Ngày 8/1, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Quận 1, TP.HCM xin từ chức vì không dẹp được vỉa hè, "không thực hiện được lời hứa trước nhân dân" đã tạo nên nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Ngay trong chiều 8/1, phóng viên VOV đã trao đổi với Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Lê Ninh -Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học – kỹ thuật – môi trường thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM về vấn đề này.
Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Lê Ninh, ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học – kỹ thuật – môi trường thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM. |
- Ông đánh giá thế nào về hành động nộp đơn từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải - Phó chủ tịch UBND Quận 1 (TP.HCM) với lý do "Vì không dẹp được vỉa hè, không thực hiện được lời hứa trước nhân dân”?
- Khi biết được thông tin ông Đoàn Ngọc Hải từ chức, đầu tiên tôi nghĩ là ông Hải có lòng tự trọng. Ông ấy hứa nếu không làm được thì cởi áo ra về nên ban đầu, chưa cần phân tích đúng sai, tốt xấu nhưng đã hứa và không đạt mục tiêu và từ chức thì ông ấy có tự trọng chứ không như một số người đeo đẳng, phân bua, đổ thừa.
Tôi đánh giá cao lòng tự trọng. Trong một số hoạt động của ông Hải thì mục tiêu là tốt nhưng cách tiến hành máy móc, đôi khi còn thể hiện quyền hành, quyền trong phạm vi hành chính mà thiếu đi vốn kiến thức xã hội.
- Trong đơn từ chức, ông Hải cũng cho biết lý do không thể thực hiện được lời hứa trước dân là do “quá trình xử lý lấn chiếm vỉa hè lòng đường đã đụng chạm đến lợi ích to lớn của các chủ bãi giữ xe, nhà hàng, khách sạn, các hộ kinh doanh mặt tiền... và một bộ phận không nhỏ cán bộ cộng sinh trong đó”. Đây chính là áp lực ông ấy không thể vượt qua. Theo PGS – TS Nguyễn Lê Ninh, câu chuyện này còn nói lên điều gì? Là do năng lực quản lý của cán bộ hay do nhóm lợi ích “vỉa hè” kia quá mạnh?
- Theo tôi, ông Hải phân tích như thế chứng tỏ ông đã nhìn ra vấn đề.
Tôi cho công tác giáo dục cán bộ Đảng viên đi không kịp thời đại nên để xảy ra những cái gọi là nhóm lợi ích, vì đồng tiền. Rất tiếc là Nhà nước đã không kịp thời chấn chỉnh, giáo dục và ai có điều kiện thì tranh thủ, dẫn đến cá nhân chủ nghĩa thắng lợi.
Những người có quyền mà không giữ phẩm chất đạo đức thì lại càng dễ lợi dụng quyền, điều kiện làm việc để lúc đầu là ăn kín, sau thì ăn lộ liễu.
Ông Đoàn Ngọc Hải trong một lần dọn dẹp vỉa hè. |
Ông Đoàn Ngọc Hải đã nhìn ra vấn đề nhưng ông bất lực và một mình không thể làm được gì. Nếu cả xã hội không vào cuộc, cả một đội ngũ cán bộ không làm gì thì mình ông Hải không thể làm được.
-Thưa Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Lê Ninh, một cán bộ từng tuyên bố "không ngại đụng chạm" và quyết tâm tuyên chiến với nạn lấn chiếm vỉa hè nhưng cuối cùng vẫn phải chịu “cởi áo từ quan”, theo ông, câu chuyện này cho thấy rõ thực tế gì?
- Tôi cho rằng, thành phố giao cho phường nhưng tầm nhìn còn hạn chế, toàn thành phố không đồng bộ thì mình ông Hải làm được gì. Cái này phải có chủ trương, cái nhìn toàn cục vì TP.HCM là thành phố đông dân nhất cả nước, số người nhập cư và vãng lai là 4 triệu người, nhiều người nhập cư từ nông thôn, không có nghề nghiệp đến đây để kiếm ăn thì làm gì có cơ sở sản xuất, có nhà để mở quán ăn…nên phải bán vỉa hè. Đây là bối cảnh vỉa hè và bối cảnh thế muốn dẹp phải có thời gian.
Đây rõ ràng là vấn đề qui hoạch thành phố. Chúng ta đã không kịp thời nhận ra vấn đề, tầm nhìn không theo kịp sự phát triển của thành phố. Đây là điều kiện tồn tại khách quan, không thể phê phán bởi đâu ai trải qua đâu mà biết. Nhưng nếu các cán bộ quản lý thành phố thực sự tập trung trí tuệ, tìm ra phương pháp quản lý thành phố hợp lí chừng nào thì đỡ chừng đó.
Ví dụ như những người bán rong dựa vào đó mà sống thì mình tạo nghề khác người ta. Cái cuối cùng là kiếm được tiền thì bây giờ nếu có nghề khác sướng hơn, đàng hoàng, ổn định hơn thì ai lại không thích.
Nói thì là lý thuyết nhưng mà rõ ràng đây là tầm nhìn. Chỉ có điều là chúng ta phải đi trước một bước chứ đừng có chạy theo. Rõ ràng bây giờ thành phố “nở ra” đến đâu, chúng ta chạy theo đến đó chứng tỏ cán bộ không theo kịp sự phát triển của thành phố, không thể nói khác được.
PV:Xin cảm ơn ông!./.