Máy bay F-35 của Nhật không hề gửi tín hiệu khẩn cấp khi gặp nạn
(Kiến Thức) - Điều này đồng nghĩa với việc rất có thể phi công trên chiếc F-35 đã không kịp giật ghế phóng thoát hiểm để thoát ra khỏi máy bay trước khi quá muộn.
Tuấn Anh
Xem toàn bộ ảnh
Chiến đấu cơ hiện đại nhất của Nhật Bản chiếc tiêm kích F-35 đã biến mất khỏi màn hình radar trong một buổi bay tập hôm 9/4 vừa rồi. Vị trí cuối cùng của chiếc F-35 này được ghi nhận lại nằm cách thành phố Misawa 135 km về hướng Đông Bắc.
Giới chức quân sự Nhật bản cho biết vụ tai nạn xảy ra khi phi công thực hiện một chuyến bay huấn luyện chiến đấu thường kỳ cùng 3 máy bay khác cùng loại. Ngay trước khi sự cố xảy ra và máy bay đâm xuống biển, phi công đã liên lạc với các đồng đội bay cùng, nói rằng anh hủy nhiệm vụ.
Điều này đồng nghĩa với việc, phía Nhật cũng không thể biết được liệu phi công của chiếc F-35 này có kịp nhảy dù thoát hiểm ra ngoài hay không. Hiện tại, vẫn chưa có bất cứ phỏng đoán nào về nguyên do xảy ra vụ tai nạn này.
Theo các chuyên gia, bay biển là một trong những kỹ năng điều khiển tiêm kích khó nhất, các phi công tiêm kích không phải ai cũng có thể bay biển mà cần phải được đào tạo riêng để có thể nắm được kỹ năng bay này.
Khi bay ngoài biển kể cả vào ban ngày, bầu trời và mặt nước sẽ phản chiếu lẫn nhau và nhất là vào thời điểm trời không có mây, phi công sẽ rất khó phân biệt được đâu là bầu trời và đâu là mặt đất - dễ dẫn tới thao tác nhầm.
Chính vì không có bất cứ mốc địa lý hay đặc điểm địa hình nào để làm điểm chuẩn, việc bay biển gần như phải phụ thuộc vào các thiết bị cảm biến, hệ thống radar trên máy bay và sự dẫn bay từ trạm không lưu.
Trong vụ việc máy bay F-35A mất tích, nó vẫn nằm trong tầm radar của trạm không lưu mặt đất nên nhiều khả năng, sự cố xảy ra do các thiết bị cảm biến trên máy bay đưa ra thông số sai, khiến phi công mất phương hướng và đâm thẳng xuống mặt biển.
Trong trường hợp này, phi công sẽ chỉ nhận ra việc anh ta đang lao thẳng xuống mặt nước ở những khoảnh khắc cuối cùng - nghĩa là không đủ thời gian để phát tín hiệu cấp cứu hay thậm chí không đủ thời gian để giật ghế phóng thoát hiểm.
Hiện tại, Nhật Bản cùng Mỹ đang nỗ lực tìm ra vị trí rơi của chiếc chiến đấu cơ F-35 để thu hồi lại toàn bộ các mảnh vỡ của tiêm kích này trước khi Trung Quốc và Nga tìm thấy chúng. Nếu các mảnh vỡ của F-35 rơi vào tay Bắc Kinh hoặc Moscow, loại chiến đấu cơ tàng hình này nhiều khả năng sẽ bị "lật tẩy" ngay lập tức. Nguồn ảnh: Duckgo.
Mời độc giả xem Video: F-35 cất cánh từ tàu đổ bộ tấn công.