Trong khi Trung Quốc đang cố gắng hết sức để loại bỏ vấn đề Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự ở Hội nghị cấp cao APEC ở Manila, thì Mỹ và Nhật Bản lại có những toan tính riêng.
Trong tuần này, có tới hai hội nghị thượng đỉnh quan trọng diễn ra lần lượt ở Châu Á đó là Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (gọi tắt là APEC) diễn ra ở Philippines và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) tổ chức ở Malaysia sau đó. Trong khuôn khổ hai hội nghị này, nhiều vấn đề nóng trong khu vực sẽ được đưa ra bàn thảo. Và một trong số đó chính là vấn đề tranh chấp Biển Đông vốn kéo dài dai dẳng nhiều năm qua.
Ảnh chụp Đá Chữ Thập mà Trung Quốc đang bồi đắp trái phép hôm 21/5/2015 từ máy bay trinh sát Mỹ. |
Trung Quốc – quốc gia trung tâm trong cuộc tranh chấp này – đã bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng Hội nghị cấp cao APEC không phải là nơi thích hợp để thảo luận về vấn đề Biển Đông. Quả thực, trong chuyến công du tới Manila, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra thông điệp rằng, Bắc Kinh không muốn đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông vào chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao APEC. Các quan chức Philippines sau đó nói rằng họ sẽ không đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự, nhưng cũng không thể ngăn cản các nước thành viên APEC đề cập đến vấn đề này. Cụ thể, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, Charles Jose, cho biết vấn đề Biển Đông có thể trở thành vấn đề thảo luận không tránh khỏi giữa các nhà lãnh đạo APEC trong các cuộc họp kín hoặc song phương.
Tuy nhiên, Mỹ, ít nhất, có vẻ quyết tâm đưa việc này ra ngay cả khi cuộc tranh chấp ở Biển Đông không xuất hiện trong bất kỳ tuyên bố chính thức nào trong khuôn khổ APEC năm nay. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice hồi tuần trước trả lời các phóng viên rằng Biển Đông “sẽ là một vấn đề trung tâm trong các cuộc thảo luận ở cả Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lẫn Hội nghị ASEAN-Mỹ và các cuộc gặp gỡ khác sắp tới ở Châu Á”.
Thực sự, không cần quá nhiều thời gian để kiểm chứng quyết tâm trên của phía Mỹ xoay quanh việc này. Sau khi đặt chân tới Manila, trong lần tới thăm quan tàu khu trục BRP Gregoria del Pilar của Hải quân Philippines hôm 17/11, Tổng thống Obama cũng đã có những phát biểu về vấn đề tự do hàng hải.
“Chuyến thăm của tôi (trên con tàu này) nhằm nhấn mạnh các cam kết của Washington tới an ninh trong khu vực và tự do hàng hải”, ông Obama phát biểu ngay sau khi thăm con tàu này. Ông cũng thông báo việc cấp thêm hai tàu nữa (bao gồm một tàu tuần duyên và một tàu nghiên cứu) cho Hải quân Philippines trong thời gian tới. Mặc dù, ông chủ Nhà Trắng không đề cập cụ thể tới cuộc tranh chấp Biển Đông, nhưng đó lại là cách mà các quan chức Mỹ thường hay vận dụng để bày tỏ mối quan ngại gia tăng về tự do hàng hải.
Ngoài ra, Tổng thống Obama cũng đề cập đến tranh chấp Biển Đông trong cuộc gặp riêng với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và nói rằng: “Việc duy trì những nguyên tắc cơ bản là việc rất quan trọng. Các vấn đề này nên được giải quyết bằng luật pháp quốc tế”.
Dự kiến, trong cuộc gặp với người đồng cấp Philippines Benigno Aquino hôm 19/11, ông Obama cũng sẽ đưa vấn đề Biển Đông ra bàn luận.
Tổng thống Obama phát biểu với báo giới hôm 17/11 sau khi thăm quan tàu khu trục BRP Gregoria del Pilar của Hải quân Philippines. |
Mỹ không phải là nước duy nhất muốn đưa cuộc tranh chấp ở Biển Đông ra thảo luận. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đem việc này ra thảo luận trong các cuộc gặp song phương, bao gồm các sự kiện bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra đầu tuần này. Trong suốt cuộc nói chuyện với Thủ tướng Hà Lan và Australia, ông Abe bày tỏ hy vọng về quan hệ hợp tác bền chặt hơn nữa nhằm đảm bảo các nước tôn trọng luật pháp và tự do hàng hải ở Đông Á.
Trong khi đó, Trung Quốc được cho là đang ở thế phòng thủ về việc này. Hôm 17/11, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân phát biểu với cánh báo giới rằng, Bắc Kinh mong muốn đại diện các nước tham gia hai hội nghị cấp cao nói trên cần tập trung bàn thảo vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chứ không nên xoáy sâu vào cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, Thứ trưởng Lưu cũng thừa nhận rằng, điều này là không thể xảy ra. “Mặc dù chúng tôi không muốn vấn đề Biển Đông trở thành đề tài nóng hổi tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Tuy nhiên, việc một số nước có thể nêu ra vấn đề này và đó là điều không thể tránh khỏi”, Tân Hoa Xã trích dẫn phát biểu của Thứ trưởng Lưu.
Thứ trưởng Lưu Chấn Dân lu loa rằng Trung Quốc “mới là nạn nhân của vụ tranh chấp đó” (?) và rằng Trung Quốc “đã rất kiềm chế” không chiếm lại các đảo, đá ở Quần đảo Trường Sa “bị nước ngoài chiếm đóng” dù có quyền và khả năng làm việc đó (?). Vị quan chức Trung Quốc tiếp tục đưa ra luận điệu biện minh rằng, hoạt động bồi đắp trái phép mà Bắc Kinh đang làm ở Biển Đông trước hết là vì mục đích dân sự.
Chẳng những vậy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng có những phản ứng mạnh mẽ trước việc Nhật Bản quan tâm tới cuộc tranh chấp Biển Đông này. Hôm 18/11, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi cho biết, Trung Quốc “không hài lòng” với việc Thủ tướng Nhật Abe thường đưa cuộc tranh chấp này ra trong các cuộc gặp gỡ và còn cáo buộc Tokyo đã “thổi phồng” vụ việc.