Luận vốn không chú trọng ăn mặc. Thời sinh viên, anh bị bạn đặt biệt danh là “sáu sáu bảy bảy” (xấu xấu bẩn bẩn), vậy mà anh cũng tỏ ra thoải mái, chẳng phản kháng gì. Sau này ra trường, đi làm, tiền bạc rủng rỉnh, cách ăn mặc của Luận cũng không thay đổi mấy.
Đôi vớ mà Luận đang mang, dễ chừng đã hai năm. Màu trắng đã chuyển qua màu cháo lòng từ thuở nào, nay giãn hết thun, cứ mang vào là cuộn xuống mép giày. Người kỹ tính sẽ rất khó chịu khi thấy một đôi vớ như vậy, dù chẳng liên quan đến mình. Người dễ tính thì xuề xòa vui cười, kiểu “ừ thì người ta không chú trọng ăn mặc nên bê bối như thế”.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Là bạn thân nên tôi góp ý để Luận thay đổi, nhưng Luận lại cứ thủng thẳng như không. Bên bàn nhậu, một ông bạn khề khà lên tiếng: “Tưởng là nhỏ nhưng ông cứ vô tư xỏ đôi vớ như vậy là hơi khó coi. Ít nhất thì đó cũng là cách biết tôn trọng người xung quanh đấy!”.
Luận nổi cơn tự ái: “Biết… biết con khỉ! Tôi chúa ghét những kẻ làm việc chẳng ra gì, nhưng ăn mặc thì chải chuốt. Đôi vớ cũ thì ảnh hưởng gì đến... hòa bình thế giới? Vẽ chuyện!”. Tính Luận là vậy, tự ái đùng đùng và không dễ tiếp thu góp ý. Anh em trong cơ quan biết vậy, nên cũng chẳng dại gì “đụng” vô. Tất nhiên, nếu chỉ mỗi đôi vớ thôi thì cũng chưa có gì để phải nghiêm trọng hóa vấn đề. Đằng này, đôi vớ giãn thun ấy được kết hợp với đôi giày tây có “thâm niên”, đất phủ các kẽ giày, loang lổ.
Có lần, Luận chở vợ dự sinh nhật đồng nghiệp. Luận vẫn quen với hình ảnh lếch thếch. Trái ngược, vợ Luận xinh đẹp, trang điểm kỹ, váy sành điệu, nước hoa sực nức. Nhiều người thắc mắc: làm sao có thể có một đôi trái ngược nhau như thế? Vợ thì quá tinh tươm, chồng lại quá nhàu nhĩ?
Nghe một đồng nghiệp nữ của Luận kể lại, vợ Luận từng than rằng ngại ra đường chung với chồng, vì chồng lôi thôi quá, nói mỏi mồm cũng không chịu thay đổi cách ăn mặc. Nỗi mặc cảm với hình ảnh của chồng, tưởng nhỏ nhưng là đại sự. Có người đàn ông thốt lên rằng: “Khi người vợ không còn cảm thấy một chút hãnh diện về chồng khi cùng sánh vai ra đường, điều đó báo hiệu dấu chấm hết cho mối quan hệ hôn nhân”. Có thể, việc xấu hổ về chồng chưa hẳn là dấu chấm hết trong mọi trường hợp, nhưng rõ ràng là rất nguy hại đến tình cảm.
Có bao nhiêu người vợ kêu ca rằng chồng mình quá luộm thuộm, có bao nhiêu người vợ cảm thấy xấu hổ khi sánh vai cùng chồng ra đường? Có rất nhiều! Nhưng số người xắn tay lên giúp chồng thì dường như khá ít.