Khi vay mua ôtô trả góp tại ngân hàng hiện nay, theo thỏa thuận ngân hàng giữ giấy tờ gốc, khách được cấp bản sao có chứng thực. Tuy nhiên, người dân tham gia giao thông đang lo lắng vì thông tin sẽ bị phạt nếu không xuất trình được giấy tờ xe bản chính theo yêu cầu.
Giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại tại TP.HCM cho biết mấy ngày nay khá nhiều khách hàng gọi điện, lo lắng trước thông tin cơ quan công an yêu cầu phải giữ giấy tờ gốc để tham gia giao thông theo quy định.
"Giấy tờ gốc thì chỉ có một"
Anh Văn Huân (30 tuổi, quê Hưng Yên) cho biết trước thông tin người mua ôtô trả góp khi tham gia giao thông mà không xuất trình được giấy tờ bản gốc sẽ bị phạt, anh khá lo lắng.
Chủ xe này cho biết thấy giá ôtô gần đây xuống khá thấp nên anh mua một chiếc xe theo hình thức trả góp. Anh trả trước 50% giá trị chiếc xe và vay ngân hàng 268 triệu đồng, trả dần trong 4 năm. Trung bình mỗi tháng anh sẽ trả khoảng 7 triệu đồng cả gốc và lãi, với số dư nợ giảm dần.
Nhiều người mua xe trả góp đang cần thông tin chính thức từ các cơ quan chức năng xung quanh chuyện ai sẽ được giữ giấy tờ xe gốc khi mua xe trả góp qua ngân hàng. Ảnh minh họa: Zing. |
Sau khi hoàn tất thủ tục mua xe trả góp, bản gốc giấy tờ xe của anh Huân được ngân hàng giữ làm tài sản thế chấp. Phía ngân hàng cung cấp cho anh bản sao có chứng thực với thời hạn 3 tháng để sử dụng thay bản chính. Sau mỗi 3 tháng, ngân hàng sẽ chứng thực lại một lần rằng chiếc xe của anh đang được thế chấp tại ngân hàng.
Chưa hết vui mừng vì sở hữu xe, anh Huân đã đối diện lo lắng vì nguy cơ bị phạt khi tham gia giao thông. "Vay trả góp ngân hàng thì ngân hàng giữ giấy tờ xe bản gốc rồi, giờ CSGT cũng đòi bản gốc nữa, trong khi giấy tờ thì chỉ có một", anh Huân nói.
Cũng trong tình cảnh tương tự, anh Duy Mạnh (34 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết mấy ngày nay anh không dám chạy xe ra đường vì giấy tờ xe bản gốc vẫn do ngân hàng giữ. Nếu CSGT kiểm tra, anh lo mình sẽ bị phạt vì lỗi không xuất trình được giấy tờ xe bản chính.
Ngày 31/5 vừa qua, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt (C67), Bộ Công an đã có công văn gửi công an các tỉnh thành, hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính đối với phương tiện thế chấp trong ngân hàng.
Sau khi trao đổi với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), C67 cho biết những phương tiện thế chấp tại ngân hàng thì bên thế chấp được giữ bản chính giấy đăng ký xe theo đúng quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP, và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 11/2012/NĐ-CP về giao dịch đảm bảo.
Vì vậy, việc xử phạt chủ xe không có giấy đăng ký bản gốc khi lưu thông là đúng luật. Bản sao giấy đăng ký xe kèm theo xác nhận của ngân hàng không có giá trị sử dụng trong tham gia giao thông.
Phân bổ ngân sách mua xe trả góp đảm bảo an toàn tài chính. Đồ hoạ: Thạch Lam. |
Trước đó, NHNN cũng có công văn 3851 yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc quy định khi cho khách hàng vay thế chấp ôtô, xe gắn máy thì khách hàng vẫn là người giữ giấy đăng ký xe.
Ngân hàng đang kiến nghị
Trao đổi với Zing.vn, Giám đốc Chi nhánh một ngân hàng thương mại (NHTM) tại TP.HCM, cho biết hiện nay, khi vay mua ôtô, khách sẽ giữ xe và ngân hàng giữ toàn bộ giấy tờ gốc theo quy định. Ngân hàng cũng cấp cho khách bản sao giấy tờ xe có đóng dấu là xe đang thế chấp.
"Mấy ngày nay rất nhiều khách hàng lo lắng, liên tục gọi điện tới để hỏi về thông tin NHNN và công an yêu cầu khách vay phải được giữ giấy tờ xe bản chính", vị này cho biết.
Theo vị này, hiện các NHTM đang có văn bản gửi NHNN để có trả lời chính xác, sau đó sẽ thông báo cụ thể với khách vay.
Vị này cũng cho rằng nếu NHNN vẫn yêu cầu trả giấy tờ xe bản chính cho khách thì NHTM sẽ thực hiện, và có các phương án để đảm bảo tài sản khác.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của giám đốc chi nhánh này, tại Nghị định 163/2006 quy định khi khách hàng mua xe thế chấp ngân hàng thì ngân hàng trả giấy đăng ký xe cho khách giữ. Nhưng Bộ Luật dân sự năm 2015 có quy định khách mua xe theo hình thức này thì giấy tờ xe khách hàng hay ngân hàng giữ là do hai bên thỏa thuận.
Nếu trả giấy tờ gốc cho khách, các ngân hàng có khả năng siết cho vay với ôtô. Ảnh minh họa: TBKTVN. |
Trong khi NHNN đã tham chiếu vào Nghị định 2006 yêu cầu các ngân hàng trả giấy tờ bản chính cho khách mua xe. Điều này chưa sát với thực tế, nên các nhà băng đang có văn bản gửi lại cơ quan quản lý, để chờ ý kiến thống nhất.
“Chúng tôi muốn như cũ, tức ngân hàng giữ giấy tờ của khách, để tránh các rắc rối phát sinh. Thực tế khi mua xe, khách đăng ký trước bạ thì các vấn đề liên quan đến tài sản thế chấp này cũng đã đầy đủ thông tin. Trừ trường hợp khách gian lận thì họ tìm đủ cách để làm giả giấy tờ mà chúng tôi cũng khó quản hết", vị này nói.
Thắt chặt tín dụng với ôtô trả góp
TS. Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP.HCM, cho rằng việc vay ngân hàng mua ôtô trả góp mà ngân hàng giữ giấy tờ xe bản chính là hết sức bình thường từ trước đến nay.
"Các ngân hàng phải giữ bản gốc để hạn chế rủi ro trong quá trình cho vay. Đối với ngân hàng, ngoài thực hiện chỉ tiêu kinh doanh, lợi nhuận thì phải đảm bảo được quản trị rủi ro và an toàn trong cho vay", ông Tín cho hay.
Nếu chiếu theo thông báo từ Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại không được giữ giấy tờ xe bản chính thì rủi ro đối với bên cho vay sẽ rất lớn, ngân hàng không dám giải ngân theo hình thức vay thế chấp này.
Ông Tín cũng dẫn Nghị định 163/2006 và Nghị định 11/2012 sửa đổi bổ sung, đều căn cứ vào Bộ Luật dân sự 2005. Tuy nhiên, từ 1/1 năm nay, Bộ Luật dân sự 2005 đã hết hiệu lực. Kể từ ngày 1/1, các ngân hàng sẽ áp dụng theo nội dung Bộ Luật dân sự năm 2015. Theo đó, khi một bên vay vốn mua ôtô thế chấp tại ngân hàng, việc giao và nhận giấy tờ xe bản chính sẽ do thỏa thuận của các bên liên quan.
"Tuy nhiên, các NHTM nên chờ hướng dẫn từ NHNN về các giao dịch bảo đảm, để phù hợp với Bộ Luật dân sự 2015 mới được áp dụng từ ngày 1/1 năm nay", ông Tín cho biết.
Vị này cũng đề xuất trong thời gian tới, NHNN và các bộ, ngành nên chấp bút trình Chính phủ đưa ra Nghị định về giao dịch bảo đảm, để phù hợp với Bộ Luật dân sự 2015.
Về phía NHTM, ông Tín cho rằng nếu cho vay thế chấp mà không được giữ giấy tờ xe bản chính, chắc chắn tín dụng cho vay ôtô sẽ bị thắt chặt lại. Ngân hàng sẽ chuyển sang cho vay tín chấp, khi đó, lãi suất sẽ cao hơn rất nhiều.