Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Tillerson nói: "Trung Quốc và Nga phải tỏ ra không khoan nhượng đối với những vụ phóng tên lửa liều lĩnh này bằng cách hành động trực tiếp”.
Đường đi của tên lửa Triều Tiên bay qua không phận Nhật Bản. Ảnh: CNN.com |
Thủ tướng Shinzo Abe nói rằng Nhật Bản sẽ không bao giờ chấp nhận cái mà ông gọi là "hành động khiêu khích nguy hiểm đe doạ hòa bình thế giới" của Bình Nhưỡng.
Thủ tướng Abe nói: "Chúng ta không bao chấp nhận việc Triều Tiên giẫm đạp lên… các nghị quyết của LHQ và lại tiếp tục hành động thái quá này” .
Tên lửa đạn đạo không xác định được Triều Tiên phóng sáng 15/9 đã đạt độ cao khoảng 770 km và bay xa tới 3.700 km, đủ để tấn công đảo Guam thuộc lãnh thổ Mỹ trên Thái Bình Dương.
Hồi tháng trước, Triều Tiên bắn một tên lửa từ khu vực gần thủ đô Bình Nhưỡng, cũng bay qua đảo Hokkaido và rơi xuống Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tên lửa mà Triều Tiên phóng sáng 15/9 thứ sáu bay xa hơn 1.000 km và cao hơn 200 km.
Vụ Triều Tiên phóng tên lửa ngay lập tức kích hoạt báo động khẩn cấp ở Nhật Bản, với tin nhắn văn bản và loa phóng thanh yêu cầu cư dân trên đường bay tiềm năng của tên lửa để tìm chỗ trú ẩn.
Hàn Quốc cho biết đã bắn thử tên lửa ra biển để đáp lại vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia. Nhật Bản cũng làm điều tương tự.
Australia nhanh chóng lên án vụ phóng tên lửa ngày 15/9 của Triều Tiên. Thủ tướng Malcolm Turnbull tuyên bố: "Đây là một hành động nguy hiểm, liều lĩnh… của chế độ Bắc Triều Tiên, đe dọa ổn định của khu vực và trên thế giới. Chúng tôi cực lực lên án hành động này. Đây là một dấu hiệu về sự tuyệt vọng của họ (của Bình Nhưỡng) trước các lệnh trừng phạt gia tăng đối với Triều Tiên gần đây do Hội đồng Bảo an áp đặt. Đó là một dấu hiệu cho thấy các biện pháp chế tài đang tỏ ra hữu hiệu”.