Mỹ tăng cường dùng UAV giám sát Biển Đông
(Kiến Thức) - Bộ Quốc phòng Mỹ đang có kế hoạch tăng 50% các chuyến bay UAV giám sát trên toàn cầu, trong đó có Biển Đông, trong vòng bốn năm tới.
Một quan chức quốc phòng Mỹ cấp cao nói với tờ Wall Street Journal rằng Lầu Năm Góc tìm cách cải thiện khả năng dùng các chuyến bay UAV giám sát, thu thập thông tin tình báo ở Ukraine, Iraq, Syria, Bắc Phi và Biển Đông.
Riêng ở Biển Đông, máy bay do thám Mỹ vấp phải các biện pháp chống trả quyết liệt của Trung Quốc.
|
Máy bay do thám hiện đại Global Hawk của Mỹ. |
Cụ thể, các kế hoạch mới đã dự trù gia tăng số lượng các chuyến bay do thám hàng ngày từ mức 61 chuyến lên 90 chuyến vào năm 2019. Hiện thời, phần lớn các chuyến bay do thám là do Không quân Mỹ (USAF) thực hiện. Tuy nhiên, ngoài gần 60 chuyến bay của USAF, kế hoạch mới dự trù thêm 16 chuyến bay của Lục quân Mỹ, 4 chuyến của Bộ chỉ huy Các lực lượng đặc biệt và khoảng 10 chuyến bay do thám của các nhà thầu làm việc cho chính phủ. Không quân Hoa Kỳ hiện đang chia sẻ thông tin tình báo từ 22 trong số 60 phi vụ do thám hàng ngày với Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Hồi tháng 10/2014, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã cắt giảm số chuyến bay UAV từ 65 xuống 60 chuyến/ngày do các phi công của Không quân Mỹ bị quá tải.
Lầu Năm Góc có kế hoạch dần dần tăng cường vai trò của các ngành dịch vụ khác cũng như các nhà thầu của chính phủ. Đến năm 2017, Lục quân Mỹ sẽ thực hiện 8 chuyến bay do thám bằng UAV/ngày và các nhà thầu của chính phủ thực hiện 6 chuyến bay/ngày.
|
UAV vũ trang MQ-9 Reaper của Mỹ. |
Ở Biển Đông, Lầu Năm Góc gần đây vấp phải nhiều khó khăn trong việc thu thập dữ liệu trinh sát do Trung Quốc gây nhiễu điện tử đối với máy bay không người lái của Mỹ.
Theo báo mạng The Washington Free Beacon, quân đội Trung Quốc đã gây nhiễu điện tử đối với một máy bay giám sát không người lái Global Hawk, khi chiếc UAV tầm xa này đang thu thập dữ liệu về căn cứ quân sự của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa hồi tháng 4/2015.
Báo này cũng trích dẫn một bản tin quân sự Trung Quốc vạch ra các nhược điểm của máy bay do thám của Mỹ trước các biện pháp chống trả của Trung Quốc. Theo bản tin quân sự Trung Quốc, các UAV và các trạm mặt đất thường cách nhau khá xa nên phải phụ thuộc vào thông tin liên lạc qua vệ tinh. Nếu Trung Quốc có thể làm gián đoạn thông tin liên lạc vệ tinh, máy bay do thám Mỹ sẽ không thể thực hiện nhiệm vụ và phải bay về địa điểm xuất phát.
Mới đây, Không quân Mỹ tuyên bố sẽ cho “về vườn” loại máy bay không người lái vũ trang MQ-1 Predator - vũ khí chính trong các cuộc không kích bằng UAV - vào năm 2018 và thay thế bằng loại UAV vũ trang MQ-9 Reaper.
|
Máy bay không người lái vũ trang MQ-1 Predator phóng tên lửa. |
Một phát ngôn viên của Không quân Mỹ ngày 14/8 cho biết: “Lực lượng không quân hiện đang cho về hưu tất cả các máy bay không người lái MQ-1 Predator và hoàn tất việc chuyển sang sử dụng MQ-9 vào năm 2018”.
Sau nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo, giám sát và trinh sát, kế hoạch mới của Lầu Năm Góc cũng bao gồm việc tăng số lượng các cuộc không kích bằng máy bay không người lái. Kể từ năm 2004, các cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ đã sát hại từ 2.400 đến 4.000 người ở Pakistan.