Mong em đừng so đo, tính toán

Em ạ, cha mẹ là cha mẹ chung. Con cái ai cũng có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ như nhau chứ không thể so đo, tị nạnh. 

Em đừng nói với anh tại anh ba, chị tư, con út không lo cho má mà vợ chồng mình phải lo. Em cũng đừng cằn nhằn là mình đâu có khá giả gì mà sao lại giành lo hết cho má. Em cũng đừng so bì người có công thì kẻ phải có của vì ai cũng là con của má…

Em ạ, cha mẹ là cha mẹ chung. Con cái ai cũng có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ như nhau chứ không thể so đo, tị nạnh người ít, kẻ nhiều. Chúng mình cứ làm tròn bổn phận đối với má; còn các anh chị, các em khác họ sẽ làm theo khả năng, trách nhiệm của họ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Mình đừng trông chờ, đừng đòi hỏi những người khác phải chung tay đóng góp, phải lo cái này, cái kia cho má. Đơn giản vì bây giờ má có ăn bao nhiêu, mặc bao nhiêu đâu mà mình phải trông chờ người khác phụ giúp? Em không thấy mình lo cho hai đứa nhỏ bây giờ tốn kém, vất vả gấp nhiều lần lo cho má hay sao? Lo cho cha mẹ một chút mà đã kêu ca, tị nạnh như vậy thì có còn ý nghĩa gì đâu?

Anh biết là em bực bội vì các anh chị, các em vô tư hời hợt; thấy em chăm sóc má chu đáo thì cứ ỷ lại vào em, bỏ mặc cho em chăm lo. Có sao đâu em? Má thích ở với mình thì đó là phúc của vợ chồng mình; trong khi các anh chị, các em đâu có được điều đó? Em làm tốt như vậy thì đó cũng là tấm gương cho các con mình noi theo để sau này chúng biết cư xử với mẹ cha.

Anh biết em có vất vả hơn vì phải vừa lo cho cha con anh vừa lo cho má nên anh sẽ giúp em một tay những công việc gì mà anh làm được. Anh sẽ không la cà nhậu nhẹt sau giờ tan sở. Anh cũng sẽ tự bỏ quần áo dơ vô máy giặt, dọn mâm bàn, phụ em nấu cơm, lặt rau…

Vậy đi nghe em. Anh hứa là em thương má bao nhiêu thì anh sẽ thương em thêm bấy nhiêu…

Choáng váng vì con dâu sống quá rành mạch

Ban đầu, tôi cho là tình cờ. Về sau, việc lặp đi lặp lại rất nhiều lần, thì tôi mới biết hóa ra con dâu không muốn nợ nần ai.

Tôi có hai người con, một trai và gái. Trên chồng cháu có chị chồng. So sánh về hoàn cảnh, kinh tế của gia đình chị chồng cháu có phần khá giả hơn, vững vàng hơn một chút. Chị chồng cháu không phải là người hẹp hòi, ích kỷ, chỉ biết bo bo cho bản thân. Vì thế, mỗi khi có dịp chị cháu thường mua tặng các em đồ này thức nọ, khi thì chiếc áo cho mẹ, lúc là cặp sách, đồ chơi cho các con. Tôi nghĩ, chị cho em, bác cho cháu quà cũng là bình thường. Có quan tâm, yêu mến nhau thì người ta mới làm vậy.

Không ngờ, chính những món quà đó lại khiến con dâu tôi phải khổ sở. Cháu cũng ra sức mua quà để… tặng lại, coi như một cách “trả nợ” nhà chị chồng. Nhưng, như thế chưa đủ. Cháu còn để tâm xem món quà đó trị giá bao nhiêu thì khi trả lại cũng phải tương ứng. Có một lần, chị chồng mua tặng em dâu chiếc áo sơ mi. Về nhà, con dâu tôi cũng nhận áo nhưng sau đó thì phải hỏi bằng được… giá tiền chiếc áo thế nào. Ngày hôm sau, cháu đi tìm mua ngay cho chị một thỏi son môi và để cả cái hóa đơn tính tiền xêm xêm trị giá cái áo mang đến tặng chị chồng.

Ban đầu, tôi chỉ nghĩ đó là sự tình cờ. Về sau, sự việc lặp đi lặp lại rất nhiều lần, thì tôi mới biết hóa ra con dâu không muốn nợ nần ai. Sinh nhật con mình, anh chị em tặng quà cho cháu đồ gì, giá bao nhiêu cháu đều ghi nhớ để rồi sinh nhật các cháu, con dâu kiểu gì cũng… tìm cách “trả lại” y chang Nếu ai không tặng thì… đến lượt cháu cũng… sẽ quên để đáp trả. Dần dà, chị chồng cháu ngại, không dám tặng gì cho nhà em trai nữa vì sợ… lại phải nhận quà.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Với bố mẹ chồng cũng vậy. Chúng tôi là ông bà nội lẽ nào không thể bỏ tiền mua cho các con đồ này thức nọ. Nhưng, ông bà tặng rồi thì con dâu lại… tặng lại ông bà khiến chúng tôi chẳng biết nên đối xử với con dâu thế nào. Một lần, tôi bị ốm, phải nằm bệnh viện. Con dâu cũng vào thăm nuôi, mua cho mẹ chồng hộp sữa cân cam. Con dâu về rồi hai vợ chồng tôi nhìn nhau tự hỏi, với quan điểm sống có đi có lại của con, thì ông bà có nên… mua đồ trả lại con không. Bởi biết đâu, con dâu sẽ ‘ghi sổ’ ngày này tặng ông bà thứ này mà sau khi ra viện, chưa thấy ông bà mua lại cho mình thứ gì.

Sau cưới con dâu và con trai sống chung với vợ chồng tôi. Chúng tôi đều đã về hưu, vẫn còn sức khỏe nên cứ hy vọng có thể đỡ đần các con ít nhiều, nhất là trong việc chăm sóc các cháu nội. Nhưng, phải thú thật, từ lúc cháu ra đời đến nay đã 5 tuổi, chúng tôi chưa từng có cơ hội nào để chăm cháu đúng nghĩa. Đơn giản bởi con dâu tôi rất khách sáo, cháu không bao giờ nhờ ông bà nội giúp đỡ cho. Sau khi sinh con phải đi làm, cháu mới 5 tháng đã bị mẹ đem gửi một bác hàng xóm già cạnh nhà. Ai đời chỉ cách nhau có một bức tường, bên này thì bà nội ngồi chơi xơi nước, bên kia thì cháu nội phải đi gửi người ngoài.

Tôi thương cháu mà nói kiểu gì con dâu cũng không chịu để cháu lại cho bà trông. Cháu một mực bảo: “Thôi bà ạ, con chẳng giúp gì cho bà thì thôi, còn bắt bà trông con cho con. Bây giờ, bà và ông cứ an tâm vui tuổi già, thích làm gì thì làm, xem phim thì xem. Con nhờ người ngoài cho tiện”. Đến lúc cháu nội đủ tuổi đi học mẫu giáo con dâu lại nhất quyết gửi con vào trường tư thay vì trường công chỉ bởi một lý do duy nhất: ở trường tư có dịch vụ trông trẻ ngoài giờ.

Con dâu con trai tôi đều bận rộn, nhiều hôm tối xẩm mới tan làm, nếu gửi ở trường công phải đón lúc 4h 30 là không thể. Nhưng, khó gì đâu, tôi và ông cháu đều có thể đưa đón cháu thay mẹ nó được mà. Một lần nữa, con dâu tôi lại không chịu. Cháu thà đóng thêm tiền ở trường tư để họ trông thêm con cho tới khi cháu về tới nơi.

Cứ như vậy cái gì làm được là con dâu kiên quyết tự làm. Sống cùng một nhà mà chưa bao giờ con mở lời mẹ ơi giúp con cái này, hộ con cái kia. Thương con, tôi toàn phải là người “xin việc” trước nhưng phần lớn đều nhận ở con cái khoát tay, lắc đầu “con không phiền ông bà”. Chồng tôi nhiều lúc bực bội, chẳng biết nói với ai bèn quay sang mắng tôi: “Thôi, ăn có mời, làm có khiến, nó cần phải nhờ bà. Đằng này, bà xin mà nó còn mắng cho. Thôi thì kệ, xem nhà nó tự lập được tới mức nào”.

Quả đúng, con dâu tôi quyết tâm “tự lập” trong mọi việc thật. Thường ngày, chúng tôi chỉ giao tiếp mỗi lúc ăn cơm tối, còn sau đó, con dâu tôi lên phòng, đóng cửa lại. Nhiều hôm cháu nội ốm, khóc cả đêm, tôi chạy lên xem cháu thế nào thì con dâu chỉ bảo: “Bà cứ nghỉ, con tự lo được”. Thậm chí kể cả khi đã mệt rũ, cháu cũng không nhờ vả bà thay phiên cho. Lại có lần, tôi thấy cháu nội về nhà phàn nàn cô giáo nhắc mẹ đóng tiền học mà mãi mẹ không đến đóng. Tôi hỏi thì con dâu mới thú nhận hóa ra mấy tháng qua con dâu bị chậm lương, chồng cũng đang gặp khó khăn nên hiện chưa có tiền. Không chỉ cháu nội bị thiếu tiền học mà các khoản khác của con cũng đều bị cắt giảm.

Tôi sửng sốt, trách con sao không nói với bố mẹ một tiếng. Chúng tôi già nhưng vẫn có lương hưu, có chút tiền tiết kiệm, lẽ nào không thể đưa cho con hay sao. Con dâu tôi giải thích: “Không, con tự lo được. Bố mẹ cứ an tâm”. Quả nhiên sau đó, tôi thấy con gọi điện tứ tán để vay tiền. (chắc là con ngại khi bố mẹ biết chuyện kinh tế gia đình con đang gặp khó). Mọi việc rồi cũng xong nhưng sao tôi thấy xót xa vô cùng. Chẳng lẽ, con dâu thà vay người ngoài chứ không chịu làm phiền người thân.

Tôi cứ giữ mãi tâm tư trong lòng, mới rồi định bụng đợi con dâu về thì nói thẳng hết cho con nghe. Tối đó, cơm nước xong xuôi, tôi mới nhẹ nhàng lên phòng con, nhưng vừa tới cửa thì nghe tiếng con dâu đang nói chuyện với ai đó. Đầu dây bên kia chắc là của một cháu nào đó mới lập gia đình. Con dâu tôi nói: “Em nhé, có một bí quyết là ngay từ đầu phải rành mạch với nhà chồng. Tuyệt đối không nhờ vả, không xin xỏ bởi mình nhờ họ một chút là sau rách việc lắm. Có khi nhờ đón con một buổi mà sau này về già, ông bà cứ kể hoài là nhờ có ông bà cháu mới được thế này. Lúc đó, mình há miệng mắc quai. Chi bằng tự thân vận động. Đố ông bà nào dám kể công. Nợ tiền thì dễ chứ nợ tình thì khó trả lắm em ạ”…

Im lặng một lát, chắc là nghe cô bạn tâm sự gì đó, con dâu tôi lại nói tiếp: “Chủ trương của chị là sống biết điều, không lạnh lùng nhưng cũng không quá vồ vập. Ai cho sao thì mình trả lại vậy”.

Tôi nghe đến đây thì chẳng còn biết nói gì với con dâu được nữa. Con dâu ơi, liệu con có thể nghĩ rằng, sống rành mạch là có thể trả hết nợ ân tình của bố mẹ?

Chỉ vì tôi quá yêu mới ra nông nỗi này...

Không lẽ chỉ vì quá yêu anh mà giờ đây tôi ra nông nỗi này? Anh đã phản bội tôi để theo người con gái khác

Những lời đồn đãi đã thành sự thật: Vinh yêu người khác. Chỉ khi tận mắt chứng kiến tôi mới tin điều đó là sự thật. Vậy mà trước nay anh vẫn chối mỗi khi tôi đề cập chuyện này.

Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận được nỗi đớn đau của sự phản bội. Những gì Vinh đang làm với cô gái kia, anh cũng đã từng làm với tôi: Kéo ghế ngồi, lau chén đũa, gắp thức ăn, âu yếm hỏi han xem thức ăn có ngon miệng không, nhìn đắm đuối như muốn nuốt chửng người con gái mình yêu… Chỉ khác là người thanh toán tiền chính là Vinh chứ không phải tôi.

Tất cả những điều đó đã khiến máu nóng trong người tôi bốc lên. Tôi đứng bật dậy bước nhanh ra cửa. Tôi chờ họ ở đó. Tất nhiên không phải để chúc mừng mà là để tát vào mặt kẻ đã giật người yêu của mình. Bị bất ngờ cô ta hứng trọn mấy cái tát tai và kêu ré lên.

Khi Vinh dắt xe ra tới thì tôi đã xử xong. Tôi nói với cô gái kia: “Đừng để tôi bắt gặp một lần nữa. Liệu hồn!”. Rồi tôi quay sang Vinh: “Anh giỏi lắm”. Tôi quay đi không chờ nghe anh trả lời.

Đến lúc đó tôi mới chảy nước mắt. Tôi nghĩ mình không đáng bị đối xử, bỏ rơi như thế sao khi đã toàn tâm, toàn ý yêu thương, chăm lo cho Vinh trong một thời gian dài. Chỉ vì quá yêu anh nên tôi không nhận ra sự thay đổi, mà tôi ra nông nỗi này…

Khi anh ở quê lên, dù lúc ấy chưa hẳn là yêu nhưng tôi đã lo lắng cho Vinh từng chút từ lọ mắm ruốc, bịch chà bông, chai nước tương, cái khăn tắm… Lúc ấy tôi nghĩ đó chỉ là sự chia sẻ của một người bạn có điều kiện hơn đối với bạn bè khó khăn hơn mình.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Rồi chính Vinh đã ngỏ lời yêu tôi sau hơn 1 năm quen nhau. Tất nhiên là tôi đã sung sướng nhận lời. Từ đó, tôi chăm sóc anh còn nhiều hơn trước, thậm chí tiền nhà trọ của anh tôi cũng trả. Tôi nhờ chị giúp việc làm đồ ăn mang tới cho Vinh, lấy quần áo của anh về nhà giặt ủi, dọn dẹp phòng ốc cho anh… Thậm chí trong thời gian hai đứa học thi, tôi còn mua sâm để bồi dưỡng cho Vinh vì sợ anh thức khuya bị mệt…

Tôi chẳng lo gì cho bản thân mình mà lúc nào cũng chỉ nghĩ đến Vinh. Đơn giản là chỉ vì tôi quá yêu anh, một tình yêu thật tội nghiệp. Đến năm thứ tư, tôi chính thức nói với ba mẹ về tình yêu của hai đứa. Ba tôi chỉ dặn dò: “Gì thì gì cũng phải thi tốt nghiệp cho tốt rồi mới tính chuyện khác nghe con. Hỏi nó coi có muốn ở lại thành phố làm việc không để ba tính…”.

Tất nhiên là Vinh rất phấn chấn khi nghe tôi kể lại điều này. Anh bảo: “Anh sẽ cố gắng để có kết quả thi thật tốt. Như vậy mới dễ xin việc…”. Kết quả là Vinh ra trường với tấm bằng loại giỏi. Ba tôi đã xin cho anh vào một công ty danh tiếng mà một người bạn của ba làm giám đốc. Mọi việc đối với Vinh sau đó rất thuận lợi. Chỉ mới 2 năm làm việc mà Vinh đã được đề bạt làm tổ trưởng tổ kỹ thuật của công ty. Anh nói với tôi: “Giám đốc hứa sẽ cho anh đi tập huấn ở nước ngoài một thời gian”. Tôi nghe vậy thì rất mừng, động viên anh cố gắng hơn nữa vì đối với đàn ông, sự nghiệp là quan trọng.

Vinh đi tu nghiệp ở nước ngoài 6 tháng. Trở về anh lại được nâng lương. Tôi nghĩ những điều đó không đơn thuần chỉ là quan hệ quen biết mà nó còn do tài năng đích thực của Vinh vì dẫu có quen biết mà làm việc không ra gì thì người ta cũng sẽ không hậu đãi như vậy. Có lẽ chỉ vì quá yêu nên tôi chỉ nhận ra những mặt tích cực nơi con người ấy.

Cho đến một ngày, ba tôi nhắc: “Con nói thằng Vinh đưa cha mẹ tới tính chuyện của hai đứa đi. Giờ cũng không còn sớm sủa gì nữa”. Đến lúc ấy tôi mới giật mình. Thời gian trôi qua nhanh quá. Mới đó mà chúng tôi ra trường đã 5 năm. Nếu tính cả thời gian quen nhau từ khi mới vào đại học thì chúng tôi cũng đã có gần 10 năm biết nhau. Tôi nghĩ, đúng là không còn sớm để tính chuyện hôn nhân.

Tôi nói với Vinh điều này. Anh thoáng chau mày: “Gì mà gấp vậy em? Anh còn một vài kế hoạch phải thực hiện…”. Tôi nói rằng cứ cưới đi, xong rồi anh muốn làm gì đó thì làm, chẳng có gì trở ngại. Nhưng Vinh vẫn chần chừ…

Và giờ thì tôi biết rõ nguyên nhân của sự chần chừ ấy. Vinh đã có người con gái khác trẻ, đẹp hơn tôi. Khi phát hiện điều này, tôi chết điếng. Thoạt đầu tôi không tin bởi tôi nghĩ với ân tình của tôi bao nhiêu năm qua thì không bao giờ Vinh có thể dứt bỏ tôi để chạy theo người khác. Vinh cũng không phải là người cạn nghĩ.

Vậy mà sự thật đúng như thế. Tôi đã thấy họ đi với nhau không chỉ một lần. Mỗi lần như vậy, trái tim tôi như bị cứa một nhát dao. Và rồi tôi quyết định cảnh cáo cô gái kia. Tôi còn nhờ người đón đường đe dọa để cô ta sợ mà rời xa người yêu tôi ra. Chưa hết, tôi còn định nói với ba tôi mọi chuyện để ông chặn mọi nẻo đường tiến thân của Vinh, may mà tôi chưa kịp nói, cũng chỉ vì quá yêu anh, nếu không chắc ba tôi sẽ tức giận và chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra…

Mọi biện pháp của tôi đã có hiệu quả. Vinh gọi điện hẹn gặp tôi để nói chuyện nghiêm túc. Khi gặp nhau, anh vẫn kéo ghế cho tôi ngồi, ân cần gọi cho tôi thứ nước ép cà rốt mà tôi ưa thích, hỏi tôi có khỏe không… Anh làm như chẳng có chuyện gì xảy ra…

“Anh muốn nói gì, nói đi” - tôi lại là người chủ động vì chờ mãi chẳng nghe Vinh nói gì. Đến lúc đó Vinh mới mở lời: “Trước tiên, anh xin lỗi và mong em bỏ qua chuyện vừa rồi. Anh bị say nắng thôi. Hãy cho anh cơ hội để chuộc lỗi với em…”.

Thoạt nghe Vinh nói vậy tôi rất cảm kích. Làm lỗi mà biết nhận lỗi thì đáng khen hơn đáng giận. Tuy vậy, tôi vẫn chưa hứa hẹn gì. Tôi bảo Vinh: “Để em còn coi mức độ hối cải của anh đến đâu…”.

Đêm đó về tôi lại thấy cuộc đời lại đáng yêu như trước. Tôi lại phấn chấn vẽ ra viễn cảnh tương lai của hai đứa. Chắc không lâu nữa, tôi sẽ được làm cô dâu… Nghĩ đến đó, tôi cứ trằn trọc không ngủ được. Mẹ tôi nói, con gái cỡ tuổi tôi làm cô dâu thì vẫn còn đẹp chứ thêm vài năm nữa thì không còn tươi tắn… Tất nhiên là sau đám cưới, chúng tôi sẽ hoàn toàn tự do thuộc về nhau. Dù đã không thể giữ gìn cho đến đêm động phòng nhưng tôi vẫn hạnh phúc bởi người đầu tiên tôi trao thân cũng chính là chồng mình.

Đêm đó tôi mang cả những ước mơ hạnh phúc vào trong giấc ngủ. Và vì là ước mơ nên nó cũng ngắn ngủi. Mấy hôm sau tôi nghe ba nói: “Thằng Vinh có khi lại sắp được lên chức. Nghe bên đó người ta khen nó lắm và hỏi ba xem có nên bố trí nó vào một chỗ quan trọng hơn không…”.

Tôi ngờ ngợ đoán ra sự xuống nước của Vinh. Có phải đây chính là nguyên nhân hay không? Nếu vậy thì tôi còn phải tiếp tục theo dõi xem thiện ý của anh đến đâu…

Đúng như tôi đoán. Ngay khi nhận quyết định thăng chức, Vinh đã quên ngay lời hứa. Anh không gọi điện, không nhắn tin, thậm chí còn tổ chức bạn bè đi chơi ở Vũng Tàu mà không hề nói cho tôi biết. Khi tôi gọi điện trách móc, anh gay gắt: “Anh đâu phải là nhân viên của em mà mỗi việc phải báo cáo? Chưa là gì mà đã muốn quản người ta như vậy sao?”.

Hóa ra trong suy nghĩ của anh, tôi chưa bao giờ là gì cả! Tôi đã mất gần 10 năm tuổi thanh xuân theo anh để giờ đây nhận được một câu nói phũ phàng như vậy. Bất giác tôi thấy một nỗi chán chường choáng ngợp trong lòng. Tôi thật sự không còn tha thiết gì đến mối tình cay đắng của mình…

Đã 2 tuần nay tôi không gọi điện cho Vinh. Anh cũng không gọi cho tôi. Điều đáng nói là tôi cũng không còn muốn theo dõi, tìm hiểu xem anh đi đâu, làm gì, với ai…

Không lẽ tình yêu đã chết trong tôi rồi sao? Không lẽ chỉ vì quá yêu anh mà giờ đây tình cảm của chúng tôi ra nông nỗi như vầy?

Tôi biết phải ăn nói thế nào với ba mẹ tôi đây nếu họ hỏi về chuyện của hai đứa? Chưa kể nếu ba tôi nổi giận thì với ảnh hưởng của mình, ông dư sức làm cho Vinh mất hết mọi thứ.

Tôi thấy mình quá mâu thuẫn khi vừa muốn dứt bỏ, lại vừa muốn níu kéo. Tôi phải làm sao đây?

Tin mới