Mỹ mất 4 năm mới sửa xong tiêm kích F-22 Raptor mài bụng xuống đường băng
Không quân Mỹ hé lộ họ đã mất tới 4 năm mới sửa xong tiêm kích F-22 Raptor mài bụng xuống đường băng vào năm 2018.
Theo Việt Hùng/ANTĐ
Xem toàn bộ ảnh
Văn phòng báo chí căn cứ liên hợp Elmendorf-Richardson (JBER) của Mỹ hôm 21/12 cho biết, chiếc tiêm kích F-22 Raptor mài bụng xuống đường băng căn cứ hải quân Fallon hồi tháng 4/2018 đã cơ bản sửa chữa xong.
Giới chức căn cứ JBER không tiết lộ chi phí sửa chữa phi cơ này. Không quân Mỹ từng tiết lộ phải tốn 25 triệu USD để chuyển một tiêm kích F-22 từ trạng thái niêm cất sang sẵn sàng bay thử.
Chiếc máy bay chiến đấu F-22 bị sự cố này mang số hiệu 07-4146, đây là một trong những tai nạn nghiêm trọng đối với dòng chiến đấu cơ đắt đỏ này của Mỹ.
Giới chuyên gia cho rằng quá trình sửa chữa tiêm kích F-22 số hiệu 07-4146 rất tốn thời gian và tiền bạc.
Lính không quân Mỹ từng mất một tháng tháo rời máy bay và đưa nó vào vận tải cơ chiến lược C-5 Galaxy để chuyển về căn cứ JBER.
Lực lượng này tốn thêm một năm chạy phần mềm mô phỏng để xác định khả năng khôi phục hoạt động cho phi cơ, sau đó mới lên kế hoạch sửa chữa.
"Mọi thứ đều suôn sẻ trong phần mềm mô phỏng, máy bay được đưa đến nhà chứa và đặt trên bệ đỡ từ tháng 1/2020. Đó là khi chúng tôi bắt đầu tháo sạch mọi thứ trên phi cơ, đến khi nó chỉ còn bộ khung thân", Trung sĩ Kevin Fitch, kỹ thuật viên tham gia dự án sửa chữa cho hay.
"Các nhà thầu dân sự mất 16 tháng để thay gần như toàn bộ phần bụng máy bay, binh sĩ không quân chỉ được đụng vào nó từ tháng 6 năm nay", Trung sĩ Kevin Fitch cho biết thêm.
Lầu Năm Góc và các nhà thầu dân sự cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình cứu vãn chiếc máy bay, do dây chuyền sản xuất tiêm kích F-22 đã ngừng hoạt động từ lâu, trong khi số máy bay trong biên chế tương đối nhỏ và không có sẵn phi cơ để tháo dỡ linh kiện.
"Chúng tôi phải phối hợp với nhiều cơ quan và bộ phận kỹ thuật để kiếm nguồn phụ tùng cho 07-4146. Những bộ phận giữ lại được sau sự cố cũng được tái sử dụng trên máy bay", Trung sĩ Fitch nói thêm.
Các nhà điều tra của không quân Mỹ kết luận sự cố bắt nguồn từ dữ liệu cất hạ cánh sai sót do chênh lệch độ cao và chiều dài đường băng giữa sân bay Elmendorf-Richardson với Fallon.
Điều này khiến phi công điều khiển chiếc 07-4146 kéo mũi cất cánh và thu càng quá sớm, khiến máy bay không đủ lực nâng và nhanh chóng mất độ cao, trượt dài trên đường băng.
Không quân Mỹ vận hành tổng cộng 186 tiêm kích F-22 trước sự cố tại căn cứ Fallon, nhưng chỉ có 125 chiếc đủ khả năng chiến đấu.
Số còn lại được dùng cho nhiệm vụ thử nghiệm hoặc huấn luyện phi công mới, do thiếu trang thiết bị và phần mềm dùng trong tác chiến. Mỗi tiêm kích F-22 có giá xuất xưởng gần 180 triệu USD, chưa kèm theo vũ khí trang bị.
F-22 được kỳ vọng sẽ là một trong những vũ khí đầu tiên được sử dụng trong các cuộc xung đột trong tương lai, với nhiệm vụ tiêu diệt hệ thống phòng không của đối phương
F-22 Raptor là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 đầu tiên vào biên chế trên thế giới. Độ cơ động đỉnh cao, thiết bị điện tử tân tiến, khả năng tấn công tầm xa, cùng tính năng tàng hình cực đỉnh đã biến F-22 là chiến đấu cơ không đối thủ trong thời điểm hiện tại.
Khả năng phản hồi radar của F-22 chỉ 0,000m2 trong khi của máy bay tàng hình Su-57 Nga lên tới 0,5m2.
Sự tàng hình đỉnh cao là sự kết hợp giữa vỏ máy bay được cấu tạo từ 39% ti tan, 24% composite, 16% nhôm và 21% các thành phần khác.
Titan được sử dụng để chịu lực và chịu nhiệt cho các chi tiết trọng yếu. Sợi composite được sử dụng để bao bọc khung thân, cửa hút khí, cánh máy bay giúp gia tăng khả năng tàng hình. Ngoài ra thiết kế khí động học cực tốt cũng giúp phân tán sóng phản hồi radar của đối phương.
F-22 Raptor là chiến đấu cơ đặc biệt khi chúng được cấu tạo từ những hàng chục ngàn thành phần, được sản xuất bởi 1.100 nhà thầu phụ trải khắp 44 tiểu bang trên nước Mỹ.
F-22 Raptor có thể đạt đến vận tốc siêu thanh mà không cần đốt nhiên liệu lần 2, cho phép nó bay nhanh và xa hơn. Việc đốt nhiên liệu lần 2 giúp máy bay tăng tốc nhanh chóng, nhưng lại cực kỳ tốn nhiên liệu.
F-22 Raptor dài 18,9m, sải cánh 13,6m, cao 5,10m, trọng lượng rỗng 19,7 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 38 tấn.
Máy bay trang bị 2 động cơ phản lực cánh quạt đẩy có buồng đốt phụ Pratt & Whitney F119-PW-100 tích hợp bộ phận điều chỉnh hướng phụt, cho phép máy bay đạt tốc độ tối đa khoảng Mach 2 (2.400km/h).
Máy bay được trang bị hệ thống radar mạng pha cực mạnh AN/APG-77 có khả năng phát hiện mục tiêu cỡ một mét vuông ở khoảng cách lên tới 240km. Đây là điều mà không có loại máy bay nào ngoài F-22 có thể làm được.
Radar AN/APG-77 được hai công ty Northrop Grumman và Raytheon sản xuất và cấu tạo bởi hơn 2.000 thiết bị truyền dẫn tín hiệu. Đây cũng là loại radar phức tạp nhất sử dụng trên chiến đấu cơ của Mỹ.
Đặc biệt, với loại radar này, F-22 Raptor có thể hoạt động như hệ thống chỉ huy và cảnh giới đường không (AWACS) mini - nghĩa là, F-22 xác định rõ các mục tiêu để cùng tham chiến với những chiếc F-15 và F-16.
Thậm chí nó còn có thể xác định được việc hai máy bay đồng minh đang cùng dự định tấn công một mục tiêu, nhờ thế cho phép cảnh báo chúng lựa chọn một mục tiêu khác.
F-22 Raptor cũng được trang bị hệ thống TRW CNI được Boeing sản xuất có nhiệm vụ liên lạc trong suốt hành trình, chia sẻ mục tiêu trong những nhiệm vụ phối hợp và nhận biết bạn - thù.
Ngoài ra, F-22 còn trang bị thiết bị dẫn đường bằng laser LTN-100G và hệ thống GPS cùng cảm biến hạ cánh sản xuất bởi Northrop Grumman.
Về hệ thống vũ khí, ngoài pháo 6 nòng M61A2, F-22 Raptor có ba khoang vũ khí nằm trong thân và các giá treo bên ngoài. Để không chiến, F-22 sẽ mang theo 6 tên lửa AIM-120C AMRAAM tầm xa (tầm bắn 120km) và hai tên lửa AIM-9 Sidewinder.
Để tấn công mặt đất, F-22 mang ba bom thông minh GBU-32 JDAM loại 204kg hoặc 3 bom GBU-30 JDAM loại 454kg cùng một số nhỏ tên lửa không đối không. Trong nhiệm vụ tuần tiễu, F-22 chỉ mang theo bốn thùng dầu phụ và 8 tên lửa tầm ngắn AIM-9.
Hiện nay đang có một số đề xuất từ các nghị sĩ Mỹ, nhằm cho phép việc tái sản xuất loại chiến đấu cơ để duy trì ưu thế tuyệt đối trước các đối thủ.