Nếu không vẽ ngựa đời vô nghĩa

(Kiến Thức) - "Có bữa, mấy tiếng liền tôi chỉ đứng để ngắm nhìn hai mẹ con ngựa. Chú ngựa con làm nũng, đùa nghịch với mẹ, ngựa mẹ âu yếm, vỗ về con...", ông Đức chia sẻ.

Lang thang nhiều ngày dài theo bầy ngựa, quan sát tỉ mẩn cuộc sống của ngựa, đốt rất nhiều tiền vào cọ, màu dầu, cố gắng lột tả cho được “tâm hồn” ngựa...Không phải là một họa sỹ, ông Đức bảo, ông làm tất cả là vì một tình yêu đặc biệt với ngựa. Nếu không vẽ ngựa, ông thấy đời mình vô nghĩa.

Ngựa cũng có tâm hồn

Dù đã được giới thiệu từ trước, tôi vẫn khá ngỡ ngàng khi trong phòng khách nhà ông Trần Huy Đức (Lê Chân, Hải Phòng) giăng đầy tranh ngựa và ngựa.

"Xem bức vẽ này, nhiều người bảo, như nghe được tiếng hý đau khổ của chú ngựa mất bạn. Tôi ghét chiến tranh, muốn phản đối chiến tranh", ông Đức nói.
 "Xem bức vẽ này, nhiều người bảo, như nghe được tiếng hý đau khổ của chú ngựa mất bạn. Tôi ghét chiến tranh, muốn phản đối chiến tranh", ông Đức nói.

Một chồng giấy dó cao ngất ở dưới nhà, tôi lật giở định xem, ông cười ngượng nghịu: “Đó là những bản vẽ hỏng của tôi. Nhiều lắm. Cả đống trên nóc tủ kia kìa”. Và chuyện của ông, từ câu đầu tiên, đã là về ngựa.

“Có lần tôi nhìn một chú ngựa đang chở hàng, mình đẫm mồ hôi, xe đã nặng lắm rồi mà chủ vẫn tiếp tục chất thêm đồ lên, bất chợt tôi thấy trong mắt chú nỗi buồn chất chứa của kiếp làm nô lệ. Nhưng, cũng vẫn những chú ngựa đó thôi, trên đồng hoang lại là hình ảnh khác hẳn. Từ tiếng hý, nhịp vó, cách gọi bạn tình...đều như ẩn chứa một khát vọng tự do. Tôi cảm giác, chúng cũng có tâm hồn. Và trong tôi bỗng trào lên một cảm hứng mãnh liệt, phải tìm hiểu về chúng”, ông Đức lý giải cơ duyên dẫn ông đến một tình yêu đặc biệt với ngựa.

Hải Phòng cách đây vài chục năm, vùng ngoại ô nuôi rất nhiều ngựa. Ông Đức bắt đầu lang thang ra các đồng cỏ, đi theo bầy ngựa, có khi cả ngày dài chỉ để quan sát xem cuộc sống của chúng thế nào. “Có bữa, mấy tiếng liền tôi chỉ đứng để ngắm nhìn hai mẹ con ngựa. Chú ngựa con làm nũng, đùa nghịch với mẹ, ngựa mẹ âu yếm, vỗ về con... Tình mẫu tử chẳng khác gì con người. Càng đi, càng tìm hiểu về ngựa, tôi mới hiểu vì sao người ta lại có câu “khuyển mã chi tình”, và càng thấy yêu chúng hơn”.

Đổi bức tranh lấy cành hoa đào

Ông Đức bảo, từ nhỏ ông đã có niềm say mê vẽ tranh. Ông rất muốn thi vào một trường hội họa nào đó, nhưng vì nhà quá nghèo, nên mơ ước đó của ông đành phải gác lại. Nhưng đam mê thì vẫn còn đó. Và từ khi nảy sinh tình cảm đặc biệt với loài ngựa, ông tự nhủ sẽ dành trọn tâm huyết của mình để khắc họa được “tâm hồn” ngựa vào tranh.

Bao nhiêu tiền tích cóp được ông đều đổ vào màu dầu, vào cọ vẽ. Những bức tranh ngựa lần lượt ra đời, mang theo khát vọng của người họa sĩ không chuyên. Nhưng nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng lên vai người đàn ông trụ cột gia đình. Để có thể tiếp tục sống với niềm đam mê của mình, ông quyết định mang tranh đi bán.

“Năm đó cũng là một năm Ngọ, tôi nghĩ mang tranh ngựa đi hẳn sẽ đắt hàng. Chất tranh lên chiếc xe máy cà tàng, tôi phi ra Hà Nội với niềm khấp khởi”, ông Đức bùi ngùi. Nhưng đáp lại mong đợi của ông, chỉ là cái lắc đầu của chủ hàng những Garely bóng lộn, thậm chí họ còn không thèm nhìn tranh của ông. Chỉ có một người duy nhất chịu đợi ông dỡ tranh từ xe xuống, xem rồi từ tốn bảo: “Ông vẽ rất đẹp, có phong cách riêng, nhưng thị trường tranh đang ế ẩm, người chơi nghệ thuật đích thực giờ ít lắm, họ chỉ cần có tranh treo với giá re rẻ là được. Hết năm ngựa lại treo tranh dê, như theo thời trang ấy mà”.

Ông Đức bên những đứa con tinh thần muộn mằn của mình.
Ông Đức bên những đứa con tinh thần muộn mằn của mình. 

“Không bán cho ông chủ đó vì bị trả quá rẻ, từ chối thêm vài người nữa cũng vì chẳng bõ tiền màu, giấy, buồn bã, tôi chất tranh lên xe đi về. Trong lúc tâm trạng u sầu, chẳng hiểu sao tôi lạc tới một xóm nhỏ có phong cảnh đẹp như trong tranh. Trong lúc tôi hỏi thăm đường, một người đàn ông trong ngôi nhà nhỏ bước ra mời tôi vào nhà, thưởng trà, tạm nghỉ chân. Điều khiến tôi ngỡ ngàng là anh ấy nhận xét đúng ý tưởng từng bức tranh của tôi. Hạnh phúc dâng trào, tôi ngỏ ý tặng anh một bức. Anh chối, bảo nghèo quá, chẳng có tiền đưa lại tôi, rất ngại. Cuối cùng, anh nghĩ ra một cách, là tặng tôi cành đào đang chúm nụ trước sân nhà. Gặp được người tri kỷ, nỗi buồn không bán được tranh chợt nhẹ bỗng trong tôi”, ông Đức rưng rưng.

Nước mắt màu dầu

Sau chuyến đi đó, ông Đức đành tạm chia tay với đam mê của mình, lênh đênh trên những con tàu ngoài biển, đảm nhiệm chức đài trưởng vô tuyến điện, kiếm tiền nuôi vợ con. Giờ ở tuổi 60, nghĩa vụ với gia đình hoàn thành, ông lại quay về với cọ vẽ, và tình yêu với ngựa.

“Khi tôi giở lại những lọ màu dầu, chúng đã khô cả rồi. Tôi cảm thấy nó như giọt nước mắt của tôi, đau xót, nuối tiếc cho một khát vọng đã bị chôn vùi”, giọng ông Đức nghèn nghẹn. Và ông vẽ hối hả, như quên thời gian, như bù lại những tháng năm tuổi trẻ của mình. Ngựa ở Hải Phòng giờ đã hiếm, ông lặn lội đến những vùng xa để lại được ngắm, được chiêm ngưỡng tình yêu của mình.

Tôi hỏi ông Đức, giờ ông có bán tranh nữa không, ông cười: “Có nhiều vị khách nước ngoài tới đây trả giá một số bức của tôi, tôi không bán. Nhưng tôi sẵn sàng tặng cho ai đó thực lòng hiểu được tâm hồn tôi muốn gửi gắm qua tranh”. Tôi nhìn vẻ hào hứng, say sưa, lúc cười sảng khoái, khi lại nghẹn ngào nói về tranh, về ngựa của ông Đức, bất chợt tự nhủ: Có lẽ, đời sẽ vô nghĩa thật, nếu chẳng có một đam mê nào.

“Nhiều người hỏi tôi, vẽ ngựa đã có ông Từ Bi Hồng nổi tiếng thế, ông sao địch được với ông ấy mà vẽ, tôi trả lời họ thế này: Tôi là tôi, tôi vẽ bằng tình yêu của mình, mà tình yêu đâu thể giống nhau”.

Độc nhất nghệ thuật vẽ tranh trên gạch men

Người hoạ sỹ và người yêu hội hoạ có thể vẽ tranh trên nhiều chất liệu khác nhau như: Giấy, gỗ, lụa, sơn mài, gốm, trên da thịt con người... Mỗi chất liệu, cho những hồn tranh khác nhau. Gần đây, giới hội hoạ và người yêu tranh có thêm một dòng tranh mới - tranh vẽ trên chất liệu gạch men của nữ họa Nguyễn Thị Lan Hương.

Cuộc dạo chơi thú vị

Trao đổi với PV, hoạ sỹ Lan Hương thú nhận: "Gắn bó với đất là một cuộc chơi thú vị trong đời cầm bút vẽ của tôi". Chị kể, cơ duyên đến với việc vẽ tranh trên men gốm bắt nguồn từ một lần chị được mời đến thiết kế mẫu cho nhà máy gạch men Hương Canh (thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Chứng kiến quá trình làm gạch men ở các xưởng sản xuất công nghiệp tại đây, chị thấy đất, gạch lôi cuốn mình.

"Từ đó, nhiều ý tưởng được nhen nhóm, phác hoạ trong đầu, tôi gắn bó với men, với gạch từ đây", hoạ sỹ nói giọng hài hước: "Theo can chi, tôi mạng thổ nên bén duyên với đất và lửa cũng là lẽ thường tình. Khi gặp những nguyên liệu tạo nên men gốm, tôi cảm thấy rất gần gũi.".

v
Chân dung họa sỹ Lan Hương.

Theo hoạ sỹ, những tác phẩm tranh đất gạch men hoàn thành, chị dùng tặng bạn bè là chính. Sau mỗi một tác phẩm, chị phát hiện ra một điều thú vị là vẽ trên bề mặt gạch cũng không khác sáng tác trên bề mặt phẳng của các chất liệu khác là mấy. Chị thấy yêu cái lối "chiều" người sáng tác rất giản dị của gạch men bởi nó không đòi hỏi người họa sỹ phải tốn nhiều công sức như ủ, mài, đánh bóng, phơi...  Thời gian để có một tác phẩm tranh như ý ngắn, chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ sau khi sáng tác là người họa sỹ có thể thưởng thức được tác phẩm của mình.

Đúc kết về thời gian "điên" trên chất liệu gạch men, hoạ sỹ Lan Hương cho biết: Sáng tác trên men gốm không chỉ giúp người họa sỹ nắm được những kỹ thuật tối thiểu về chất liệu đất cũng như nhiệt độ mà còn rất phong phú trong cách thể hiện như bút nho, mực tàu hoặc dùng bút lông để vẽ men dầy lên như sơn dầu hoặc dùng kỹ thuật điêu khắc để khắc trên bề mặt... Đặc biệt men gốm hơn rất nhiều những chất liệu khác ở chỗ sau khi nung xong sản phẩm sẽ hoàn toàn đồng chất từ bề mặt đến các họa tiết trang trí.

Hoạ sỹ khẳng định: "Tôi đã trải qua rất nhiều chất liệu vẽ tranh nhưng khi được gần gũi với đất, sự kích thích ý tưởng sáng tác trong người mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Vẽ trên gốm, tôi cảm thấy thực sự thoải mái bởi cảm nhận được giải phóng mình. Cái cảm giác bị bó hẹp trong khuôn phép trên gỗ hay nắn nót trên giấy... như các chất liệu khác hình như không tồn tại. Cảm giác của tôi là đang chơi đất nên rất tự nhiên, phóng khoáng và đầy màu sắc."

Triển lãm "Sắc màu 3" vừa diễn ra tại Hà Nội làm chị quá bận rộn với tranh gạch men. Trong ngày triển lãm, nhiều người đến nhờ chị hướng dẫn cho họ cách vẽ tranh trên men gốm. Đó là niềm vui bất tận của người hoạ sỹ. Tại đây, ý tưởng bất chợt xuất hiện khi chị nhìn thấy chỗ màu vẽ và đất mọi người dùng để học vẽ cho tác phẩm của mình thừa, nằm vương vãi trên sàn. Chị vội bắt tay vào làm một mạch cho đến sáng không ngừng nghỉ và 3 bức tranh về biển cùng một bức tranh hoa gạo đã được thai nghén, ra đời từ chính giây phút thú vị đó.

v
Các tác phẩm tranh gạch trong triển lãm "Sắc màu 3" ngày 10/10/2012.

Người tiên phong

Với họa sỹ Lan Hương, kỹ thuật vẽ trên men gốm không có gì đặc biệt mà tự nhiên như trên bột màu. Sự quyến rũ của chất liệu này đối với người họa sỹ chính là sự biến đổi thú vị từ màu vẽ khi nung qua lửa. Quá trình nung qua lửa nhiều lần trên dây chuyền sản xuất công nghiệp với nhiệt độ ổn định nên màu sắc sẽ bị biến đổi từ đậm sang nhạt hoặc ngược lại... nhưng chính những kết quả bí mật đến phút chót ấy đã chinh phục người hoạ sỹ cùng những sáng tạo độc đáo, khác lạ.

Thực tế, có những bức vẽ thử nghiệm (tức trước khi nung qua lửa - PV) khá thành công nhưng khi muốn phóng tác ý tưởng trên một diện tích rộng, phải ghép rất nhiều miếng nhỏ lại với nhau thì việc gặp những tai nạn phát sinh như lỗi kỹ thuật hay sự cố nứt tóc trên gạch mà mắt thường không nhìn thấy là điều dễ hiểu. Ngoài ra, khi gặp nhiệt độ cao men gốm còn dễ bị nứt vỡ. Còn nhớ bức tranh chị vẽ phong cảnh Hương Canh (Vĩnh Phúc) vào buổi đêm là một bức tranh khổ lớn tới 40,2m. Khi gạch ra lò thì phát hiện ra hai viên chính giữa bị rơi vỡ trong lò. Chị xuýt xoa nói: "Nếu rơi bên ngoài còn có thể nhặt và ghép lại được còn rơi trong lò thì chỉ còn nước để lại làm kỷ niệm mà thôi."

Trải qua những tai nạn nghề nghiệp như thế, dần dần chị có những kinh nghiệm về kỹ thuật cũng như kinh nghiệm sáng tác trong cách đoán độ lửa, nhiệt độ, màu sắc sử dụng cho phù hợp... để làm chủ được chất liệu. Với hoạ sỹ, làm chủ được chất liệu, có nghĩa là tranh vẽ đã thành công được một nửa. Sau này chị thường chọn cách sáng tác an toàn là vẽ tranh trên những viên gạch đã nung qua một lần lửa để có sự ổn định về bề mặt. Cũng có khi gặp phải những sự cố như mất điện, hở hơi, nhiệt độ không ổn định làm ảnh hưởng hình ảnh của tranh vẽ khi ra lò.

v
Hai bức tranh "biển" của họa sỹ Lan Hương tại triển lãm.

Kỹ thuật làm gốm bình thường ở Phù Lãng (làng nghề truyền thống ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) hay Hương Canh là được vuốt bằng đất nhưng trong kỹ thuật công nghiệp thì mài đất sấy khô rồi ép phẳng nên độ dẻo cao. Chị tâm sự: "Cái thú của người họa sỹ  khi sáng tác trên thứ gạch men gốm đặc trưng của Hương Canh là một mặt phẳng hoàn toàn và không có sự cong vênh hay nứt vỡ".

Không như các loại tranh gốm Trung Quốc, làm theo công nghệ in thủ công và nung nhẹ qua lửa. Họ chủ yếu là ép thủ công hoặc in trên đề can rồi dán vào gốm. Tranh của hoạ sỹ Lan Hương hút người xem bởi những tông màu thật trầm, kết hợp với màu nâu tự nhiên của đất làm những âm vang xưa cũ vọng về. Khi phóng tác trên gốm, người ta khó lòng mà vượt qua được hình hài mang tính mặc định của những bình, đĩa, chum, vại, ấm, chén quen thuộc.

Giới hoạ sỹ đánh giá chị là người dũng cảm, dám tự mình làm "một cuộc cách mạng" trong chất liệu vẽ tranh bằng cách thể hiện trên mặt phẳng hoàn toàn của men gạch. Chị tâm sự: "Mình đặc biệt thích sáng tác trên những bức tranh khổ lớn gồm nhiều miếng nhỏ ghép vào nhau. Đây là việc làm không dễ nhưng nó lại chuyển tải được hết sự tự do, khoáng đạt về ý tưởng trong tác phẩm của mình".             

Vẽ tranh trên men gốm đòi hỏi người vẽ  không chỉ làm tốt vai trò của một họa sỹ mà có những công đoạn họ phải hóa thân như những người thợ thủ công lành nghề. Công đoạn làm một bức tranh gốm trải qua 2 bước cơ bản là nhào đất và vẽ phác thảo (hay còn gọi là vẽ phơi). Trung bình tranh khổ 1m2 phơi mất 1 ngày. Họa sỹ phải biết cách nhào đất sao cho nước vừa khéo và dàn đất lên trên giàn lõm (hình khổ tranh) rồi lấy gạt vuốt lớp đất thừa ở trên. Khi khung tranh đã thành hình là thời điểm họa sỹ có thể vẽ lên trên theo ý tưởng rồi cắt thành miếng để tiện cho vào lò nung.

Với những công đoạn thủ công cùng việc nung gốm bằng củi, đôi khi sản phẩm ra lò có cú "táp lửa" rất độc đáo. Sự biến đổi của màu sắc của tranh vẽ đã đem đến những tác phẩm tranh đa diện, nhiều chiều của không gian mênh mông. Người thưởng thức có thể tha hồ tưởng tượng cùng những tranh vẽ "táp lửa" như vậy.

Theo Tuệ Linh
Người đưa tin

Xem hoạ sĩ vẽ chân dung "mẹ mìn" bắt cóc trẻ 1 ngày tuổi

"Mẹ mìn" bắt cóc trẻ sơ sinh ra đầu thú. Bé Hoài được tìm thấy... Một “bàn thắng đẹp” trong việc phối hợp giữa công an với người dân để phá án.

Thượng tá Nguyễn Văn Thanh, đội trưởng đội cảnh sát hình sự Công an quận 7 (TP.HCM), khẳng định nhờ vào bức phác họa chân dung thủ phạm, các chiến sĩ công an đã nhanh chóng tìm ra nơi lẩn trốn của thủ phạm bắt cóc bé Trương Văn Hoài.
Bé Hoài được đại diện công an và Bệnh viện quận 7 trao lại cho chị Tâm. Ảnh: Đức Thanh.
 Bé Hoài được đại diện công an và Bệnh viện quận 7 trao lại cho chị Tâm.  Ảnh: Đức Thanh.

Tin mới