Mưu sâu, kế hiểm “khóa trái” chồng

Sau ngày cưới, chị ngày càng ghê gớm trong việc “khóa trái” chồng và chồng chị thì ngày càng nhu nhược, sợ vợ một phép.

Mưu sâu, kế hiểm “khóa trái” chồng

Chị tuyên bố, đã vào tay chị, đố chồng dám giở trò; đi đâu, làm gì, chị nắm được hết. Từ ngày mới quen, anh đã “gợn sóng linh ta linh tinh” với những cô gái khác. Chị khóc lên khóc xuống, gia đình cũng bàn ra để chị khỏi rước cái họa người chồng trăng hoa. Thế nhưng, chị vẫn tin mình quá hiểu chồng để kiểm soát được mọi thứ.

Sau ngày cưới, chị ngày càng ghê gớm trong việc “khóa trái” chồng, chồng chị thì ngày càng nhu nhược, sợ vợ một phép.

Việc chị làm và làm rất thường xuyên là ngửi mùi áo của chồng. Bữa nào áo có mùi thơm lạ, anh phải trần ai giải trình. Một lý do được đưa ra, chị không tin, bắt anh thề thốt. Anh thề độc, chị tiếp tục nuôi nghi ngờ và khẳng định: “Thề thì thề chứ tôi không tin đâu, tôi biết anh đang mèo mỡ gì đó, đừng hòng qua mặt tôi”. Chị tưởng làm vậy sẽ khiến chồng sợ mà từ bỏ thói trăng hoa.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Thế nhưng, trạng thái “như người mất hồn” khi ở nhà với vợ con của anh khiến chị càng nghi ngờ, dù đã lâu không tóm được chứng cứ gì. Áo anh vẫn mùi mồ hôi quen thuộc; đi đâu, đi với ai, anh đều báo cáo đầy đủ; tin nhắn, nhật ký cuộc gọi trong điện thoại anh không có gì khả nghi… Nhưng, rồi chị cũng nhận ra việc tránh mùi thơm lạ trên áo, xóa tin nhắn và xóa nhật ký cuộc gọi là quá đơn giản. Chị âm thầm tiến thêm một bước: ghi lại số công-tơ-mét trên xe chồng. Vậy là tóm được rồi nhé. 

Chị tỏ ra giận dữ trong lần đầu tiên phát hiện “chứng cớ không thể chối cãi”: “Hôm nay anh đi đâu mà những 35 cây số? Từ nhà đến cơ quan chỉ có sáu cây, hai lượt là 12 cây. Anh đi với con nào?”. Anh giải đáp gọn lỏn: “À, anh đồng nghiệp mượn xe, ai biết người ta đi đâu mà khai với em”. “Anh coi chừng đó, tôi không dễ bị lừa đâu”. Vậy là sau này, chị không còn thấy xe của chồng vượt quá "tiêu chuẩn" quy định. Nhưng chị vẫn thòng một câu: “Anh đừng tưởng cứ vứt xe máy ở cơ quan, đi taxi bậy bạ ở đâu đó mà tôi không biết nhá”. Kiểu nói bâng quơ ấy khiến anh như muốn nổi điên, nhưng vì vợ dữ quá, anh phải nhịn.

Câu tự thán “con này không dễ bị lừa đâu nhé” như cổ vũ mạnh mẽ để chị tiến những bước táo bạo hơn. Chị âm thầm cài phần mềm định vị vào điện thoại của chồng. Anh đi “lung tung” ở đâu, chị đều biết. Nhưng, khi chị tra hỏi, anh có hàng vạn lý do để thỏa mãn nghi ngờ của vợ: “Sếp nhờ anh chạy đi Q.5 mua ít hóa chất cho việc riêng của ông ấy”, “anh đi dự đám ma của một người bạn cũ ở Thanh Đa”. Kiểu “hỏi xoáy đáp xoay” như vậy, người thông minh như anh, chỉ cần suy nghĩ hai giây là có câu trả lời. Huống hồ, trên đường đi làm, bao giờ anh cũng dự liệu trước vợ sẽ hỏi gì, mình sẽ trả lời ra sao.

Khi anh sắm ô tô, chị đã nhờ người mua loại máy ghi âm nhỏ xíu, gắn vào túi hương trong xe, để nghe lén câu chuyện của chồng với “ai đó”. Đặc biệt, những chuyến anh lái xe đi công tác tỉnh, chị nghe lại nội dung rất kỹ. Rồi một ngày, chị đã có được chứng cứ mình muốn. Câu chuyện đứt đoạn trên xe với những lời thoại ngọt ngào, có lúc còn bỡn cợt, tục tĩu khiến chị như lịm đi trong sự uất ức, giận dữ.

Chị công bố bằng chứng, những tưởng chồng sẽ hoảng hốt van xin tha tội. Nhưng không, anh lạnh lùng, khinh khỉnh - cái vẻ đáng ghét mà chị chưa thấy bao giờ. Anh lật bài: “Đến nước này thì tôi cũng nói thẳng là mình chia tay nhau đi, sống với cô, tôi ngột ngạt quá. Cơm nước cho chồng con cô không lo, mà dành hết thời gian cho việc ghen tuông. Sống với cô, tôi như bị cầm tù, chẳng được gì, chỉ thấy khổ sở”. Chị giận run người: “À, anh có con khác rồi phải không? Lần này thì hết chối nha, lần này...”. “Thì cứ cho là vậy đi, chối làm gì cho mệt xác”. Anh bỏ đi.

Hòa giải một lần không thành, thỏa thuận chia tài sản không xong, anh chị đợi đến ngày ra tòa. Chị ngao ngán tâm sự với cô bạn thân: “Số tui khổ, lấy phải ông chồng trắc tính, trắc nết. Mình đã có chứng cứ rành rành về tội ngoại tình, mà hắn cứ coi như bình thường. Giờ mới biết, hắn nuôi bồ nhí từ bao giờ, có một đứa con riêng nữa chứ. Gớm mặt thật, mình kiểm soát đến cỡ đó mà hắn còn làm được chuyện động trời”. 

Cô bạn thở dài: “Chị rỗi hơi. Thằng con em nè, nó mới là học sinh cấp II, nhưng trốn học đi chơi như cơm bữa, em còn không kiểm soát được, nói chi người già đời, lanh lẹ. Mà chị thấy đó, cứ tìm mọi cách để bắt quả tang, bắt được rồi để làm gì? Phải chi từ đầu, chị lo chăm sóc, ngọt nhạt, yêu thương chồng, thì ổng không đến nỗi như vậy”. Chị giận bạn luôn, nói bạn là thứ dở hơi, đi bênh kẻ tệ hại.

Đêm nay, chờ trời sáng để đến tòa, chị đã nghĩ lại mọi chuyện. Cưới nhau tám năm là suốt tám năm chị hồi hộp, căng thẳng, giận dữ, chửi mắng chồng. Bản thân chị cũng đuối, nói chi đến sức chịu đựng của chồng. Chị biết anh là người trăng hoa, thì một là không cưới, hai là “lạt mềm buộc chặt” để giữ chồng. Vậy mà chị cứ lăm le “tìm ra bằng chứng cho chồng biết tay”. Ngay như bây giờ, chị còn ngây thơ nghĩ, có bằng chứng chồng ngoại tình thì tòa sẽ trừng phạt cho chồng sáng mắt ra. Chị đâu biết, khi tòa xử, việc ngoại tình chỉ là yếu tố thúc đẩy hai người sớm ly hôn mà thôi, chẳng có sự trừng phạt nào ở đây cả.

Thật mỉa mai, trong đêm dài mất ngủ, chị còn nhận được tin nhắn dài thậm thượt từ bạn: “Em biết chị đang giận em, nhưng em chỉ muốn phân tích cho chị thấy rõ việc nên làm và không nên làm. Khó thay đổi tâm tính đàn ông lắm. Mình muốn hạnh phúc thì phải thay đổi bản thân để phù hợp hơn thôi. Nếu người ta chế tạo được bộ khóa để khóa “cái ấy” của đàn ông, chắc sẽ có những bà vợ rất vui mừng. Nhưng họ đâu biết, bọn thợ khóa còn vui mừng hơn vì có thêm việc làm”.

Quan tâm hay khống chế?

Đàn ông ngoài việc quan tâm tới gia đình, còn nhiều mối quan tâm khác, phụ nữ nên biết lúc nào giữ chồng ở nhà, lúc nào để chồng... thở.

Quan tâm hay khống chế?

Hồi mới cưới, tan sở là tôi hối hả về nhà, phụ vợ dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn. Hạnh phúc ngập tràn khi vợ chồng cùng kề vai trong bữa cơm đầm ấm, tay trong tay xem phim, dạo phố. Sau nhiều năm chung sống, đến nay vợ vẫn muốn ở bên chồng mọi lúc mọi nơi, như bóng với hình. Lúc tôi đi làm thì nàng “quản” từ xa. Trưa nào cũng gọi tới hỏi xem tôi ăn cơm chưa, đang buồn hay vui… Có khi nàng đột xuất tới tận nơi kiểm tra. Chiều về thì nàng “quản” luôn điện thoại lẫn máy tính với lý do để tôi toàn tâm toàn ý cho gia đình.

Bạn bè gọi rủ tôi đi lai rai. Lúc con còn nhỏ thì nàng viện cớ “con không khỏe, anh ở nhà phụ em”. Con đã lớn, nàng nói “anh phải dạy con học bài”, “lát nữa ảnh phải đưa con đi học thêm”. Giờ thì “anh bị cao huyết áp, đừng nhậu nữa”… Riết rồi bạn bè chẳng còn ai đủ kiên nhẫn rủ tôi nhậu nữa. Bực quá tôi làm dữ. Nàng liền bù lu bù loa bảo tôi lăm le ra ngoài tòm tem, xem trọng bạn bè hơn gia đình…

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Chán cảnh Chủ nhật nào cũng lếch thếch theo vợ đi siêu thị, mua sắm… tôi nói sẽ tham gia vào nhóm bạn đánh tennis. Nàng gật đầu cái rụp, “vừa xả stress vừa rèn luyện sức khỏe, em ủng hộ anh”. Tôi ngầm đắc ý, giải phóng bước một, sẽ đánh tiếp bước hai, miễn sao thoát khỏi tầm mắt của nàng. Hôm sau vợ đi làm về với hai cặp vợt mới tinh, nàng hớn hở khoe: “Em đã đăng ký cho vợ chồng mình vào câu lạc bộ tennis, Chủ nhật tới mình bắt đầu tập luyện nha anh”. Hứng thú đối với tennis của tôi bay cái vèo.

Có lần tôi nghe vợ tư vấn cho cô bạn: “Tụi con gái bây giờ ghê gớm lắm, cướp chồng người ta dễ như trở bàn tay. Tụi mình phải giữ chồng rịt bên mình mới mong mấy ổng không có thời gian léng phéng”. Quan điểm của nàng không ngờ được nhiều người đồng tình, trong đó có cả má và chị tôi. Má bảo tôi có số sướng, được vợ yêu thương, quan tâm chăm sóc, còn đòi gì nữa. Chỉ có đám bạn bè cùng cảnh ngộ là đồng cảm với nhau, chán phèo cái gọi là sự quan tâm của vợ.

Tôi nhớ nhà thơ Đỗ Trung Quân có lần nói đại khái: phụ nữ giữ chồng như giữ nước trong tay, nâng niu gượng nhẹ thì còn, nắm chặt lại thì nước sẽ chen qua kẽ hở. Đàn ông ngoài việc quan tâm tới gia đình, còn nhiều mối quan tâm khác, không phải ngày nào cũng đối diện với vợ trong bốn bức tường mới gọi là đàn ông tốt, là có trách nhiệm với gia đình. Phụ nữ nên biết lúc nào giữ chồng ở nhà, lúc nào để chồng... thở.

Phụ nữ phải biết giữ chồng?

Phụ nữ chẳng biết từ khi nào, từ lúc mặc trên người chiếc váy cưới, đã phải hình thành tâm lý “phải biết giữ chồng”.

Phụ nữ phải biết giữ chồng?
Phụ nữ đi học nấu ăn, cắm hoa, dành thời gian dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái… những mong tổ ấm là nơi chốn lý tưởng cho đàn ông muốn về nhà mỗi tối. Con cái sáng sủa, phổng phao chồng nhìn mới vui, mới ghi nhận đó là công lao, là cái tài của vợ. Cơm ngon canh ngọt là “đòn” truyền thống “đánh thẳng vào cái dạ dày chồng”.

Hoa lá cũng không ngoài mục đích vui cửa vui nhà, thể hiện chủ nhân là người phụ nữ có tâm hồn đẹp, tinh tế, thế mới cuốn hút được đàn ông. Đã thế, phụ nữ còn cố gắng đển chu toàn với cả họ hàng bên chồng để không để ai trách cứ. Trước mặt các cụ thì lăm lăm ý tứ, ngó trước nhìn sau, và tối kỵ việc trái ý bố mẹ chồng. Phải hôm các cụ trái nắng trở trời, bổn phận phải chăm sóc thăm nom.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Trong bài giữ chồng của phụ nữ còn có cả nghề “điệp viên”, lâu lâu phải thăm hỏi điện thoại, facebook, hộp thư điện tử hoặc nick chat yahoo của chồng một lần. Bắt gặp đối tượng nào khả nghi sẽ hoặc tra hỏi, vặn vẹo “trừ họa” ngay, hoặc ngấm ngầm “điều tra” cho rõ. Rồi phụ nữ thở phào khi thấy mình quá đa nghi, khi nhận được từ chồng một lời giải thích được xem là hợp lý.

Phụ nữ sẽ tiếp tục âm ỉ “giữ chồng” như thế, nếu không có một ngày...

Phụ nữ chợt nhận ra lâu nay mải dồn tâm ý vào phục vụ nhà chồng, chăm sóc con cái, quán xuyến việc nhà mà bản thân đã trở nên nhàu nhĩ, xác xơ. Phụ nữ lại lo cái nết thời nay đánh không chết nổi cái đẹp, nên tức tốc đến spa “tút” tổng thể. Phụ nữ đi tắm trắng bất chấp nguy cơ ung thư da, chịu đựng đau đớn vì hút mỡ, kéo căng vòng một, cắt mí, sửa mũi... hòng níu kéo tuổi xuân.

Phụ nữ trở về nhà, ngỡ mình đã đạt đến đỉnh cao của công phu giữ chồng. Thế nhưng rồi, họ chợt nhận ra, không biết từ bao giờ thời gian mong ngóng chồng bên bàn ăn tối đã kéo dài thêm từ 2 đến 4 tiếng. Có những hôm rất khuya mới nghe tiếng xe nổ máy xình xịch rồi tắt ngấm trước cửa nhà. Họ vội vã chạy ra ôm về cái cơ thể đàn ông mềm nhũn nồng nặc mùi bia rượu, chân nam đá chân chiêu bước qua ngưỡng cửa.

Nửa đêm, thấy điện thoại chồng nhấp nháy, chồng thì đã say, ngủ vùi từ lúc nào, phụ nữ với tay tắt máy thì đập vào mắt mình dòng tin nhắn: “Anh ơi, đêm dài quá, em nhớ anh” từ một số máy được đặt tên là Mèo mun…

Phụ nữ tự hỏi, mình đang sống ở thời đại nào? Mọi điều mình đã làm vì chồng, vì con còn chưa đủ hay sao?

Phụ nữ không hiểu rằng, những gì tự chạy đến để được là của mình và thực sự thuộc về mình thì không cần phải khư khư mà giữ. Đàn ông tốt khắc biết ghi nhận công lao của vợ, biết chung vai gánh vác, cùng vợ vận hành tốt một gia đình. Đàn ông đã sẵn máu trăng hoa thì có cố giữ cũng vậy thôi. Chi bằng vợ cứ sống vui, sống tự tin, biết chăm sóc bản thân để luôn tươi mới cho chồng... phải thèm, cớ gì phải cố giữ chồng bằng những chiêu trò thực chất là tự làm mất giá một cách không cần thiết?

Chịu “nhục” để tiến thân

Nay anh phải có một người vợ tương xứng với anh, có đâu “đốt đời” với một bà vợ vừa già, vừa xấu, vừa vô dụng thế này…

Chịu “nhục” để tiến thân

Khi chúng tôi mới biết nhau, chồng tôi là anh sinh viên trường y sắp tốt nghiệp, nghèo kiết xác, không có ai thân thích ở thành phố này. Tôi cảm phục ý chí và sự cần cù của anh, cộng với thái độ chân thành, không màu mè hình thức của một chàng trai tỉnh lẻ, nên gật đầu làm vợ anh, chẳng màng tới sự theo đuổi của nhiều người đàn ông “môn đăng hộ đối” khác.

Cưới nhau rồi, tôi càng tin mình không chọn lầm. Anh chăm chỉ làm việc, không ngại khó khăn vất vả, lại rất có ý thức học thêm, nâng cao chuyên môn. Ba tôi khi đó là phó giám đốc một bệnh viện lớn, đương nhiên nhận anh về làm việc, hết lòng nâng đỡ. Khỏi phải nói, sức phấn đấu của anh làm ba tôi thật sự hài lòng.

Bảy năm, chúng tôi có với nhau hai đứa con. Nhà anh ở quê được sửa sang lại, em út tiếp tục học hành cũng nhờ có anh chu cấp. Khi anh đủ sức mở phòng mạch tư kiếm sống thì ba tôi đến tuổi về hưu, mừng là con rể có thể vững vàng kế tục sự nghiệp của mình…

Đó cũng là lúc cuộc hôn nhân của tôi rẽ sang một khúc quanh mà có nằm mơ gặp ác mộng, tôi cũng không nghĩ ra: anh bỗng dưng đề nghị ly hôn! Chồng tôi thoắt cái trở mặt, nhanh đến không sao dám tin, mới hôm qua còn qua lại, lễ nghĩa, chu đáo, yêu thương…

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Khi chỉ có hai vợ chồng với nhau, anh chẳng ngại ngần gì mà không lật bài bằng những câu cạn tình cạn nghĩa, trơ tráo, vô sỉ. Nào là chấp nhận lấy tôi, nín nhịn chịu đựng tôi chừng ấy thời gian là đủ lắm rồi. Tôi tưởng mình là ai kia chứ, lá ngọc cành vàng à? Chẳng qua lúc trẻ cần một chỗ dựa, một nơi yên ổn để tiến thân nên anh mới phải chịu “nhục” bấy lâu. Nay anh phải có một người vợ tương xứng với vị trí và tài năng của anh, có đâu “đốt đời” với một bà vợ vừa già, vừa xấu, vừa vô dụng thế này…

Con người ta, dường như khi đã bạc thì không bút mực nào tả xiết. Cả nhà tôi bất ngờ khi biết thêm góc khuất nhân cách của một người bấy lâu mình cứ tưởng là hiểu rõ lắm, thân thiết lắm và đối đãi hết lòng. Sự thất vọng ê chề, nỗi đớn đau vì lầm tưởng và bị lợi dụng làm cha tôi suy sụp. Cảm giác ghê sợ, khinh bỉ làm tôi không sao chịu đựng nổi, chỉ mong mau chóng thoát khỏi con người vô ơn, tệ bạc, phản trắc.

Khi nỗi bất ngờ choáng váng qua đi, khi ba tôi đã bình tâm hơn sau cú sốc lật lọng của gã con rể vốn được ông yêu quý chẳng khác con ruột, chúng tôi quyết định sẽ cắt bỏ cái khối u nhọt đó khỏi phần đời còn lại của mình. Chỉ thương hai đứa con nhỏ dại. Thế nhưng, cuộc ly hôn chẳng phải dễ dàng gì, bởi sự trơ trẽn đến tận cùng của người đàn ông vốn có học, từng chịu ơn cha tôi, từng thản nhiên đón nhận sự cưu mang chăm sóc của gia đình vợ nhiều năm dài để yên tâm học hành… Chồng tôi gây khó dễ trong việc đòi chia đôi mớ tài sản có được trong thời kỳ hôn nhân, cố tình không nhìn nhận căn nhà, cái xe đều do ba tôi sắm sửa cho… Bần tiện đến mức, anh ta đòi mang cả chút nữ trang ít ỏi vốn là quà cưới cho cô dâu ngày xưa ra chia chác…

Thế nhưng, anh ta lại chẳng màng đến hai đứa trẻ luôn níu áo bố. Trong cuộc chiến tranh hơn thua từng chút quyền lợi đó, anh ta hoàn toàn chẳng đả động gì đến hai sinh linh tội nghiệp kia, tựa như chúng chẳng hề tồn tại. Anh ta “trả giá” từng trăm ngàn khi ra tòa thỏa thuận về tài sản. Trước mặt thiên hạ, người từng đầu ấp tay gối với tôi không ngần ngại than nghèo kể khổ, bao nhiêu tiền làm ra lâu nay bị bên vợ “siết” để đầu tư này nọ hết, giờ phải chia đều ra để anh ta bớt bị thiệt thòi!

Con chim ngỡ mình đủ lông đủ cánh đã bạc bẽo bay đi. Cuộc đời nhân quả nhãn tiền, tôi thực tâm không nuôi lòng oán hận, chỉ thương hai đứa con mất cha bởi những tham vọng và toan tính của chính người đã sinh ra chúng. Tôi càng tiếc nuối tình yêu và niềm tin đã đặt sai chỗ, uổng phí tuổi xuân cho một người không xứng đáng…

Tin mới