Tổng thống và Quốc hội Mỹ có nguy cơ đẩy nhau cùng rơi xuống "vách đá tài chính" |
Cho đến nay, người ta ít được biết về thỏa thuận này và hiện cũng chưa rõ liệu thỏa thuận này có trụ vững trước một Quốc hội Mỹ đang ở trong tình trạng chia rẽ sâu sắc.
Từ lâu, đã có nhiều cảnh báo về khả năng nước Mỹ rơi xuống “vách đá tài chính”. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng với tổng nợ chính phủ lên tới gần 16,4 nghìn tỷ USD, nước Mỹ sẽ phải đối mặt với một con quỷ khủng khiếp hơn nhiều so với “vách đá tài chính” hiện nay.
Các khoản nợ của chính phủ Mỹ, hiện đã hơn 100% GDP, đang khiến cho cuộc khủng hoảng nợ từng lật đổ nhiều chính phủ châu Âu… càng trở nên tồi tệ hơn.
Là siêu cường duy nhất trên thế giới, nước Mỹ rõ ràng không phải là Hy Lạp. Đồng USD vẫn là đồng tiền thống trị trong hệ thống tiền tệ toàn cầu. Washington vẫn có thể vay vốn với chi phí thấp, ngay cả khi một số nền kinh tế châu Âu nhỏ hơn bị “cấm cửa hoàn toàn”, không thể tiếp cận thị trường trái phiếu toàn cầu.
Mặc dù có thể “bội chi” trong một thời gian nào đó, nhưng đơn giản là chính phủ và người Mỹ không thể nào tiếp tục sống theo cái kiểu “bóc ngắn, cắn dài” mãi mãi.
Chính phủ Mỹ đã bị thâm hụt ngân sách quá lâu. Từ năm 2002 đến nay, không có năm nào chính phủ Mỹ thặng dư ngân sách. Nước Mỹ đã vay mượn quá nhiều để chi tiền cho các cuộc chiến tranh “hao người, tốn của” ở Trung Đông và kích thích nền kinh tế suy thoái trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Chính phủ Mỹ cũng đã ban hành hàng trăm tỷ USD trái phiếu chính phủ để trang trải những chi phí ngày càng phình to hơn bao giờ hết. Khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke đặt ra thuật ngữ “ vách đá tài chính”, ông ta chắc cũng đã nhận thức được “lỗ thủng” 16,4 nghìn tỷ USD trong lĩnh vực tài chính công của nước Mỹ.
Chỉ có điều, nếu gọi 600 tỷ USD tiền tăng thuế và cắt giảm chi tiêu là “vách đá tài chính”, thì tổng nợ chính phủ của Mỹ phải gọi là “vực thẳm tài chính”. Đáng lo ngại nhất là khi các chính khách Mỹ đang đùn đẩy nhau cùng rơi xuống “vách đá tài chính”, họ ít có khả năng đạt được một thỏa thuận để giúp đất nước thoát khỏi “vực thẳm tài chính”.
Trong một nền dân chủ như Mỹ, tăng thuế và cắt giảm chi tiêu… chính là liều thuốc cần thiết để chữa căn bệnh nợ mãn tính. Khốn nỗi, những biện pháp cần thiết này lại tỏ ra cực kỳ mất lòng dân và chắc chắn sẽ khiến cho chính giới mất đi sự ủng hộ của cử tri. Vì vậy, các chính trị gia Mỹ luôn tìm cách né tránh vấn đề này.
Tuy nhiên, căn bệnh kinh niên “nợ công” vẫn còn đó và sẽ không bao giờ biến mất. Người dân Mỹ có thể làm ngơ vấn đề này để rồi rơi xuống “vực thẳm tài chính” không có đường lên?
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN: