CTCP Cơ điện và Xây dựng Việt Nam (Meco, HoSE: MCG) vừa quyết định lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc đổi tên thành CTCP Năng lượng và Bất động sản MCG.
Đây có lẽ là bước chuyển mới của MCG sau khi có những biến động mới trong cơ cấu cổ đông lớn và sự khác biệt của cổ phiếu.
Cụ thể, ngày 24/9, ông Smit Cheancharadpong (Thái Lan) đã bán 645.600 cổ phiếu MCG, giảm tỷ lệ sở hữu từ 5% xuống 3,75% (1,95 triệu cổ phiếu) và chính thức không còn là cổ đông lớn của MCG.
Đáng nói hơn, trước ngày vị cổ đông lớn người Thái này bán cổ phiếu thì MCG đã có 4 phiên bật trần liên tiếp từ ngày 20/9 đến 23/9 để vọt từ mức giá 3.500 đồng/cp lên 4.570 đồng/cp.
MCG có 4 phiên tăng trần cực bất thường |
Tuy nhiên, phiên sau đó ngày 24/9 lại rớt sàn xuống 4.260 đồng/cp, vẫn ghi nhận mức tăng vọt 42% trong vòng 1 tháng qua. Khối lượng giao dịch bình quân cũng tăng đột biến từ vài chục ngàn đơn vị mỗi phiên lên gần 300.000 đơn vị.
Sự biến động bất thường của MCG diễn ra trong bối cảnh MCG vừa bị Cục Thuế TP Hà Nội cưỡng chế thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hoá đơn do công ty có số tiền nợ thuế và chậm nộp số tiền tới hơn 22 tỷ đồng.
Điều này cũng dễ hiểu khi tình hình kinh doanh của MCG khá bất ổn khi năm lời năm lỗ, và dư âm của những năm lỗ nặng là lỗ luỹ kế hiện tại lên hơn 303 tỷ đồng. 6 tháng 2021 vẫn chìm trong thua lỗ với hơn 15 tỷ đồng.
Bởi thể mà từ năm 2018, MCG đã bị Sở GDCK TP.HCM đưa vào diện kiểm soát do BCTC Hợp nhất soát xét bán niên 2018 của công ty có ý kiến ngoại trừ trọng yếu và điều chỉnh hồi tố số liệu năm 2017 dẫn tới LNST chưa phân phối tại 31/12/2017 âm tới 168 tỷ đồng.
Đến 6 tháng đầu năm 2021, MCG vẫn chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát. Do đó, Sở tiếp tục giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu MCG và sẽ xem xét hướng xử lý tiếp theo căn cứ vào BCTC kiểm toán năm 2021 của Công ty.
Trong khi đó, năm 2021, MCG đặt mục tiêu doanh thu 174 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 6 tỷ đồng. Nhưng với mức lỗ 6 tháng cùng bối cảnh kinh tế chịu ảnh hưởng của đại dịch thì khả năng hoàn thành kế hoạch của MCG khá khó khăn.
MCG có vốn điều lệ 575 tỷ đồng, trong cơ cấu cổ đông chủ yếu là các cá nhân và không có bất kỳ tổ chức nào.
Cơ cấu cổ đông lớn MCG |
Liệu với sự đổi chủ lần này cùng với việc đổi tên và lấn sân sang bất động sản có giúp MCG khởi sắc hơn trong tương lai?