Mỹ sẽ viện trợ xe tăng từ thời Bão táp Sa mạc cho Ukraine
Các xe tăng M1A1 Abrams từng rất thành công trong chiến dịch Bão táp Sa mạc hồi năm 1991, đã được Mỹ lên kế hoạch viện trợ cho Ukraine.
Trần Trân
Xem toàn bộ ảnh
Tạp chí Popular Mechanic của Mỹ cho biết, thượng nghị sĩ Lindsey Graham xác nhận, nước này sẽ sớm viện trợ một số lượng lớn xe tăng chủ lực Abrams cho Ukraine.
Theo thông tin được tiết lộ, Mỹ sẵn sàng viện trợ cho Ukraine khoảng 200 xe tăng chủ lực Abrams, phiên bản được lựa chọn là M1A1 Abrams.
M1A1 là phiên bản rất thành công của xe tăng chủ lực Abrams, đây là phiên bản cải tiến từ chiếc M1 Abrams gốc, bắt đầu được sản xuất từ năm 1985.
Theo ước tính của Military Today, có khoảng 4800 xe tăng M1A1 từng được chế tạo. So với các loại xe tăng cùng thời, M1A1 có nhiều điểm vượt trội hơn hoàn toàn, và đã được chứng minh trong thực chiến.
Cụ thể, xe tăng M1A1 có lớp vỏ giáp cực kỳ đặc biệt, với hợp chất composite kết hợp với uranium, cho phép nó có khả năng chống xuyên tốt hơn, nhưng trọng lượng không bị gia tăng quá nhiều.
Xe tăng M1A1 từng trực tiếp đối đầu với lực lượng xe tăng của Iraq trong chiến dịch Bão tạp Sa mạc năm 1991 và tỏ ra vượt trội hoàn toàn. Điểm vượt trội nhất là tầm bắn của các xe tăng M1A1 - lên tới 4km - xa hơn mọi loại xe tăng ở thời điểm bấy giờ.
Khẩu pháo M256 120mm trên xe tăng M1A1 tốt tới nỗi, ở phiên bản xe tăng Leopard 2A5 của Đức cũng sử dụng khẩu pháo chính tương tự. Tuy nhiên, đây là khẩu pháo nạp đạn bằng tay, hoàn toàn không có cơ chế nạp đạn tự động.
Giáp bảo vệ của M1A1 cũng khá hiện đại. Theo Military Today, lớp giáp M829A2 của xe tăng M1A1 Abrams có khả năng tương đương với lớp giáp trên xe tăng T-80U và T-90 của Nga.
Tuy nhiên, việc Mỹ viện trợ xe tăng M1A1 Abrams cho Ukraine, vẫn khiến nhiều người phải hoài nghi, khi mà chiến trường Ukraine vốn nổi tiếng với việc triệt hạ xe tăng của các bên tham chiến.
Các xe tăng M1A1 Abrams của Mỹ, về cơ bản cũng không có khả năng sống sót trên chiến trường tốt hơn so với T-80U và T-90. Và trong khi T-90M của Nga vẫn bị hạ gục tại Ukraine, thì không có gì đảm bảo về việc "lật ngược thế cờ" của các xe tăng M1A1.
Ngoài ra, quân đội Ukraine cũng chưa có kinh nghiệm vận hành xe tăng theo tiêu chuẩn NATO, chưa hề có cơ sở hạ tầng để bảo dưỡng, bảo quản xe tăng Mỹ. Thậm chí các kíp lái và các đội bảo dưỡng của Ukraine, cũng chưa được tốt nghiệp. Điều này khiến khả năng vận hành của xe tăng Abrams tại Ukraine, trở thành một nghi vấn lớn.
Mặc dù vậy, khi mà kho vũ khí chuẩn Liên Xô còn tồn trong kho của NATO đã gần như cạn kiệt sau nhiều tháng viện trợ liên tục cho Ukraine, dường như sắp tới đây, xe tăng Mỹ và xe tăng NATO, sẽ là sự lựa chọn duy nhất dành cho Kiev.