Mỹ nhân nào đẹp nhất truyện Kim Dung nhưng chưa từng xuất hiện trên phim?
Là một trong Tứ đại mỹ nhân Trung Quốc thời cổ đại và cũng là một nhân vật trong truyện Kim Dung nhưng trong bộ phim được chuyển thể vào năm 1986 lại không có Tây Thi.
Thiên Trang (TH)
Xem toàn bộ ảnh
Tây Thi tên thật là Thi Di Quang là người đứng đầu trong Tứ đại mỹ nhân Trung Quốc. Tây Thi nổi tiếng với sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Tuy nhiên đáng tiếc, nàng nhanh chóng bị kéo vào cuộc chiến tranh tàn khốc giữa hai nước Ngô, Việt.
Có một giả thuyết đưa ra là, sau khi nước Ngô bị nước Việt diệt vong, Tây Thi đã bị người ta ném xuống sông mà chết. Tuy nhiên, vấn đề là, ai là người đã nỡ tâm dìm chết Tây Thi thì đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.
Trong Việt Nữ Kiếm, Kim Dung lại tìm một cách tiếp cận khác để tả Tây Thi. Việt Nữ Kiếm chỉ là một truyện ngắn, không được Kim Dung liệt vào 14 bộ sách chính của ông. Câu chuyện được xây dựng trên bối cảnh Ngô Việt thời Chiến quốc.
Nhân vật chính là một cô bé chăn dê tên A Thanh, còn Tây Thi chỉ xuất hiện một lần duy nhất ở cuối câu truyện, nhưng hình tượng lại nổi bật lên bởi A Thanh.
Truyện kể hằng năm các kiếm sĩ của nước Ngô sang nước Việt thi đấu kiếm, và họ có thái độ rất ngông nghênh vì kiếm pháp của họ đã lấn áp hoàn toàn các tay kiếm cừ khôi của nước Việt. Điều đó khiến Phạm Lãi rất lo buồn.
Trên đường đưa Tây Thi đi cống nạp, Phạm Lãi đã yêu Tây Thi, nên đó cũng là động cơ thôi thúc Phạm Lãi tiến hành kế hoạch giúp Câu Tiễn diệt Ngô. Một kẻ muốn diệt Ngô để báo thù và xưng bá thiên hạ, còn một người muốn diệt Ngô chỉ để sớm trùng ngộ giai nhân. Trong tâm trạng lo buồn đó, Phạm Lãi gặp được A Thanh.
A Thanh là một cô gái chăn dê ở nước Việt. Hằng ngày, có một con vượn trắng dùng cây đánh nhau với cô trên đồng cỏ để đùa bỡn, vô tình qua những phản xạ khi giao đấu, cô lại học được một loại kiếm pháp thượng thừa. Một lần do tình cờ Phạm Lãi chứng kiến cảnh cô dùng cây gậy trúc đánh mù mắt tất cả các tay kiếm nước Ngô, vì bọn này chọc ghẹo và giết dê của cô.
Ông biết đây là vị cứu tinh của đất nước nên tìm cách làm thân và mời cô về luyện kiếm cho các kiếm sĩ nước Việt. Cô không biết dạy, mà chỉ biểu diễn kiếm pháp một vài lần cho các tay kiếm xem, sau đó lại biệt tích. Nhưng những gì cô để lại đủ giúp cho kiếm sĩ nước Việt trở nên những tay kiếm cừ khôi, và giúp nước Việt tiêu diệt nước Ngô.
Nhiều lần Phạm Lãi kể chuyện nữ thần sông Tương cho A Thanh nghe. Ông tả cho cô nghe vẻ đẹp của Tương phi nhưng trong lòng lại nhớ đến Tây Thi, nên dùng Tây Thi để tả Tương phi. Cô bé chăn dê ngây thơ A Thanh lại đem lòng yêu Phạm Lãi, nên cô rất tò mò muốn biết Tây Thi là ai.
Cô không tin rằng trên đời lại có người đẹp đến thế. A Thanh cũng âm thầm theo chân đoàn quân nước Việt tiến vào kinh đô nước Ngô. Lúc kinh đô nước Ngô bị phá, Phạm Lãi hội ngộ Tây Thi cũng là lúc cô xông vào trướng phủ để giết Tây Thi.
Lúc này Phạm Lãi mới hiểu ra A Thanh đã yêu mình. Phạm lãi liền cho điều một nghìn tên giáp sĩ, một nghìn kiếm sĩ, chia ra thủ ngự mặt trước, mặt sau Quán Oa cung. Và băn khoăn không biết xử lý A Thanh thế nào vì cô ấy là ân nhân của nước Việt. A Thanh biết Phạm Lãi yêu Tây Thi và đang ở bên nàng.
Nữ kiếm sĩ vượt qua hàng rào thị vệ, đến chỗ đôi tình nhân định xuống tay. Tuy nhiên, cô nhận ra Tây Thi quá đẹp, gây rúng động lòng người nên bỏ đi. Chỉ qua chi tiết nhỏ này, Kim Dung đã thể hiện được nhan sắc nhân vật. Sau đó Phạm Lãi bỏ lại tất cả, đưa Tây Thi đi bơi thuyền trên Thái Hồ, cắt đứt mọi mối quan hệ với thế giới bên ngoài, sống cuộc đời phóng khoáng tự do, ung dung tự tại.
Do là truyện ngắn, "Việt nữ kiếm" ít thu hút các nhà làm phim. Tác phẩm chỉ một lần được đài chuyển thể vào năm 1986 và bản này không có Tây Thi. Tuy nhiên, nhân vật là một trong Tứ đại mỹ nhân thời cổ Trung Quốc, xuất hiện nhiều lần trong các phim và tác phẩm văn học khác, không liên quan đến Kim Dung.
>>>Xem thêm video: Vẻ đẹp của thành phố Lhasa, khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc (Nguồn: VOV).