Phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết Mỹ đã triển khai hàng trăm thủy quân lục chiến và trọng pháo ở Syria, chuẩn bị cho cuộc chiến đánh phiến quân IS khỏi thành phố Raqqa.
Theo các quan chức Lầu Năm Góc, lính thủy đánh bộ Mỹ đã bố trí sẵn trọng pháo để sẵn sàng yểm trợ lực lượng Syria đánh chiếm thành phố Raqqa.
Thủy quân lục chiến Mỹ tham gia chiến dịch đánh Raqqa. Ảnh: CNN.com |
Đây là dấu hiệu cho thấy Lầu Năm Góc đã trở nên linh hoạt hơn trong việc đưa ra các quyết định chiến đấu hàng ngày trong cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Giới tướng lĩnh Mỹ đã tỏ ra thất vọng với chính quyền Obama và đã yêu cầu được tự do hành động hơn trong việc quyết định hàng ngày về cách tốt nhất để chống khủng bố.
Ngoài ra, Mỹ cũng chuẩn bị gửi 1.000 binh sĩ tới Kuwait để sẵn sàng tham chiến chống IS, nếu cần thiết.
Những người ủng hộ nói rằng quyết định này sẽ tạo điều kiện cho các chỉ huy quân đội Mỹ trên thực địa linh hoạt hơn để nhanh chóng xử lý những cơ hội và thách thức không lường trước trên chiến trường.
Lầu Năm Góc gọi việc triển khai quân Mỹ ở ngoại ô thành phố Manbij - đang bị Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh tấn công - là sứ mệnh "trấn an và ngăn chặn".
Theo giới hạn do chính quyền Obama đưa ra, quân đội Mỹ có thể triển khai 500 binh sĩ ở Syria. Lực lượng đặc biệt Mỹ đang có mặt ở Syria để đào tạo và hỗ trợ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một nhóm vũ trang của người Kurd và người Arập vốn là lực lượng chủ công trong cuộc chiến chống IS trong liên quân do Mỹ cầm đầu.
Quân đội Mỹ cũng đề ra một loạt các lựa chọn cho cuộc chiến ở Syria, trong đó có tăng cường yểm trợ bằng pháo binh, sử dụng trực thăng vũ trang Apache và tăng cường công tác huấn luyện cho lực lượng chống IS.
Các quan chức Mỹ nói rằng trận chiến Raqqa sẽ giống như cuộc chiến ở nước Iraq láng giềng, nơi các lực lượng địa phương đang tiến hành một cuộc chiến khốc liệt để giải phóng thành phố Mosul - thành trì cuối cùng của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở miền bắc nước này.
Trong chiến dịch này, quân đội Mỹ đã thiết lập các căn cứ bên ngoài thành phố Mosul làm trung tâm hậu cần và triển khai pháo binh hạng nặng.
Động thái này nhằm bố trí quân Mỹ vào vị trí tiền tuyến và giúp các vị chỉ huy trên chiến trường có thể đưa ra các quyết định nhanh chóng hơn mà không cần đến sự phê duyệt của Nhà Trắng.