Nhằm ngăn chặn các vụ mất hành lý ở sân bay do trộm cắp, Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành Kế hoạch phòng, chống mất cắp tài sản hành lý ký gửi và hàng hóa vận chuyển đường hàng không.
Vali hành khách VietJet Air bị phá khóa trên chuyến bay VJ902 ngày 23.5 từ BangKok về Nội Bài (Hà Nội) - ảnh hành khách cung cấp |
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đang rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, quy trình, quy định giao nhận, bốc xếp, vận chuyển, lưu giữ hành lý, hàng hóa, nhiên liệu tàu bay trong toàn bộ dây chuyền phục vụ để sửa đổi, bổ sung.
Các biện pháp an ninh phòng ngừa cũng sẽ được siết chặt hơn tại sân bay trong thời gian tới. Cụ thể, các đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra người, phương tiện nội bộ ra vào khu vực hạn chế cảng hàng không, sân bay. Đặc biệt là những nhân viên, phương tiện có liên quan trực tiếp đến phục vụ hành lý, hàng hóa.
Khu vực đảo hành lý, kiểm tra, giao nhận hành lý hàng hóa sẽ được tăng cường tuần tra, giám sát. Các lối ra, vào riêng cho nhân viên, phương tiện nội bộ sẽ được điều chỉnh để hạn chế số lượng lối ra, vào.
Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết, đang phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng của Bộ Công an mở các chuyên án về việc trộm cắp tài sản hành lý, hàng hóa. Đồng thời, thường xuyên trao đổi, nắm tình hình các đối tượng có khả năng trộm cắp, phương thức thủ đoạn để có biện pháp kịp thời; phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Phước Thắng – Chánh Văn phòng Cục Hàng không Việt Nam cho biết: “Không phải bây giờ Cục Hàng không mới có những biện pháp ngăn chặn tình trạng thất lạc, trộm cắp tài sản của hành khách qua đường hàng không. Tuy nhiên, khi xảy ra mỗi vụ việc cụ thể cần rà soát lại hệ thống xem có sai sót gì không. Có thể hệ thống không có vấn đề mà là do con người thực hiện”.
Trước đó, ngày 23/5, sau khi thực hiện chuyến bay VJ902 của hãng hàng không VietJet Air từ BangKok về Nội Bài (Hà Nội), một nhóm hành khách đã tố bị thất lạc hành lý, thậm chí một vali còn bị phá khóa, mất đồ đạc bên trong. Hành khách còn bức xúc về việc nhân viên tiếp nhận xử lý vụ việc không thỏa đáng.
Ông Nguyễn Phước Thắng cho hay, trong các vụ việc cụ thể, các hãng hàng không là đơn vị đầu tiên có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, hỗ trợ khách hàng giải quyết. Khi khách hàng đang bức xúc vì bị mất đồ mà có nhân viên ra trả lời không có trách nhiệm giải quyết thì càng bức xúc hơn.