Đó là đám cưới của chú rể Nguyễn Thế Quy và cô dâu Thu Phượng ở thôn Xuyên Tây, Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Một đám cưới đặc biệt khi cô dâu và chú rể song hành trên chiếc xe lăn kết hoa và những chùm bong bóng hình trái tim rực hồng xuyên qua cánh đồng quê đang mùa xanh mướt mạ non.
Lễ cưới đặc biệt trên xe lăn của cô dâu chú rể. |
Đám cưới diễn ra hôm 8.3, nhưng đến hôm nay trên mạng xã hội Facebook còn lan truyền những thước phim, hình ảnh xúc động của đám rước dâu.
Người dân ở Xuyên Tây từ lâu đã quen với hình ảnh cậu bé Quy tật nguyền, chân tay cong quèo, mặt ngửa lên trời cười ngặt nghẽo, lê lết trên con đường đầy bụi đất để bò đến trường xem bạn đi học. Rồi theo năm tháng, hình ảnh ấy cũng lớn dần khi Quy ngồi trên chiếc xe lắc tay với mớ hương trầm đi bán dạo.
Lắm lúc lên cơn động kinh, sùi bọt mép, xe lăn đứng sựng giữa đường... Nhưng ấn tượng là cậu bé này không bao giờ nhận lòng thương hại, bố thí của người qua đường, ngoài việc ủng hộ mua hương.
Ông Nguyễn Thế Quyền - bố của Quy, cựu chiến binh trở về từ chiến trường K - cho biết: “Bạn cùng đại đội tôi có ít nhất 8 đứa bị ảnh hưởng nặng nề và bộc phát những di hại của chất độc da cam/dioxin. Tôi tưởng mình may mắn hơn, nhưng không ngờ có đến 2 đứa con phải gánh bệnh thay cha. Thằng Quy vừa sinh ra, lành lặn nhưng lại chết lịm đi gần 1 giờ đồng hồ. Nhiều lần cấp cứu, nuôi lồng kính 4 tháng thì bác sĩ mới cứu được.
Nhưng niềm tin về sự nhiệm màu đã vỡ vụn khi cháu lên 3 mà vẫn nằm bất động tại chỗ. Lên 6 tuổi, chân tay co quắp, đầu cổ quặt quẹo. Đến giọng nói, nụ cười cũng không được tròn môi, rõ tiếng. Gánh nặng của gia đình nông dân với 4 đứa con thơ dại lại chồng chất khó nhọc bởi có đến 2 đứa tật nguyền đã chia lìa gia đình tôi. Mẹ của Quy đã bỏ nhà ra đi khi cháu mới 11 tuổi. Lúc ấy cháu cũng chỉ mới biết ấm ớ, bò lết trên nền đất lạnh. Thương cháu, chị gái goá bụa của tôi đã đem về nuôi”.
Quy không thiểu năng. Trí não của em vẫn phát triển bình thường, xúc cảm lành lặn và tràn đầy yêu thương. Nhưng bề ngoài tật nguyền đã ngăn bước em đến trường, chung lớp với các bạn. Kiến thức học được của Quy chỉ là nghe lóm qua khung cửa sổ trường làng.
Biết được chữ để đọc sách đã là khó, Quy viết được chữ càng quá sức tưởng tượng của mọi người. Nhìn Quy xoay người, đầu bị đập xuống tận sàn, vách tường, lấy cả thân mình đè cuốn vở rồi ráng gân để cầm bút bằng tay mà ai nhìn cũng toát cả mồ hôi. Mỗi chữ em viết ra được phải mất đến vài phút và mệt lả cả người. Khi chuyển sang tay, phải mất cả bó bút chì Quy mới viết được vài chữ mỗi ngày. Bởi vậy, em đã dồn tiền bán hương, mua máy vi tính rồi tự mày mò học.
Nhưng điều lay động lòng người hơn không chỉ chứng kiến cảnh Quy chiến đấu số phận, tự học hỏi, lê lết tấm thân tàn khắp các nẻo đường quê Duy Xuyên, Quảng Nam để bán hương nuôi thân suốt quảng tuổi thơ bị ruồng bỏ, mà còn xúc động nghị lực vươn lên không mệt mỏi từng ngày để mưu sinh và khát vọng, trở thành một nhà thơ, với bút danh Ve Sầu.
Thơ của Quy không hay, nhưng tràn đầy tình người. Nó chứa chan tình yêu quê hương, gia đình, bè bạn, là những khát vọng cháy bỏng, là niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống. Những vần thơ chân chất và đầy nghị lực như chính Quy. Đáng khâm phục hơn khi biết Quy chưa từng được đến trường, chưa từng học hành, ngay cả quãng đời ấu thơ, tật nguyền cũng thiếu bàn tay chăm bẵm của bố mẹ. Đói thiếu cả cơm ăn áo mặc, vậy mà vẫn yêu đời, làm thơ.
Bởi vậy, ngày cưới của em mọi người đều rơi nước mắt. Đó là những dòng nước mắt hạnh phúc, chúc mừng cho hai em.