Nạn nhân bị TikToker Mr Pips lừa đảo có lấy lại được tiền?
Những nhà đầu tư bị TikToker Mr Pips lừa đảo sẽ trở thành người bị hại nên cần khẩn trương liên hệ với cơ quan điều tra, cung cấp thông tin tài liệu về phương thức thủ đoạn phạm tội…
Hải Ninh
VKSND TP Hà Nội đang phối hợp với Công an TP Hà Nội tiếp tục mở rộng điều tra đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng liên quan Phó Đức Nam (30 tuổi, TikToker Mr Pips).
Trong vụ án, Phó Đức Nam, Lê Khắc Ngọ (SN 1990, trú tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) và 24 bị can khác bị khởi tố về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Không tố giác tội phạm” và “Rửa tiền”.
Tiktoker Mr Pips.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, TikToker Mr Pips nổi tiếng bởi những video đăng tải cuộc sống xa hoa, dạy cách kiếm tiền, với hàng trăm nghìn lượt theo dõi trên TikTok và YouTube. Tuy nhiên, đối tượng này bị khởi tố về hành vi lừa đảo một lần nữa cho thấy, sự “phông bạt”, hào nhoáng, có nhiều tài sản, làm giàu nhanh một cách bất thường là do phạm tội mà có.
Cơ quan điều tra sẽ mở rộng điều tra làm rõ đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản này. Ngoài đối tượng chủ mưu cầm đầu dựng ra kịch bản để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử lý hình sự, các đối tượng khác trong đường dây mà biết đây là các phương thức thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn thực hiện hành vi, cùng ý chí đối với đối tượng cầm đầu cũng được xác định là đồng phạm với vai trò giúp sức hoặc người thực hành, trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội nên sẽ bị xử lý cùng về một tội danh là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Với các đối tượng biết đây là đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng không tố giác cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội không tố giác tội phạm Theo quy định tại điều 390 Bộ luật Hình sự với hình phạt có thể tới 3 năm tù.
Ngoài ra, những người biết rõ số tiền, tài sản có được do phạm tội mà có nhưng vẫn tiếp nhận để đưa vào các giao dịch nhằm che giấu nguồn gốc tài sản phạm tội sẽ bị xử lý hình sự về tội “rửa tiền” theo quy định tại điều 324 Bộ luật Hình sự với hình phạt ở mức cao nhất có thể tới 15 năm tù.
Trong vụ án trên, với những người lao động làm thuê, nhận thức hạn chế, chỉ thực hiện một phần công việc mà không biết được các đối tượng đang thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì không bị xử lý hình sự. Còn các đối tượng có vai trò là người lãnh đạo, người tổ chức, quản lý của doanh nghiệp, được bàn bạc, tham gia xây dựng hệ thống, biết rõ là phương thức thủ đoạn đầu tư như vậy là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng vì ham lợi nhuận nên vẫn thực hiện hành vi thì được xác định là đồng phạm về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nhận thức, hành vi, lợi nhuận ăn chia và các yếu tố khác để xác định những người hoạt động trong đường dây này ai là đồng phạm, ai chỉ là người lao động đơn thuần để phân hóa, phân loại, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Luật sư Cường cho biết, đây là một trong những vụ án mà cơ quan tiến hành tố tụng phong tỏa, thu giữ được số lượng tài sản lớn nhất. Tài sản bị thu giữ trị giá lên đến hơn 5000 tỷ đồng là một số tiền rất lớn.
Những nhà đầu tư bị mất tiền từ hoạt động đầu tư của các đối tượng này sẽ trở thành người bị hại nên khẩn trương liên hệ với cơ quan điều tra, cung cấp thông tin tài liệu về phương thức thủ đoạn phạm tội của các đối tượng, về việc chuyển tiền và các chứng cứ tài liệu khác có liên quan để cơ quan tố tụng đưa vào danh sách những người bị hại.
Các bị hại được quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu phải được quyền đề nghị mức hình phạt đối với người phạm tội và đề nghị bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, được tham gia quá trình tố tụng và được trình bày tại phiên tòa. Người bị hại ở xa cũng có thể ủy quyền cho người thân hoặc cho luật sư tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Cơ quan điều tra cũng sẽ tiếp tục làm rõ nguồn gốc tài sản, đường đi của dòng tiền để tiếp tục truy thu, phong tỏa, cưỡng chế đối với các tài sản để tránh việc tẩu tán tài sản và xử lý các đối tượng thực hiện hành vi rửa tiền theo quy định của pháp luật.
Vụ án này sẽ có rất nhiều người bị hại và số tiền các đối tượng chiếm đoạt được cũng sẽ ăn tiêu hoang phí và có thể chuyển hóa thành các loại tài sản khác không thể thu hồi lại. Chính vì vậy không phải người bị hại nào cũng có cơ hội lấy lại tiền mặc dù số tiền thu giữ đặc biệt lớn.
Vụ án là bài học cho nhiều người trẻ khi muốn làm giàu nhanh chóng, bất chấp trên không gian mạng. Đồng thời sẽ là bài học cho nhiều người bị hại khi thiếu kiến thức đầu tư, thiếu hiểu biết pháp luật, muốn kiếm tiền một cách nhanh chóng, dễ dàng trên không gian mạng.
Điều tra xác định, tháng 6/2019, Phó Đức Nam cấu kết với Lê Khắc Ngọ lập đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo mô hình của các công ty môi giới chứng khoán. Các đối tượng đã núp bóng dưới danh nghĩa công ty, trang mạng hoạt động về lĩnh vực telemarketing (tiếp thị, quảng bá sản phẩm qua điện thoại), telesales (tư vấn, bán hàng qua điện thoại), tư vấn đầu tư tài chính, môi giới chứng khoán với những mã cổ phiếu như Facebook, Apple, Pepsi, Microsoft, Adidas, nhằm dụ dỗ, lôi kéo các khách hàng tham gia.
Các bị can lập trang web "artexvina.co" tuyển dụng nhân viên, xây dựng hình ảnh công ty hoạt động bài bản, chuyên nghiệp về lĩnh vực tư vấn đầu tư chứng khoán trên sàn quốc tế. Nam và Ngọ sau đó sử dụng đội ngũ nhân viên để tiếp cận, tư vấn, chào mời khách hàng tham gia đầu tư. Đáng chú ý, nhóm bị can lập các chi nhánh trên toàn quốc, chủ yếu tập trung ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Campuchia.
Theo cơ quan chức năng, Phó Đức Nam cùng đồng phạm sử dụng nhiều tài khoản công ty "ma", ví điện tử nhận tiền của khách hàng, dụ dỗ khách hàng vào những nhóm chat riêng. Sau đó, các bị can hướng dẫn các bị hại nạp tiền, rút tiền thành thạo để tạo niềm tin, sau đó tư vấn đánh các lệnh lớn, kích thích nạp thêm tiền, sử dụng đòn bẩy tiền vay để bị hại nhanh chóng "cháy" tài khoản (thua hết tiền). Khi các bị hại đã thua hết tiền, nhóm này sẽ tiếp tục mời bị hại tham gia một sàn mới với những lời mời chào, giới thiệu hấp dẫn hơn, cam kết sẽ thắng lại số tiền đã mất, nhằm tiếp tục chiếm đoạt tài sản của bị hại.
Để thực hiện hành vi phạm tội, Phó Đức Nam cùng Lê Khắc Ngọ đã tổ chức, thành lập nhiều bộ phận khác nhau (bộ phận IT, bộ phận Support, bộ phận hành chính, bộ phận an ninh…) và đào tạo bài bản trong hệ thống.
Tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở và nơi làm việc của các bị can, cơ quan điều tra đã thu giữ, phong tỏa tài sản của các đối tượng tổng trị giá hơn 5.000 tỷ đồng. Trong đó, gồm 127 tỷ đồng tiền mặt, các sổ tiết kiệm khoảng 306 tỷ đồng, 216kg vàng, 128 bất động sản, 30 xe ô tô các loại, phong tỏa 9 tỷ đồng trái phiếu và nhiều tài sản có giá trị khác.
>>> Mời độc giả xem thêm video Người phụ nữ suýt mất 700 triệu đồng cho đối tượng xưng công an lừa đảo:
Bệnh viện Nhi T.Ư cảnh báo hình thức lừa đảo mới xuất hiện
Chiều 4/10, Bệnh viện Nhi trung ương đưa ra cảnh báo tới bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về hình thức lừa đảo mới xuất hiện tại bệnh viện.
Cụ thể, hiện nay, việc quét mã QR để thanh toán đang trở nên rất phổ biến. Thay vì nhập tên ngân hàng, số tài khoản, người dùng chỉ cần quét mã QR là thông tin tự động được điền, giúp cho việc thanh toán trở nên nhanh chóng, thuận tiện.
Đồng Nai: Nhóm đối tượng đã lừa bán “cục đá hơn 300 tỉ“ thế nào?
Nhóm đối tượng nói, nếu giúp bán được cục đá được quảng cáo rất quý đúng giá 306 tỉ đồng thì ông N. sẽ được hưởng 4% (tương đương khoảng 12 tỉ đồng).
Ngày 7/1, Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Võ Quang Trực, Nguyễn Công Hậu cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Công an cũng khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thị Tuyết Lan, Nguyễn Thị Hiệp về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và Trịnh Thị Chi, tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Bị lừa 200 triệu, tìm luật sư đòi lại tiền lại bị lừa tiếp
Một người phụ nữ ở Hà Nội vừa sập bẫy thủ đoạn giả danh luật sư hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo. Hậu quả của vụ việc khiến người này liên tiếp bị lừa tiền.
Ngày 17/2, thông tin từ Công an TP.Hà Nội, hiện nay trên mạng xã hội Facebook xuất hiện các tài khoản giả danh Luật sư đăng bài hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo. Nhiều người bị lừa đảo thay vì ra cơ quan Công an trình báo sự việc đã liên hệ các tài khoản giả danh Luật sư với mong muốn được thu hồi tiền lừa đảo.
Theo đó, đánh vào tâm lý những người từng bị lừa đảo mong muốn lấy lại số tiền đã mất, các đối tượng đã giả danh luật sư để hỗ trợ thu hồi. Các đối tượng sau đó sẽ giả vờ kết nối với bên an ninh mạng và thông báo với nạn nhân phải đóng phí để thu hồi tiền lừa đảo.