở thành vợ của dòng họ Đinh Công, đó là ông Đinh Công Trú - thư ký của lý trưởng địa phương, hơn bà 8 tuổi. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông Trú về làm ruộng cùng vợ con, sinh sống trên quê hương của mình.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, gia đình bà Sáu nhiều lần phải tản cư vào sâu trong núi (nay là xóm Suối Cỏ). “Khi đó, nơi này là rừng núi rậm rạp, có cả hổ báo, muốn đi đâu phải có cả đoàn người mang theo súng hoặc dao đi rừng mới có thể đi được. Nhà tôi có lần lên nương, chiều trở về đã thấy hổ báo ăn thịt cả hai con bò mộng, xương bò bị cọp tha rải trắng nhà. Lúc đó, cả nhà ai cũng sợ hãi”, ông Đinh Công Bính kể.
Năm 1954, hòa bình lập lại, vợ chồng con cái dắt dúm nhau trở về nhà cũ - đã bị giặc Pháp đốt chỉ còn trơ lại mấy cây cột cái. Được chính quyền và người dân giúp đỡ, ông bà cùng nhau dựng lại nhà cửa để sinh sống. Ông bà sinh được tổng cộng 11 người con, 7 con trai và 4 con gái. Hai người con trai đầu của bà đã hy sinh cho cách mạng, ông bà sống với người con trai thứ 5 đến cuối đời. Á hậu Hoàng Thị Sáu mất năm 2003, hưởng thọ 78 tuổi.
Nhắc đến người mẹ của mình, ông Bính xúc động kể lại: “Khi còn sống, mế tôi thường rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái, đặc biệt là các cô con gái, từ cách đi đứng, ăn nói, đến cách ăn mặc như thế nào để giữ được nếp truyền thống của người Mường”. Có một điều thú vị là bộ răng đen vẫn được bà giữ đến lúc cuối đời, dù sau này ít người để răng đen nữa.
Chúng tôi chia tay ông Đinh Công Bính - hậu duệ của á hậu xứ Mường nổi tiếng một thời - với dinh cơ khang trang, rộng tới cả hécta. Từng đàn ong do ông nuôi trong vườn - mà cũng chính từ tay người mẹ của ông truyền lại - đang hối hả đem mật từ những cánh rừng trở về. Cuộc sống dẫu có nhiều thay đổi nhưng người dân nơi đây vẫn như những con ong chăm chỉ đang tích từng chút mật ngọt cho đời. Cũng như những cô sơn nữ nơi núi rừng heo hút này vẫn đang ngày ngày cần cù, chịu khó với công việc nương rẫy. Họ chính là hoa hậu của núi rừng, của bản làng, của người dân tộc Mường hôm nay, chứ không phải cái danh hiệu “hữu danh vô thực” trong thời kỳ Pháp thuộc trước đây.