Để tạo nên món ăn cực phẩm, người ta sẵn sàng ngược đãi con vật. Vì lý do này, đây còn được gọi là món ăn tội lỗi, khi thưởng thức phải dùng khăn trùm đầu, "tránh sự phán xét của Chúa".
Định Tâm (tổng hợp)
Xem toàn bộ ảnh
Món Ambelopoulia còn được gọi là họa mi nướng hoặc sẻ rừng nướng. Món ăn xa xỉ có nguồn gốc từ thời Đế chế La Mã. Không chỉ đắt đỏ, họa mi nướng còn khiến nhiều người rùng mình bởi sự tàn ác tận cùng đối với một sự sống xinh đẹp, mỏng manh. (Ảnh: Istock, minh họa)
Được biết, nguyên liệu của món họa mi nướng không được nhân giống nhân tạo mà săn bắt trong tự nhiên. Những chú sẻ rừng ngon nhất thường khoảng 3 ngón tay, đánh bắt ở những vùng có khí hậu ôn hòa như miền nam nước Pháp hoặc Hi Lạp, sau khi chúng ăn ngũ cốc và côn trùng theo vụ mùa trong năm.
Vốn là loài chim nhỏ, trung bình một con chim có trọng lượng chưa tới 1 lạng – đúng vừa lòng bàn tay. Vậy nhưng, nguyên liệu “đạt chuẩn” cho món ăn họa mi nướng phải là những con chim béo núc.
Vì vậy sau khi sập bẫy, những chú chim sẽ được nhốt trong lồng chật hẹp để hạn chế vận động. Lúc này, người nuôi sẽ liên tục nhồi nhét các loại thức ăn bổ dưỡng như hạt kê, nho khô và quả sung bất chấp chúng có nhu cầu hay không.
Để ép chim ăn nhiều hơn, thậm chí có người kẹp mù mắt để chúng không phân biệt ngày đêm, hoảng loạn mà ăn uống. Sau thời gian vỗ béo 12-28 ngày, những chú chim ban đầu sẽ có kích cỡ to gấp 2-4 lần so với ban đầu, đủ “chuẩn” để trở thành nguyên liệu món ăn.
Trải qua đọa đày, ăn đến bội thực, sự đau đớn vẫn chưa kết thúc. Số phận những chú chim bé nhỏ bi đát đến tận hơi thở cuối cùng.
Trước khi được tẩm ướp gia vị và nướng nguyên con, phần lông của chim sẽ được rút cẩn thận để những chất béo tốt nhất không bị thoát ra ngoài. Tiếp đó, chim sẻ sẽ được nhỏ giọt hoặc dìm trong rượu vang Armagnac.
Những người sành ăn cho rằng việc để chim chết từ từ là cách hoàn hảo để rượu ngấm vào từng thớ thịt, giúp thịt chim đậm ngọt, nướng lên có màu vàng ô liu bắt mắt.
Từ xưa, quý tộc, học giả Châu Âu đã ý thức được Ampelopoulia là một món ăn tội lỗi và độc ác. Dù vậy, họ không thể chống được sự cám dỗ từ những chú chim béo núc, vàng ươm dậy mùi.
Món ăn xa xỉ cũng có cách thưởng thức rất khác biệt. Thực khách không cắt thịt chim bằng dao dĩa mà chậm rãi bỏ cả con chim vào miệng sao, nhai từ từ tất cả các phần từ chân cho đến xương, chỉ bỏ lại đầu.
Cách ăn này giúp thưởng thức trọn vẹn món ăn trong một lần duy nhất, tránh lãng phí vì món ăn không hề rẻ. Thông thường, một con loại trung có giá 65 Euro (khoảng gần 2 triệu VND) ở Châu Âu.
Quá trình ăn, thực khách sẽ dùng 1 chiếc khăn trắng trùm đầu. Ban đầu, chiếc khăn này nhằm mục đích che chắn cảnh thô tục, giúp người ăn không cảm thấy xấu hổ với người xung quanh.
Ngoài ra, chiếc khăn còn có ý nghĩa che đậy cảm giác tội lỗi khi ăn một con vật nhỏ bé, vô hại, tránh được “ánh mắt phán xét của Chúa”. Về sau, việc trùm khăn khi ăn được xem như một nghi lễ và nó có bản chất là tăng sự cầu kỳ và xa xỉ cho món ăn hơn là lý do ban đầu.
Mời độc giả xem thêm video: Lạp sườn Cao Bằng - Đặc sản vùng Đông Bắc. (Nguồn video: VTV24)