Tờ Chính sách Ngoại giao (Mỹ) dẫn lời quan chức cấp cao Không quân Mỹ, năm nay nước này sẽ mở rộng sự hiện diện quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương, sẽ triển khai máy bay chiến đấu đến các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Philippines, Singapore, Australia, hình thành thế bao vây Trung Quốc.
Tư lệnh không quân Mỹ tại Thái Bình Dương tướng Herbert Carlisle cho biết, Không quân Mỹ sẽ triển khai lượng lớn máy bay chiến đấu F-22, F-35 và máy bay ném bom tàng hình B-2 tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cũng theo tướng Herbert Carlisle, Không quân Mỹ sẽ triển khai máy bay chiến đấu và trong tương lai còn có thể đưa máy bay ném bom đến Australia. Những máy bay chiến đấu này có thể sẽ được điều đến căn cứ không quân Darwin (Australia), sau đó lại triển khai đến căn cứ không quân Tyndall gần đó.
Đây chỉ là sự khởi đầu cho sự hiện diện của Không quân Mỹ tại châu Á. Ngoài Australia, Không quân Mỹ sẽ còn triển khai máy bay chiến đấu ở căn cứ không quân Changi (đông) của Singapore, căn cứ không quân Korat của Thái Lan và các nước khác như Ấn Độ, Philippines, Indonesia và Malaysia. Tại Philippines, máy bay của Không quân Mỹ có thể triển khai tại căn cứ cảng Princesa, thủ phủ tỉnh Palawan và một khu vực khác.
Tiêm kích tàng hình F-22, F-35 và cả oanh tạc cơ tàng hình tối tân nhất thế giới B-2 sẽ được điều tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. |
Chiến lược “luân phiên đóng quân” ở CA-TBD khởi động
“Một trong những nguyên tắc chủ yếu trong chiến lược của Mỹ chính là mở rộng hợp tác và phối hợp với quân đội của các đồng minh và đối tác của Mỹ. Cùng diễn tập, cùng huấn luyện và Mỹ sẽ bồi dưỡng năng lực cho các nước đối tác và đồng minh, Mỹ cũng hiểu rõ họ và môi trường của họ. Sự hợp tác này tạo hiệu quả và lợi ích to lớn”, tướng Carlisle nói.
Ông cho biết thêm, Không quân Mỹ không xây dựng hạ tầng cơ sở tại Đông Nam Á, mà chỉ có kế hoạch di dời những căn cứ không quân hiện có của Mỹ và quân đồn trú Bắc Thái Bình Dương luân phiên đóng ở khu vực này.
Tướng Carlisle cho rằng, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quân Mỹ từng điều các lực lượng luân phiên đóng quân ở các căn cứ của châu Âu. Và hiện nay bắt đầu thực hiện sách lược này ở châu Á-Thái Bình Dương.
Hiện nay, từ Alaska và Hawaii đến Guam, Nhật Bản và Hàn Quốc, Không quân Mỹ có 9 căn cứ chủ yếu tại châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng những căn cứ này đã sớm bố trí đầy đủ máy bay của Mỹ. Điều này có nghĩa là Không quân Mỹ sẽ bắt đầu định kỳ điều máy bay đến các nước châu Á-Thái Bình Dương khác.
Hàng loạt F-22, F-35, B-2 sẽ tới CA-TBD
Tướng Carlisle cho biết, Không quân Mỹ sẽ điều rất nhiều máy bay chiến đấu F-22, F-35 và máy bay ném bom tàng hình B-2 tới khu vực này.
Theo ông, một nửa máy bay chiến đấu F-22 của Không quân Mỹ triển khai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bên cạnh đó còn có cả F-35 và siêu trinh sát cơ không người lái Global Hawk.
Trong chiến lược xoay trục, Mỹ cũng đã điều tàu chiến đấu ven biển tối tân LCS-1 USS Freedom tới khu vực Đông Nam Á hoạt động trong gần một năm. |
Tờ Chính sách Ngoại giao cho rằng, đối với Không quân Mỹ, ý đồ đằng sau chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ rất đơn giản: “sử dụng lực lượng vũ trang của Mỹ và đồng minh bao vây Trung Quốc, giống như phương Tây đã làm đối với Liên Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh”.
Hải quân và Lính thủy Đánh bộ Mỹ cũng sớm bắt đầu chuyển hưởng đến khu vực châu Á, quân Mỹ triển khai tàu chiến ở Singapore, lực lượng lính thủy đánh bộ ở Australia.
Hải quân Mỹ còn đang sửa chữa những sân bay cũ tại các hòn đảo trên Thái Bình Dương trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, nhằm sử dụng những sân bay này khi các căn cứ chính của họ bị tên lửa đạn đạo nước ngoài tấn công.