Mổ xẻ tâm lý sùng bái vàng của người Việt

Theo báo cáo về thị trường vàng Việt Nam của Ngân hàng Standard Chartered vừa công bố mới đây, có 3 nguyên nhân khiến người dân Việt Nam đổ xô vào vàng - đó là văn hóa, lạm phát và niềm tin vào đồng nội tệ thấp.
Cụ thể, các chuyên gia ngân hàng cho rằng, người Việt trải qua những năm tháng chiến tranh kéo dài đã thấm thía được sự nghèo đói nên nhiều người coi vàng là một phương tiện tích lũy đáng tin cậy và tiếp tục mua vào dù giá bất ổn. Nhiều người cũng cho rằng, nắm giữ vàng sẽ tránh được những rủi ro lạm phát, là một biện pháp hữu hiệu để bảo vệ tài sản. Và một nguyên nhân nữa, do người Việt thiếu niềm tin vào đồng nội tệ, nên ưa chuộng vàng và USD hơn.
Thực tế đã cho thấy, người Việt có niềm tin rất lớn đối với vàng. Trong những năm tháng chiến tranh, mặc dù nền kinh tế rất khó khăn nhưng người dân vẫn tích lũy vàng. Lúc bấy giờ, vàng được coi là của để dành, là một phần tài sản cố định của người Việt. Cách đây hơn 10 năm, khi giá vàng chỉ đứng ở mức 5 triệu đồng/lượng, rất nhiều người dân Việt đã đi mua vàng để tích lũy. Khi giá vàng đứng ở mức 40-45 triệu đồng/lượng như hiện nay, tức là gấp 8-9 lần so với trước kia, người dân vẫn không ngừng mua vàng làm tài sản cho riêng mình. Điều này chứng tỏ, sức hút của kim loại quý không bao giờ giảm sút dù kinh tế khó khăn. 
Mổ xẻ tâm lý sùng bái vàng của người Việt ảnh 1
 Ảnh minh họa: Internet

Còn nhớ, cuối năm 2011, trước khi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng ra đời, người dân đã bổ nhào đi mua vàng bằng mọi giá. Ở thời điểm này, giá vàng thế giới dao động mạnh, giá vàng trong nước liên tục giảm so với đỉnh giá vàng trong năm 2011 là 49 triệu đồng/lượng. Báo chí nhiều lần ghi nhận hình ảnh hàng dài người xếp hàng tới những cửa hàng buôn bán vàng bạc để mua được vàng dự trữ. Nhiều chuyên gia cho rằng, do động thái hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước xuống thấp (14% đối với tất cả các ngân hàng thương mại) nên thúc đẩy người dân rút tiền ra mua vàng. Người dân tin rằng, giá vàng chỉ có lên, mua vào để đó cũng không mất gì. Thực ra đây chính là cách phòng vệ của người dân trước lạm phát. Họ so sánh gửi tiền ngân hàng là ít lỗ nhất, nay bỏ vào vàng thì tiền không mất đi mà còn tăng lên.
Gần đây nhất, trong năm nay, khi Ngân hàng Nhà nước tổ chức các phiên đấu thầu vàng, nhằm bình ổn thị trường vàng trong nước, kéo theo mức sụt giảm của giá vàng nội, người dân cũng đổ xô đi mua vàng. Làn sóng mua vàng bắt đầu tăng mạnh từ ngày 16/4 khi giá kim loại quý lao dốc không phanh, xuống dưới 39 triệu đồng/lượng. Thậm chí, khi giá vàng chinh phục mốc 42 triệu đồng/lượng nhưng lượng người mua vàng vẫn không có dấu hiệu giảm "nhiệt". Trên phố vàng Trần Nhân Tông (Hà Nội), các giao dịch vàng trong thời điểm này diễn ra tấp nập, lượng người xếp hàng mua bán vàng rất đông. Đến nay, giao dịch vàng có vẻ trầm lắng hơn nhưng người dân vẫn mang tâm lý "sùng bái" vàng. Thậm chí, nhiều người trắng tay vì vàng vẫn mua vàng để tích lũy lại. Cụ thể như trong những phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng liên tục lên xuống theo ngày, theo từng thời điểm, chuyện mua vào bán ra tức thì là chuyện bình thường. Chênh lệch giá của các ngày cũng khá lớn nhưng người dân vẫn tham gia các giao dịch vàng trong những ngày tiếp theo.
Đã có rất nhiều con số được đưa ra khi ước lượng vàng tích trữ trong dân. Tại Hội thảo khoa học thị trường vàng Việt Nam diễn ra ngày 15/3/2011, Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Hoàng ACB-SJC cho rằng, người dân Việt Nam đang tích trữ khoảng 500 tấn vàng. Còn theo ước tính của Hiệp hội Kinh doanh vàng, lượng vàng trong dân Việt hiện vào khoảng 300-400 tấn vàng, tương đương 20 tỷ USD. Trong khi đó, Hội đồng Vàng Thế giới cho rằng, số vàng ròng cất trữ trong dân Việt lên đến 1.000 tấn, tương đương 45 tỷ USD, bằng 1/2 GDP.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, từ 2009 đến tháng 9/2010, Việt Nam nhập khẩu tới 19,07 tấn vàng (tương đương 500.000 cây), trong khi xuất khẩu là 160,12 tấn vàng (tương đương 42,3 triệu cây), gấp 8,5 lần so với nhập. Vậy lượng vàng thực tế (số dư) sau xuất nhập và lượng tích trữ thực tế trong dân là bao nhiêu? Thị trường vàng tự do đã có giấy “báo tử” chính thức. Khi thị trường vàng miếng bị siết, dân lại chế tác vàng miếng sang đồ trang sức và tiếp tục.. cất trữ. Số lượng vàng thực tế trong dân vì thế sẽ mãi là một ẩn số khó dự đoán chính xác.
Trao đổi với Kiến Thức về vấn đề tại sao người dân Việt Nam lại sùng bái vàng như vậy, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sỹ Kiêm đưa ra 3 lý do: Thứ nhất, do tiền đồng Việt Nam có nhiều biến động, không ổn định như các đồng tiền khác, nên người dân tin vàng sẽ mang lại sự an toàn cao hơn khi đầu tư vào. Thứ hai, do nền sản xuất của chúng ta chưa phát triển nên người dân có tâm lý tích lũy vàng để dành. Vàng được dùng làm của hồi môn cho con cháu của họ. Thứ ba, hệ thống thanh toán ở Việt Nam rộng rãi hơn các nước khác, họ chấp nhận thanh toán cả bằng tiền đồng, bằng vàng và các ngoại tệ. Đối với những người không có tiền mặt vẫn được chấp nhận thanh toán bằng vàng. Nhiều khi vàng còn tiện dụng hơn cả tiền giấy. Như vậy, vàng vừa được dùng như một loại tiền, vừa như một phương tiện cất giữ, trong một số trường hợp, vàng thậm chí còn được coi trọng hơn cả tiền giấy.
Đồng quan điểm với ông Kiêm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã có những giai đoạn phát triển ổn định, cùng với sự ổn định của tỷ giá đồng tiền. Tuy nhiên, có nhiều thời điểm đồng tiền bị mất giá. Trong điều kiện đó, người dân có tâm lý phải có một chút để dành phòng khi khó khăn, cơ nhỡ và vàng là phương tiện thích hợp nhất. Thời gian trước đây, đồng USD cũng được dùng rất nhiều nhưng ngoại tệ này cũng có thời gian biến động mạnh, mất giá. Hơn nữa, cả tiền đồng và tiền USD có thể bị "biến dạng" theo thời gian nhưng vàng thì khó mà mất đi giá trị. Vì thế, vàng có lẽ được coi là ổn định hơn cả trong tích lũy và đầu tư đối với người dân.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói thêm: So với thời gian cách đây 10-15 năm, khi đó giá vàng chỉ vài triệu đồng/lượng, người dân đã đi mua vàng tích trữ. Theo tâm lý của đa số người dân, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, vàng sẽ tiếp tục tăng giá. Và thực tế đã chứng minh, giá vàng hiện nay đã ở mức 40-45 triệu đồng/lượng. Như vậy, đối với vàng, người dân luôn có niềm tin rất lớn, so với các tiền đồng và các ngoại tệ khác. Điều đó cũng lý giải tại sao, khi mà giá vàng lên xuống thất thường, người dân Việt vẫn đổ xô đi mua. 
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU

Tin mới