Cạn kiệt nguồn thức ăn
Theo ông Hoàng Thanh Vân- Cục trưởng Cục Chăn nuôi, theo thống kê quý I năm nay, số lượng các loại gia súc gia cầm cao hơn năm ngoái, đặc biệt lợn tăng hơn năm ngoái khoảng 5%, giá cả cũng ít biến động. Tuy nhiên, do ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn ở các tỉnh phía Nam hiện nay khoảng 1,2 triệu con đại gia súc có khả năng chết đói trong thời gian tới.
“Cục Chăn nuôi đã có hướng dẫn đối với các tỉnh để có biện pháp xử lý, đặc biệt là sự hỗ trợ lẫn nhau giữa sử dụng rơm, rạ, cỏ khô, nhưng cũng rất khó khăn. Hiện nay, các tỉnh báo cáo về, ở một số địa phương các tỉnh phía Nam, nông dân đang có ý định giảm bớt số lượng đàn gia súc (bán bớt)”- ông Vân nói.
Người dân xã Tân Xuân (Ba Tri, Bến Tre) phải pha nước ngọt lẫn mặn cho bò uống qua ngày. Ảnh: H.X |
Trong ngày 21/3, theo ghi nhận của phóng viên NTNN tại huyện Ba Tri (Bến Tre), nhiều hộ nông dân phản ánh trước đây số lượng rơm tại địa phương đủ cung cấp cho khoảng 80.000 con bò trong khoảng 3 tháng (sau khi thu hoạch lúa, người dân chất đống trữ lại cho bò ăn dần). Nhưng giờ đây, lượng bò này phải trông chờ vào nguồn rơm từ các địa phương khác chở về.
Ưu tiên nguồn nước cho đàn gia súc
Bộ NNPTNT đã chỉ đạo chặt chẽ công tác kiểm tra, đánh giá hiện trạng nguồn nước trữ ở các hồ thuỷ lợi, thuỷ điện, dự báo diễn biến hạn hán, thiếu nước tại từng lưu vực sông để thông báo cho các địa phương làm cơ sở chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chế độ canh tác phù hợp với khả năng bảo đảm nguồn nước, ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt, chăn nuôi gia súc.
Trước mắt, Cục Chăn nuôi cũng khuyến cáo các địa phương có đàn gia súc lớn cần khẩn trương di chuyển xuống các vùng có nhiều nước nhằm tránh cho gia súc bị nhiễm bệnh khi uống phải nước mặn.
Bà Lê Thị Chín ở xã Tân Xuân, huyện Ba Tri cho biết: “Gia đình tôi có 9.000m2 đất lúa. Sau mỗi vụ thu hoạch, tôi trữ rơm lại vừa đủ cho 8 con bò ăn. Tuy nhiên, do hạn, mặn làm cho diện tích lúa bị thiệt hại hoàn toàn từ khi mạ non nên tôi đành phải đi mua rơm với giá 30.000 đồng/bó (14kg). Gia đình tôi cũng phải đổi nước ngọt hàng ngày để cho bò uống”.
Cũng như bà Chín, ông Nguyễn Văn Đỗ (ngụ cùng xã Tân Xuân) chia sẻ: “Tôi nuôi 12 con bò. Nhiều năm qua, với 3.000m2 lúa của gia đình, tôi cắt rơm cho bò ăn sau khi thu hoạch lúa. Riêng năm nay tôi phải mua rơm bên ngoài vì lúa bị chết rụi hết rồi. Ngoài mua rơm, tôi còn phải đổi nước với giá 100.000 đồng/m3 về pha với nước mặn để cứu đàn bò”.
Hiện nay nhiều địa phương thuộc tỉnh Bến Tre cũng đã xuất hiện tình trạng lợn bị bệnh do nước mặn gây ra. Theo ngành nông nghiệp huyện Ba Tri, đã ghi nhận nhiều trường hợp lợn có hiện tượng tiêu chảy và các bệnh ngoài da, chậm lớn do sử dụng nước mặn, nguồn nước ô nhiễm. Ghi nhận nhiều trường hợp nhất là xã Tân Hưng, nơi có đàn lợn lớn nhất huyện với khoảng 3.200 con, chiếm gần 30% tổng đàn.
Người nuôi thủy sản cũng điêu đứng
Trước tình hình hạn mặn gay gắt, gần 500 hộ dân ở 2 xã Thừa Đức và Thới Thuận thuộc huyện Bình Đại (Bến Tre) đang khẩn trương khai thác, bán nhanh số hàu có kích cỡ lớn. Đồng thời, san thưa các giàn hàu nhỏ hoặc di dời đến vùng nước có độ mặn an toàn, thu gom toàn bộ giàn có hàu chết để tránh gây ô nhiễm môi trường vùng nuôi.
Theo ông Huỳnh Văn Cung - quyền Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bến Tre, chi cục đang hướng dẫn người dân khắc phục hậu quả hàu chết (tổng thiệt hại khoảng 2.600 tấn hàu). Nguyên nhân xác định ban đầu là do thời tiết nắng nóng kéo dài, cùng với độ mặn trong nước quá cao (từ 34 - 37‰) so với ngưỡng chịu đựng của vật nuôi này (thấp hơn 25‰).
Cũng như Bến Tre, ngành chức năng huyện Trà Cú (Trà Vinh) cũng đang khẩn trương thống kê diện tích ao nuôi cá lóc của người dân bị thiệt hại do độ mặn tăng cao. Theo ghi nhận ban đầu, diện tích cá lóc bị thiệt hại tập trung ở 3 xã gồm Hàm Tân, Đại An và Định An. Trong đó, chỉ riêng xã Định An cũng đã có 14 hộ dân có ao nuôi bị thiệt hại.
“1 tháng nữa, ao cá lóc 800m2 của gia đình tôi mới thu hoạch, xuất bán nhưng hiện nay có hàng trăm con nổi lừ đừ trên mặt nước, tôi phải dùng vợt bắt lên bờ, nhằm hạn chế lây lan bệnh. Những con cá này có tình trạng chung là vảy, vây bị ghẻ lở, tổn thương toàn thân” - ông Nguyễn Văn Hải, ngụ ở ấp Rạch Cá, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, than vãn.
Anh Võ Văn Lào - cán bộ nông nghiệp xã Định An thông tin, nhằm cứu vãn tình thế, nhiều hộ nuôi cá lóc chấp nhận “bấm bụng” bán cá non.
Theo Phòng NNPTNT huyện Trà Cú, cán bộ nông nghiệp huyện đang rà soát, thống kê thiệt hại của những hộ dân nuôi cá lóc. Trong số những hộ dân bị thiệt hại có nhiều hộ nuôi tự phát không theo quy hoạch (do giá cá lóc tăng, lợi nhuận cao trong vài năm qua). “Theo dự báo độ mặn sẽ còn kéo dài cho đến tháng 6 nên cá lóc sẽ tiếp tục chết, số thiệt hại sẽ còn tăng” - ông Huỳnh Văn Thảo - Trưởng phòng NNPTNT huyện Trà Cú cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng phòng NNPTNT huyện Mỏ Cày Nam khuyến cáo: “Người dân có thể pha nước ngọt lẫn mặn dưới mức cho phép, cụ thể là độ mặn cho bò dùng dưới 7‰; lợn dưới 4‰ và gia cầm dưới 2‰.
Mời quý độc giả xem video: